Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Nói chung chung, làm chung chung, kết quả cũng… chung chung!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Nói chung chung, hứa chung chung tức là làm chung chung và tất nhiên, kết quả cũng… chung chung. Một khi mà đã “chung chung” thì cũng đồng nghĩa với chẳng làm gì hoặc có kết quả cũng khó mà ra gì, phải không các bạn?

Không phải vô cớ khi ngay những ngày đầu nhiệm kỳ mới, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết sẽ điều hành nền kinh tế theo mô thức mới, thân thiện, quyết liệt. Đặc biệt là khi thông tin cho báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu trước hết là phải xây dựng một Chính phủ làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm.

Đây là hướng đi đúng bởi một trong những điều bức xúc của người dân đối với đội ngũ công chức hiện nay, có lẽ cùng với 30% “có cũng được mà không cũng được”, “hành dân là chính” thì còn có tệ nạn nói không đi đôi với làm. Thậm chí, nói một đằng, làm một nẻo mà một trong những “phương thức” cổ xưa, song lại rất hiệu quả, đó là cách nói chung chung, hứa chung chung.

Người dân đã quá quen thuộc với những lời nói giàu định tính nhưng thiếu định lượng. Ví như những câu quen thuộc, “hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” thì không có phần “phụ lục” để giải thích nhiệm vụ đó là những việc cụ thể gì? Thế nào thì được gọi là “tốt”?

Trong khi, người dân cần ở mỗi cán bộ những việc làm cụ thể, thậm chí rất cụ thể như năm nay, tháng này sẽ làm việc gì? Bao giờ xong?

Ví dụ cụ thể hơn, đối với các bộ ngành chẳng hạn, như với Giáo dục & Đào tạo, người dân cần câu trả lời bao giờ sinh viên ra trường không còn (hoặc ít) bị thất nghiệp?

Đối với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, bao giờ người nông dân thoát cảnh được mùa rớt giá, được giá mất mùa?

Đối với Bộ Công thương, bao giờ ngành điện hết độc quyền? Bao giờ người nông dân không còn nơm nớp lo phân bón giả?

Đối với các địa phương, ví như TP Hồ Chí Minh chẳng hạn thì bao giờ không còn cảnh ngập lụt? Bao giờ thì nạn trộm cắp, cướp giật không còn đất hoành hành?

Tại Hà Nội, người dân cũng chờ đợi những câu cụ thể như bao giờ thì hết cảnh tắc đường? Rồi các dự án treo sẽ được xử lý như thế nào? Bao giờ thì xong? Thậm chí cụ thể hơn, bao giờ “giã từ” được câu “thần chú” đã nhiều năm ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để con đường Vành đai 2,5 sẽ hoàn thành bởi từ ngày khởi công đến nay đã 13 năm có lẻ? Rồi việc nhỏ nữa, là vụ 164 Quán Thánh, bao giờ hiện trạng được trả lại như trước khi xảy ra sai phạm? Những người cố tình “chống lưng” bao giờ phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái này?...

Không chỉ ở các công việc như đã nói ở trên, đối với đánh giá trong các bản báo cáo người dân cũng mong muốn được biết những con số định lượng. Cách đây ít lâu, khi nói về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, một vị lãnh đạo địa phương nọ cho biết tình trạng chạy chức, chạy quyền đã giảm rõ rệt.

Thế nhưng, khi báo chí đặt câu hỏi giảm rõ rệt là giảm như thế nào? Trước đây có bao nhiêu vụ, phát hiện và ngăn chặn bao nhiêu vụ? Hiện nay còn bao nhiêu vụ… thì tiếc thay, đã không nhận được câu trả lời.

Không chỉ với cán bộ, công chức, đối với các đại biểu Quốc hội, cử tri cũng mong muốn nhận được những lời hứa cụ thể trong chương trình hành động. Ví như trong nhiệm kỳ này, đại biểu sẽ tập trung vào các vấn đề gì? Thực hiện nó như thế nào? Kết quả ra sao?...

Có lẽ chính từ những đòi hỏi chính đáng của người dân, tại buổi làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình hình kinh tế vĩ mô mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, “chứ không nói chung chung”.

Đây là yêu cầu cần thiết bởi nói chung chung, hứa chung chung tức là làm chung chung và tất nhiên, kết quả cũng… chung chung. Một khi mà đã “chung chung” thì cũng đồng nghĩa với chẳng làm gì hoặc có làm thì kết quả cũng khó mà ra gì, phải không các bạn?