(Dân trí) - Cuối tuần trước, Báo Tiền Phong dẫn một thông tin từ kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, Giang Kim Đạt, nguyên là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin, Tổng công ty Công nghiệp-tàu thuỷ Việt Nam (trước đó là Tập đoàn Công nghiệp-tàu thủy Việt Nam-Vinashin) đã tham ô 16 triệu USD chỉ trong thương vụ mua bán 3 con tàu cũ của doanh nghiệp này.
Mặc dù từ khi vụ án được khởi tố, Giang Kim Đạt bỏ trốn ra nước ngoài rồi bị bắt, đưa về Việt Nam (tháng 7/2015), những thông tin về mức độ tham nhũng của người này đã được tiết lộ ít nhiều, nhưng đến nay, sự khẳng định của cơ quan điều tra cho thấy số tiền tham ô của Đạt lên tới trên 330 tỉ đồng đã thực sự gây sốc với bất cứ ai quan tâm đến vụ án này.
Bởi ở đây, chỉ là một cá nhân, qua các trò khai khống, gửi giá, ăn chênh lệch đã được đối tác nước ngoài chuyển riêng 16 triệu USD vào tài khoản. Chưa kể, Đạt cùng các cá nhân khác trong công ty tham ô, chiếm đoạt hàng triệu USD khác qua việc lập dự án mua các tàu biển, khai thác, cho thuê tàu trong suốt các năm 2006-2008.
Người ta đã đặt câu hỏi là có những lỗ hổng nào để cho chỉ một trưởng phòng của một doanh nghiệp nhà nước (Đáng chú ý, khi thực hiện các vụ tham ô trên, Đạt chỉ mới 25-26 tuổi- Dân trí) mới có thể tham nhũng số tiền lớn đến như vậy mà đến khi phát hiện còn để cho thủ phạm bỏ trốn mà rất nhiều năm sau mới bắt giữ được? Phải chăng là những lổ hổng pháp lý về kiểm tra, giám sát, về quản lý của trùng trùng, điệp điệp các cơ quan nhà nước: Bộ chủ quản, Thanh tra, Kiểm toán, Công an...?
Hổng thì đương nhiên là hổng rồi. Dễ thấy nhất là Thanh tra Chính phủ đã có rất nhiều văn bản quy định về kê khai tài sản. Nhưng chỉ lấy ví dụ ở vụ việc trên, như kết luận điều tra nêu, Giang Kim Đạt sau khi được đối tác "lại quả" 16 triệu USD đã rút tiền mua tới 40 căn hộ, biệt thự cao cấp (đứng tên bố) đã cho thấy, quy định về kê khai tài sản -một biện pháp luôn được cho là để phòng, chống tham nhũng đã không hiệu quả. Bởi rõ ràng đã thiếu một cơ chế để kiểm tra xem người kê khai có kê khai đúng hay không và cơ quan nhận kê khai đã không thể biết biến động về tài sản của người đã kê khai, không hề biết sự trung thực của người kê khai.
Một loạt các quy định, thiết chế khác: Như việc thẩm định dự án, kiểm tra, thanh tra quá trình triển khai dự án...ở những vụ việc cụ thể như thế này cho thấy cũng không hiệu quả cho dù, người ta đã khẳng định rằng, hiện nay chẳng còn thiếu cơ chế, quy định nào cả. Thậm chí, mức độ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra chuyên ngành... là dày đặc. Có những doanh nghiệp đã phải kêu trời vì số lượng cuộc thanh tra lên tới trên 40 lần/năm.
Nhưng vượt quá tất cả những cơ chế giám sát, kiểm tra... đó, tham nhũng vẫn tồn tại. Hàng loạt vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản diễn ra ở Vinashin, Vinalines... trong các năm trước đây, với hàng chục bị can đã và đang phải chấp hành hình phạt tù trong các năm trước đây, khiến các ngành sản xuất, kinh doanh được coi là "chủ lực" này đã ở trong trạng thái tan rã, tiêu điều. Thế nhưng Phạm Thanh Bình, kẻ trực tiếp gây ra thảm họa này được biết cho đến nay vẫn chưa đền bù được đồng nào, kể cả tiền án phí?
Có lẽ, vấn đề là ở chỗ, Nhà nước không nên đem tiền ngân sách, tiền thuế của người dân đóng để đi sản xuất, kinh doanh nữa. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ nên rút gọn tối đa ở vài ngành sản xuất liên quan đến an ninh năng lượng, quốc phòng: Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, truyền tải điện, xăng dầu... Còn thì nên tư nhân hoá, cổ phần hoá hết để người dân tham gia sản xuất, kinh doanh.
Đồng tiền liền khúc ruột. Chẳng ai lại tự tham nhũng tiền của mình. Nhưng nếu ở doanh nghiệp nhà nước, tiền, tài sản quá lớn, là tiền "chùa", tài sản "chùa" luôn luôn có khả năng bị tham ô, bị mất mát và rất khó có một cơ chế nào đủ chặt chẽ, đủ mạnh để điều này tuyệt đối không xảy ra. Không phải tự nhiên, ở một hội nghị doanh nghiệp nhà nước trước đây, khi vụ các vụ việc tại Vinashin mới xảy ra, ông Phan Đăng Tuất, khi đó vẫn là Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã nói (đùa):"Nếu không cổ phần hoá nhanh, các anh (lãnh đạo DNNN) ngồi ở đây rồi cũng sẽ bị bắt hết". Rất nhiều người ở hội nghị đó đã cười râm ran khi nghe câu đó. Nhưng có vẻ như, thực ra, họ tin đó là một câu nói thật.