(GDVN) - Một số chuyên gia nhận định, nếu quy định Công an xã được quyền “huy động tài sản", có thể gây ra những hệ lụy khó lường.
Mạo hiểm?
Bộ Tư pháp đã họp hội đồng thẩm định dự án Luật Công an xã, trong đó, điểm đáng chú ý trong dự thảo luật này là việc Công an xã được “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách.
Cụ thể: Trường hợp cấp cứu người bị nạn; cứu nạn, cứu hộ; truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm.
Công an xã phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động bị thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật…
Một chuyên gia tỏ ra lo ngại rằng, nếu trao quyền cho Công an xã thực hiện "huy động tài sản" của dân sẽ là một việc làm rất mạo hiểm.
Trong khi đó, các khái niệm “huy động tài sản" và "trưng dụng tài sản" vẫn chưa được làm rõ trong dự thảo luật.
“Cần phải nói rõ thế nào là "huy động tài sản" trong tình trạng khẩn cấp. Ví dụ, trong trường hợp cấp cứu người bị nạn, thì ở mức độ nào thì Công an xã được "huy động tài sản"? Ai kiểm tra giám sát trong trong việc thực hiện quyền này?
Đó là chưa nói trình độ của Công an xã hiện nay. Nếu theo dự thảo luật này (Công an xã tối thiểu tốt nghiệp tiểu học - PV) mà trao quyền cho họ trong việc “huy động tài sản" của dân thì rất mạo hiểm.
Bởi lẽ, về chủ quan, có thể bản thân họ (Công an xã – PV) có ý tốt trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thể vì thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc luật quy định không rõ mà Công an xã làm sai trái thì bản chất vẫn là lạm quyền.
Cũng có thể khi được trao quyền, người ta sẽ lợi dụng để làm việc xấu.
Mặt khác, người sở hữu tài sản, có quyền từ chối cho Công an xã “huy động tài sản" hay không? Nếu tài sản “huy động” thất thoát thì ai, cơ quan nào bồi thường thiệt hại?
Quy trình, thủ tục bồi thường thiệt hại ra sao?
Đó là chưa kể việc Công an xã có thể xâm phạm quyền bí mật đời tư cá nhân của công dân.
Tôi cho rằng, bất luận ở phương diện nào khi thực hiện việc "huy động tài sản", người dân cũng sẽ bị thiệt thòi.
Do đó, việc "huy động tài sản" cũng không nên đưa vào Luật Công an xã”, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 26/6.
Người gây ra sai sót sẽ phải bồi thường
Giải đáp những băn khoăn trên, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, việc "trưng dụng tài sản" khác "huy động tài sản" ở quy mô, tính chất sự việc.
“Trưng dụng tài sản” là vấn đề có tính cưỡng chế ở phạm vi rộng. Trong trường hợp này chỉ có lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền mới được thực hiện “trưng dụng”.
Còn việc “huy động” tài sản dựa trên cơ sở thỏa thuận người thực thi nhiệm vụ và công dân - người có tài sản để “huy động” trong những trường hợp cấp bách, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, trong trường hợp Công an xã được "huy động tài sản" của công dân nhưng làm mất hoặc thì làm tổn hại tài sản của người khác thì trước mắt người có tài sản sẽ được Nhà nước bồi thường.
“Trong trường Công an xã gây thiệt hại tới tài sản của công dân thì trước mắt Nhà nước sẽ bỏ tiền ra đền bù cho người bị thiệt hại.
Sau đó Công an xã phải bồi hoàn số tiền mà Nhà nước đã trả cho người bị thiệt hại theo luật.
Về bản chất, người làm thiệt hại tài sản của công dân sẽ phải bỏ tiền túi để bồi hoàn cho người bị thiệt hại.
Đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cũng đưa ra nhận định, ít có khả năng người "huy động tài sản" lạm quyền khi thực hiện nhiệm vụ...