NLĐO - Mấy chục hộ dân ở một xã nghèo của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang bị cán bộ xã xén mất tiền địa phương hỗ trợ ăn Tết. Cũng tại huyện này, khi được tỉnh cấp tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn vừa qua cũng bị cán bộ xã nhập nhèm cấp phát.
Thật nhẫn tâm. Những cán bộ xã trên nào phải nghèo khó, họ khấm khá hơn bao người dân địa phương nhưng khi có cơ hội thì không ngại ngần bòn rút. Người dân nghèo lo toan mọi thứ và hạn hán vừa qua lại làm mùa màng thất bát. Những tưởng được giúp đỡ phần nào để lo cho gia đình qua cơn đói khổ nhưng họ đã không được nhận số tiền trên.
Câu chuyện cán bộ xã tự tung tự tác, bớt xén tiền của người dân khá phổ biến. Cách đây chưa đến 2 tháng, UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã cách chức chủ tịch UBND xã Hoàng Trạch đối với ông Hoàng Đức vì đã làm trái quy định để cấp dưới thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng của người dân. Cuối tháng 3-2016, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt Nguyễn Duy Bằng 7 năm tù vì tội “Tham ô tài sản”. Bằng là kế toán trưởng của xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự đã bòn rút 350 triệu đồng từ quỹ vì người nghèo, từ nguồn vận động cất nhà tình nghĩa...
Cán bộ xã đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế của người dân tại địa phương. Đây là cấp quản lý nhà nước gần nhất và liên quan trực tiếp đến dân sinh. Bởi vậy, nhiều năm qua, trong đề án xây dựng chính quyền cơ sở, Chính phủ đầu tư lớn và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng vững mạnh. Dù vậy, cũng chính từ cấp này, không ít cán bộ mặc sức lộng hành, trục lợi và xem mình là vua một cõi. Xa các cơ quan chức năng, gần với các nguồn lợi thực tế, trình độ nửa vời, không ít cán bộ là nỗi ám ảnh của người dân địa phương khi họ nắm quyền “sinh sát” trong tay…
Những chính sách tốt đẹp của nhà nước mà gặp cán bộ cơ sở tồi thì người dân sẽ chẳng hưởng thụ được gì, thậm chí là khổ sở thêm. Đơn cử như chương trình Xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi chạy theo thành tích để rồi đổ nợ. Người dân chưa đủ cái ăn nhưng phải oằn lưng gánh những khoản tiền lớn để xây dựng các công trình vô bổ. Hoặc người dân các địa phương phải đóng đủ các loại phí - quỹ mà họ chẳng thể nào biết được số tiền trên được chi dùng ra sao. Hiện tại, không ít xã ở nhiều địa phương có nguồn quỹ riêng lên đến cả tỉ đồng nhưng nào ai biết tiền này sẽ làm gì...
Câu chuyện ăn chặn tiền của người dân nghèo chỉ là một phần rất nhỏ trong những tiêu cực xảy ra ở các địa phương. Nếu xử lý kiểu sự vụ thì sẽ không bao giờ ngăn chặn được sự tác oai tác quái của các “cường hào mới”, thế nên rất cần những đề án mang tầm vóc quốc gia, phải xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở từ khâu đào tạo quản trị hành chính, rèn giũa đạo đức công vụ cho đến việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật thường xuyên.
Đội ngũ này nếu tốt thì sẽ là những công bộc đúng nghĩa, còn ngược lại sẽ là những con mọt ngày đêm đục khoét dân nghèo.