Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Sống chung với báu vật

Phạm Trung Tuyến

Khám Phá - Sống chung với báu vật, sở hữu một thứ mà quá nhiều người cho là báu vật, tự hào về nó, tiếc nuối về nó, đúng là một bi kịch. Bạn sẽ không thể vứt bỏ một thứ quý báu với người khác, cho dù thứ đó là sở hữu của bạn.

Tuần trước, có một nữ thính giả gọi đến chương trình phát thanh Quán Khuya của tôi để kêu ca về nỗi khổ lấy phải một ông chồng có danh tiếng quá tốt. Đến mức mà nếu như người vợ đâm đơn ly hôn thì sẽ làm tổn thương tất cả họ hàng.

Người phụ nữ ấy muốn ly hôn bởi không thể chịu đựng nổi sau 20 năm sống trong cuộc hôn nhân với ông chồng quá buồn tẻ. Nhưng, chị không thể làm được điều ấy, bởi không ai tin lý do của chị. Bố mẹ, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp đều nhất trí rằng ông chồng của chị vừa đẹp trai, tài giỏi, tốt bụng, lại còn hòa nhã, tóm lại là không thể có được người thứ hai như thế. Bởi thế, mỗi khi nói ra mong muốn ly hôn, chị lại được nhìn bằng ánh mắt chứa đầy sự phán xét.

Nghe câu chuyện đó, tôi đã rất buồn cười khi nghĩ rằng sao người ta có thể chấp nhận một cuộc sống tồi tệ chỉ vì chiều theo ý nghĩ của đám đông như thế. Tôi bảo, là tôi, tôi sẽ kệ mọi người nghĩ sao thì nghĩ. Nữ thính giả nghe thế lặng im. Hồi lâu, chị bảo: Chú nói thì dễ!

Thực ra chuyện này không hề dễ. Sống chung với báu vật, sở hữu một thứ mà quá nhiều người cho là báu vật, tự hào về nó, tiếc nuối về nó, đúng là một bi kịch. Bạn sẽ không thể vứt bỏ một thứ quý báu với người khác, cho dù thứ đó là sở hữu của bạn. Đó cũng là lý do kỳ quái cho sự tồn tại của những ngôi nhà bị “phong thánh” trở thành kiến trúc cổ.

Ngôi nhà cũ ở số 237 Nơ Trang Long, TpHCM là một công trình bị phong thánh như thế. Chỉ vì vô tình được nhắc đến trong một tập sách đầy hoài niệm của một nhà báo mà bây giờ chủ nhân của nó phải khốn khổ khốn nạn khi muốn phá nó đi.

Bỏ hay giữ một thứ tài sản thuộc về cá nhân là quyền tự quyết của mỗi người. Song, chủ nhân của ngôi nhà ấy không được thực hiện quyền tự quyết về tài sản của mình một cách dễ dàng, chỉ bởi vì nó đẹp. Báo chí lên tiếng, chính quyền loay hoay và ngôi nhà đang phá dở phải bị giữ nguyên hiện trạng cho dù có thể mất an toàn.

Ngôi nhà cũ ở số 237 Nơ Trang Long, Tp HCM cũng có số phận giống như hàng trăm ngôi nhà cũ trên đất nước này, sống dở, chết dở bởi sự tiếc nuối của những người không phải chủ nhân.

Những ngôi nhà cũ, có thể là chứng nhân ký ức, có thể đã trở thành nỗi nhớ, thành cảm hứng nghệ thuật của bao người trong chúng ta, nhưng khi nó đã thuộc sở hữu của ai đó, hãy tôn trọng quyền tự quyết về tài sản của chủ nhân.

Ngăn cản chủ nhân của ngôi nhà phá dỡ tài sản của họ, dù với bất cứ lý do nào cũng sẽ là vô lối. Một cô gái đẹp, đến tuổi cũng sẽ phải lên xe hoa mà về nhà chồng. Nếu chỉ vì cô ấy đẹp, chỉ vì tiếc nuối bởi không thể cưới cô ấy, mà có thể nhân danh bảo vệ gái làng mà ngăn cản cô ấy có người yêu hay sao?  

Nếu có tiếc nuối những ngôi nhà cổ, hãy nên tiếc vì sao nó không phải của mình, để có thể gìn giữ theo cách mà mình muốn.