Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

'Càng lỗ càng lên cao' hay chuyện 'đúng quy trình'

My Yến

Ngày Nay - Sếp của doanh nghiệp lỗ lớn lại được làm "sếp" một doanh nghiệp cỡ bự khác. Sếp góp phần làm lỗ 3.200 tỷ đồng thì được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch một tỉnh. Hình như, mọi việc đều "đúng quy trình"?

Chất vấn nguyên Bộ trưởng về việc bổ nhiệm "thần đồng" 28 tuổi

Trong “Thư gửi nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về nhân sự Sabeco” mà báo chí được tiếp cận ngày 13/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu rõ: Năm 2015, ông Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế Hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng giám đốc và tiến tới có thể được bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Sabeco.

VAFI cho rằng, từ năm 2011, ông Vũ Quang Hải mới 25 tuổi, chưa từng có thành tích kinh doanh gì nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư tài chính dầu khí (PVFI). Khi đó, PVFI có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN nắm giữ trên 51% vốn điều lệ với 4.700 cổ đông tham gia mua cổ phần. "Thành tích" của sếp trẻ Vũ Quang Hải là: PVFI đã bị lỗ 155 tỷ đồng năm 2011, lỗ tiếp 67 tỷ đồng năm 2012.

Sau khi chất vấn đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc “việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI", VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó Tổng giám đốc của Sabeco?

Trao đổi với báo chí sau đó, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, về nguyên tắc Vũ Quang Hải phải bị kỷ luật vì khi làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng nhưng chỉ sau 2 năm lỗ liên tiếp trên 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không những không kỷ luật ông Vũ Quang Hải mà còn điều động về làm lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc Bộ, hàm tương đương Vụ phó.

Đường quan lộ của "sếp tỉnh đi xe siêu sang"

"Thần đồng" Vũ Quang Hải không phải là nhân sự được bổ nhiệm một cách đầy huyền bí duy nhất mới bị "lộ sáng". Cách đây mấy hôm, báo chí cũng phác thảo con đường quan lộ đầy hoa hồng của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

Theo những thông tin công khai thì ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào năm 2009. Lũy kế đến cuối năm 2013, Công ty mẹ PVC đã lỗ trên 3.262 tỷ đồng.

Dù doanh nghiệp lỗ, nhưng sếp Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013.

Đến ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của PVN, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của PVC. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Chưa có tài liệu nào thể hiện PVN và Bộ Công Thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như thế nào nhưng ông Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương.

Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Và mới đây, ông Thanh nằm trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Phải chăng vẫn "đúng quy trình"?

Có thể thấy rằng, 2 vị cán bộ vừa nêu đều có thành tích tham gia "làm lỗ" doanh nghiệp nhưng đều được cơ quan quản lý "bỏ qua" để tiếp tục đi một đường díc dắc mà đích đến đều là những chức vụ cao hơn, quan trọng hơn.

Cho đến thời điểm này, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những "vấn đề" liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh chưa được 9 cơ quan kết luận chính thức ngoài báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh "hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp cho địa phương". Có thể, quy trình bổ nhiệm ông Thanh, ông Hải sẽ được kết luận vỏn vẹn bằng 3 chữ "đúng quy trình".

Dư luận đang băn khoăn với câu hỏi: Còn bao nhiêu cán bộ được bổ nhiệm "đúng quy trình". Một quy trình phức tạp đối với người ngoài cuộc nhưng vô cùng trơn tru đối với những cán bộ "nguồn", dù rằng cán bộ đó vừa góp phần "đốt" trăm tỷ, ngàn tỷ tại một doanh nghiệp Nhà nước.

Chưa có câu trả lời rõ ràng. Chỉ biết rằng, tuần này, mọi con mắt đều đổ về Bộ Công Thương!