Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Chỉ có tối đa 6 nước ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông

HỒNG THỦY

(GDVN) - Hào phóng nhất thì cũng chỉ có tổng cộng 6 quốc gia gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan là công khai ủng hộ.

The Diplomat ngày 10/6 đưa tin, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới công khai ủng hộ lập trường của cả Moscow lẫn Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi đối với Crimea và Biển Đông.

Trong khi Nga và Trung Quốc cố gắng chộp lấy bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể.

Tháng trước, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố gây sửng sốt dư luận, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh, có những "hơn 40 quốc gia" đã hỗ trợ, ủng hộ lập trường và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tuyên bố gây sốc được đưa ra ngay trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã khuấy động một chiến dịch tìm kiếm ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, vượt ra ngoài phạm vi khu vực Biển Đông khi nhìn thấy nhiều nước trong khu vực chống lại yêu sách và cách tiếp cận của Trung Quốc.

Tuy nhiên việc nói suông 40 quốc gia ủng hộ mà không đưa ra danh sách cụ thể làm dấy lên những nghi ngờ từ dư luận.

Đặc biệt là một số quốc gia như Slovenia, Fiji đã công khai bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng họ ủng hộ nước này về Biển Đông.

Trên thực tể chỉ có một vài quốc gia sẵn sàng tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông sau khi chính họ đã bảo vệ lập trường của Nga trong vấn đề "sáp nhập" bán đảo Crimea.

3 quốc gia Afghanistan, Belarus và Kyrgyzstan đã công khai ủng hộ Moscow và Bắc Kinh về các vấn đề chủ quyền, biên giới quốc tế.

Tất nhiên chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với 3 quốc gia này về việc họ công khai ủng hộ Trung Quốc bành trướng Biển Đông, bởi Kyrgyzstan và Afghanistan phụ thuộc "của bố thí" từ Bắc Kinh là những điều được kiểm chứng rõ ràng, The Diplomat lý giải.

Còn Belarus không có biên giới với Trung Quốc nhưng đang trông ngóng, dựa vào ác khoản đầu tư từ Trung Quốc vì Bắc Kinh nói quốc gia này là "cửa ngõ vào châu Âu" trong chính sách Con đường Tơ lụa.

Trong khi 3 nước này công khai ủng hộ Nga và Trung Quốc về việc "thôn tính" Crimea và bành trướng Biển Đông, có một số quan điểm lập luận rằng cả Kazakhstan và Sudan đã lên tiếng kêu gọi một giải pháp "hòa bình" cho Biển Đông và tránh ép Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của PCA.

Tương tự như vậy, vào tháng trước Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải Rashid Olimov đã ra tuyên bố nhấn mạnh, tranh chấp Biển Đông cần giải quyết qua đàm phán song phương chứ không phải qua cơ quan tài phán quốc tế. 

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh mong muốn của Moscow rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được "giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan mà không cần có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ 3. Nga phản đối bất kỳ nỗ lực nào quốc tế hóa tranh chấp".

The Diplomat tổng kết, như vậy nếu hào phóng nhất thì cũng chỉ có tổng cộng 6 quốc gi gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan là công khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông, còn rất xa mới đạt được con số mà Trung Quốc tuyên bố.