(Dân trí) - Là một dân tộc hiếu khách, những du khách đến với Việt Nam còn mang lại lợi ích kinh tế, nhất là với các tỉnh đặt du lịch là kinh tế mũi nhọn. Song, chúng ta không chấp nhận bằng mọi giá. Những hành vi xuyên tạc lịch sử, đốt tiền Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ và cần được xử lý bằng pháp luật.
Theo báo điện tử Dân trí, bài “Hướng dẫn viên Trung Quốc giới thiệu về Việt Nam như thế nào?” cho biết, ngày 24/6, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm phương hướng đối với những bức xúc liên quan đến sự phát triển nóng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng.
Tại đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết có hướng dẫn viên tiếng Trung của Việt Nam phát hiện hướng dẫn viên của Trung Quốc giới thiệu “trước đây Việt Nam thuộc Trung Quốc, toàn bộ biển Đà Nẵng là của Trung Quốc”.
Nếu như thông tin này là xác thực, đây là hành động láo xược, xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm dân tộc Việt Nam, gây phương hại đến tình hữu nghị hai dân tộc và làm hoen ố hình ảnh của chính đất nước họ.
Theo bài báo trên, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam gần đây tăng đột biến, riêng tại Đà Nẵng, chiếm tới 40% tổng lượng khách quốc tế đến với thành phố này. Nếu nhìn vào con số trên, thì đây là hiện tượng đáng mừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một nhà chuyên môn thì không hẳn như thế mà thậm chí, ngược lại.
Lý do thứ nhất, khách Trung Quốc thường tìm đến những khách sạn của người Trung Quốc. Họ lại sử dụng luôn cả hướng dẫn viên du lịch cũng người Trung Quốc nên ít góp phần giải quyết công ăn việc làm. Ông Vinh còn cho biết, họ chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ.
Lý do thứ hai, sự gia tăng lượng du khách Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc suy giảm lượng khách các nước khác, nhất là những du khách của các quốc gia giàu có phương Tây .
Báo Người lao động, bài “Khách Trung Quốc đến, khách Tây đi!” còn cho biết: “Thực tế cho thấy ở đâu có du khách Trung Quốc đến đông thì ở đó khách châu Âu giảm hẳn vì họ thường rất xô bổ, ồn ào, thiếu ý thức...”.
Bài báo còn trích ý kiến một người dân: “Du khách châu Âu thấy khách Trung Quốc vào là bỏ đi luôn nên nhiều khi chúng tôi rất bực bội vì mất khách” và “các điểm có khách TQ đến đông thì khách châu Âu rất ngại đến”, bài báo viết. Phải chăng sự hiện diện của du khách Trung Quốc là điều không được hoan nghênh với du khách các nước khác? Hậu quả là lượng khách thì tăng nhưng lợi nhuận thì không, thậm chí giảm đáng kể.
Thứ ba, du khách Trung Quốc không được đánh giá cao về tinh thần văn hóa. Họ thường có thói quen ăn nói ầm ĩ, khác nhổ lung tung và vứt rác bừa bãi. Một số còn có thái độ hung hăng, côn đồ và có nhiều hành vi thiếu văn hóa khác. Ông Huỳnh Đức Thơ còn cho biết hiện tượng du lịch “chui” gắn liền với trốn tránh sự kiểm soát, gây thất thu thuế, gây ra những phản cảm về văn hóa làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Đà Nẵng.
Trở lại với hành vi láo xược đã nói ở trên, còn nhớ cách đây không lâu, một du khách Trung Quốc đã có hành động cũng láo xược tương tự: đốt tiền Việt Nam. Đó là hình ảnh vô cùng xấc xược, xúc phạm dân tộc Việt Nam và xúc phạm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên đồng tiền.
Là một dân tộc hiếu khách, những du khách đến với Việt Nam còn mang lại lợi ích kinh tế, nhất là với các tỉnh đặt du lịch là kinh tế mũi nhọn. Song, chúng ta không chấp nhận bằng mọi giá. Những hành vi xuyên tạc lịch sử, đốt tiền Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ và cần được xử lý bằng pháp luật.
Song, câu hỏi đặt ra, chúng ta phải làm gì để chấm dứt hiện tượng này? Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý? Các quốc gia trong khu vực đã có biện pháp gì với những hành vi tương tự?... Câu hỏi đó thuộc về ccác cơ quan quản lý du lịch Việt Nam.
Chỉ nhắc lại, không có bất cứ ai vì bất cứ lý do gì được phép xuyên tạc lịch sử Việt Nam cũng như xúc phạm đến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải không các bạn?