Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Nỗi lo nhiệm kỳ

Nguyễn Khắc Giang - Vnexpress

Người Đô Thị - “Điều hành cái hợp tác xã này không dễ đâu”, ông Nhật nheo mắt chỉ tay về phía đàn bò sau nhà. Ông kể lại cho tôi những vất vả của nông dân khi đàm phán bán sữa cho nhà máy, rồi cả chuyện người dân đổ sữa “biểu tình” khi bị ép sản lượng vào đầu năm ngoái.

Ông Nhật là chủ nhiệm một hợp tác xã bò sữa ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Ông sắp về hưu và đang lo lắng. Ông lo, bởi sau lưng ông là 180 nông hộ với hàng nghìn con bò sữa và cả vùng đất đồi trồng cỏ bạt ngàn, còn cái hợp tác xã này chưa có người kế nhiệm.

Cái người kế nhiệm mà ông cần không phải là người chỉ tay năm ngón. Ông cần người không chỉ biết lo cái lo trước mắt của nông hộ, mà còn nhìn thấy trước tương lai của cả hợp tác xã.

Tôi nhớ đến nỗi lo nhiệm kỳ của ông khi vừa qua, nước ta kiện toàn xong bộ máy điều hành với những gương mặt mới. Mỗi vị tân bộ trưởng đều có cam kết về những điều sẽ thực hiện trong thời gian tại vị. Những phát biểu đầy nhiệt huyết của họ mang lại cho tôi nhiều kỳ vọng, nhưng xen lẫn vào đó là cả sự băn khoăn. Liệu ý tưởng của họ có nằm trong một kế hoạch dài hơi, hay chỉ gói gọn lại trong 5 năm?

Kết quả trong quá khứ nghiêng về xu hướng thứ hai. Đơn cử như Bộ Giáo dục: đúng 10 năm trước, chúng ta có đề án “hai không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Năm đầu tiên thực hiện, từ 94% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2006, con số này giảm xuống còn 66% trong kỳ thi 2007 (tăng lên 80% sau kỳ thi “vớt”). Ba năm tiếp theo, không có năm nào vượt qua thành tích quen thuộc 90%.

Thế nhưng kể từ năm chuyển giao nhiệm kỳ (2010), tỷ lệ này vọt lên ngoạn mục đến 99% năm 2014, và chỉ “chịu” giảm xuống 93% vào năm ngoái.

Có một sự trùng hợp là sự tiến bộ trong thành tích tốt nghiệp này đi cùng với sự thay đổi về trọng tâm của ngành giáo dục. Nếu như nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến chống tiêu cực, thì từ khoá trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là “trận đánh lớn” với liên tiếp những cuộc cải cách, từ tuyển sinh cho đến sách giáo khoa, gây nhiều tranh cãi.

Người thay thế ông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, quay về với quan điểm con người là trung tâm. Người ta đang chờ ý tưởng của ông sẽ được hiện thực hóa ra sao. Những điều xảy ra ở ngành giáo dục có lẽ cũng tương đối phổ biến ở những ban, ngành khác.

Một chiến lược phát triển dài hạn đôi khi cần nhiều hơn một nhiệm kỳ. Đáng tiếc, vì nhiều lý do khác nhau, không phải nhà làm chính sách nào cũng có đủ thời gian để đưa những ý tưởng của mình vào đời sống một cách hoàn thiện. Gia sản để lại là chính sách gãy vụn, ý tưởng này chưa được thực hiện thì đã bị ý tưởng khác của lãnh đạo mới thay thế mà đôi khi không có tính kế thừa. Tôi cho đó là căn bệnh nhiệm kỳ.

Thời gian còn ở Anh, tôi có dịp được chứng kiến hoạt động rất thú vị của “shadow cabinet” (nội các đối lập), nhóm các nhà lãnh đạo của phe đối lập với từng “bộ trưởng đối lập” (shadow minister) theo dõi và phản biện các chính sách của bộ trưởng xịn. Họ tranh luận thường xuyên trên TV như một show diễn truyền hình thực tế. Điều này khiến cho các nhà xây dựng chính sách phải hết sức cẩn trọng và có trách nhiệm với ý tưởng của mình.

Liệu chúng ta đã đủ cơ chế giám sát liên tục để “nhắc” các lãnh đạo về sứ mệnh xuyên suốt của ngành hay chưa? Sứ mệnh của ngành, chứ không phải của họ, người chỉ mang nhiệm kỳ 5 năm.

Tôi tự hỏi, tại sao một ông chủ nhiệm hợp tác xã lại trăn trở về người kế vị nhiều như thế? Ông không mang tư duy nhiệm kỳ, bởi phía sau ông là 180 người nông dân khắc khổ, ông được gặp họ hàng ngày, nhìn thấy con cái và gia đình. Ông hiểu, sứ mệnh của cái hợp tác xã ấy là lo cho họ lâu dài, chứ không phải là lo cho xong thời gian mình tại vị.