Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

'Share' hay tha thứ?

Lương Hoài Nam

VNExp - Lướt qua Facebook, đập vào mắt tôi là bài báo về chuyện ông Bob Kerrey, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam là người từng tham gia vào vụ thảm sát hàng chục phụ nữ và trẻ em ở xã Thạnh Phong (Bến Tre) năm 1969.

Tôi choáng váng. Tôi luôn ủng hộ dự án Đại học phi lợi nhuận Fulbright Việt Nam và có nhiều kỳ vọng vào nó. Nhưng câu chuyện trong bài báo, tôi chưa từng được nghe. Các chi tiết về vụ thảm sát đó kinh khủng đến mức tôi không thể không sốc.

Như phản xạ thông thường, tôi đã định "share" bài báo kèm với bức xúc của tôi về chuyện này. Nhưng ở chính thời điểm định nhấn nút "Post", tôi dừng lại. Tôi muốn có thêm thời gian để suy nghĩ.

Tôi gập iPad, lên xe đi làm. Những lúc không bận việc, tôi lại nghĩ về Bob Kerrey và vụ thảm sát mà ông ta đã tham gia năm 1969. Giờ thì tôi đã biết suy nghĩ và lựa chọn của tôi.

Mấy hôm vừa rồi, tôi và nhiều người Việt đã chia sẻ bài phát biểu của Obama khi ông đến Hiroshima và dâng hoa ở đài tưởng niệm những nạn nhân trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 06/8/1945. Tôi đã để ý đoạn này trong bài phát biểu của Obama:

"Chúng ta thấy câu chuyện này trong những người sống sót ở Hiroshima. Đó là người phụ nữ (Nhật) đã tha thứ cho viên phi công (Mỹ) lái máy bay thả bom nguyên tử bởi vì bà nhận ra rằng thứ mà bà ta căm ghét là bản thân cuộc chiến tranh. Đó là người đàn ông (Nhật) đã tìm kiếm gia đình những người Mỹ bị giết ở nơi đây, vì ông tin rằng mất mát của họ (người Mỹ) không kém gì những mất mát mà chính ông phải chịu đựng."

Những câu nói đó của Obama cho thấy phần đông người Nhật đã tha thứ cho viên phi công Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, giết chết hàng trăm nghìn người Nhật. Nó cũng nói lên việc người Mỹ, thông qua Obama, biết ơn người Nhật về sự tha thứ. Viên phi công Mỹ đó chỉ thực hiện quyết định của Tổng thống Mỹ Harry Truman và theo lệnh của Douglas McArthur - Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh Thái Bình Dương (người sau này được nước Nhật và người dân Nhật ghi công, biết ơn nhờ những đóng góp của ông trong công cuộc tái thiết Nhật Bản sau Thế chiến 2). Viên phi công đó chỉ là một người lính trong hoàn cảnh chiến tranh mà thôi.

Trở lại với Bob Kerrey, thật dễ để căm ghét ông sau khi đọc bài báo và kêu gọi ông từ chức Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Tôi có thể làm như thế và chắc tôi sẽ nhận được nhiều "like", nhiều "share". Nhưng sau nửa ngày suy nghĩ, tôi quyết định chọn điều khó hơn. Đó là tha thứ.

Tôi tha thứ cho Bob Kerrey và muốn nhiều người Việt cùng tha thứ cho ông. Tôi muốn chúng ta cố gắng làm được điều khó hơn, chứ căm ghét ông ấy thì quá dễ.

Tha thứ không phải để quên đi. Tôi sẽ không quên; Bob Kerrey càng không thể quên. Nhưng tôi đã học cách nhìn vào tương lai và vì tương lai để khép lại quá khứ.