Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Không con ông cháu cha thì "tuổi gì?"

Đan Hà

VNN - “Thế ra em đi học 2 năm về thành thầy của tôi rồi sao? Tôi đã duyệt giáo trình đó, em cứ thế mà dạy, khỏi bàn cãi lôi thôi”.

LTS: Trong một xã hội không ngừng vận động, sự mâu thuẫn về tư duy, quan điểm sống hoặc lối mòn văn hóa giữa các thế hệ, các nhóm người là không thể tránh khỏi. Trong loạt bài viết này, Tuần Việt Nam cùng mổ xẻ văn hóa "kính lão đắc thọ", hay "tôi già tôi có quyền", trong đó có "quyền" áp đặt, đòi hỏi, nghĩ hộ làm hộ người trẻ. Điều đó còn phù hợp với xã hội hiện nay không. Kính mời độc giả cùng chia sẻ.

Chưa khi nào đề tài lãnh đạo trẻ lại “hot” như gần đây. Đọc bình luận trên các diễn đàn, các báo mạng thì tỷ lệ người ủng hộ những lãnh đạo trẻ mới được bổ nhiệm còn nhiều khác nhau. Đa phần săm soi xuất thân của họ theo kiểu coi có phải con ông cháu cha gì không hoặc giả đa nghi, trẻ thế thì biết làm gì?

Không biết từ bao giờ, nhiều người suy nghĩ, già ắt hẳn phải hơn trẻ, thế nên gần như là luật bất thành văn, hễ già nói là trẻ phải nghe, miễn bàn cãi.

Đây là một trong lý do, thạc sĩ tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài, nhận nhiệm sở xong thì ngồi chơi xơi nước vì những gì được học không thể phát huy. Bởi lẽ, “trứng mà đòi khôn hơn vịt”.

Cô em tôi, giảng viên đại học, học tiến sĩ ở nước ngoài, được mời ở lại làm việc với mức lương cao nhưng quyết tâm trở về với bao hoài bão. Lên trường cũ nhận việc, được phân công đứng lớp và được phân cả giáo trình có từ thời cô ấy còn sinh viên, trong khi ngành học mà cô ấy giảng dạy là một ngành cập nhật và vận dụng kiến thức mới cực kỳ linh hoạt.

Khi cô ấy đề nghị áp dụng giáo trình mới thì Trưởng khoa cũng là thầy giáo cũ lạnh lung bác bỏ, “em đi học 2 năm về giờ thành thầy của tôi rồi sao? Tôi đã duyệt giáo trình đó, em cứ thế mà dạy, khỏi bàn cãi”.

Thế là cô ấy quyết định: “Em phải đi thôi chị ạ. Bên kia họ vẫn giữ lời mời. Sang bên ấy em sẽ có cơ hội phát huy những gì đã học, chứ ở đây, em sẽ thành vô dụng”.

Người già có kinh nghiệm hơn người trẻ, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng có lẽ cái lối suy nghĩ kinh nghiệm được tích lũy theo năm tháng và được truyền lại trực tiếp từ thế hệ trước xuống đến thế hệ sau đã trở nên lạc hậu với thời cuộc.

Thời đại công nghệ, một cú click chuột có thể cho ra cả một kho kiến thức, hơn nhau ở chỗ sàng lọc và áp dụng. Thế giới ngày nay đầy rẫy những người trẻ tài năng mà đôi khi sự thành công của họ lại chính từ việc phủ nhận hay vượt mặt những bậc cha chú đi trước. Quan trọng là, những phát kiến của họ được cho thử nghiệm, được tôn trọng, chứ không bị ép cho thui chột từ trong trứng nước.

Ở các nước phát triển, sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Một đứa trẻ hay một ông già đều được tôn trọng và lắng nghe ý kiến như nhau. Người Việt xuýt xoa khi thấy một cậu học trò tiểu học ở Mỹ đường hoàng đứng ngang hàng bắt tay Tổng thống như hai người đàn ông nhưng ở Mỹ điều đó chẳng có gì là đặc biệt. Lắng nghe cũng là cách để Tổng thống hiểu thêm nhiều điều.

Sự tôn trọng này hình thành ngay trong cách ứng xử tại mỗi gia đình. Ở nhiều nước phát triển, trẻ con cũng được đóng góp ý kiến trong gia đình, được thảo luận công khai các vấn đề chung của gia đình hay các vấn đề liên quan đến trẻ như việc học hành, vui chơi. Cha mẹ tôn trọng và không áp đặt ý kiến chủ quan lên con trẻ.

Ở Việt Nam, vào công sở ai không biết cứ tưởng đấy là một gia đình bởi cách xưng hô như trong gia đình. Bề ngoài có vẻ chẳng ảnh hưởng gì đến công việc, nhưng thực ra có những tác động không nhỏ. Xưng hô tạo thành thói quen, dần dần đi vào tiềm thức, thành tình cảm và rồi dẫn đến sự cả nể. Người ở vai trên cứ tự nhiên cho mình cái quyền hành xử của bề trên. Người vai dưới dù muốn dù không cũng chịu phần nhún nhường, lâu dần tác động cả vào công việc khiến ảnh hưởng không ít.

Có lẽ còn lâu lắm xã hội Việt Nam mới có được cái nhìn cởi mở về bình đẳng, không chỉ giữa nam và nữ mà còn ở chỗ giữa người già và người trẻ, giữa cha mẹ với con cái. Không thể cứ mãi nuôi cái tư duy, thì tôi già hơn nên chắc chắn tôi biết rõ hơn, tôi già hơn nên tôi nói thì phải nghe.

Đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng thừa nhận nhiều trường hợp trứng khôn hơn vịt là sự thật!