NLĐO - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cảm thấy xấu hổ và tự nhìn nhận là mình quản lý không tốt nên xảy ra vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn. Thế nhưng, giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) của TP này lại cho rằng mình không có lỗi.
Lý do đã được vị giám đốc trên đưa ra là tại thời điểm lực lượng cảng vụ cùng phối hợp với các đơn vị làm thủ tục trong đêm, tàu Thảo Vân 2 đã lợi dụng tình hình đông khách để tự ý bắt khách và nhanh chóng vận chuyển ra ngoài sông...
Đọc thông tin trên ắt nhiều người sẽ thấy sự tréo ngoe trong phát ngôn và ứng xử. Thế nhưng, nếu nhìn vào kết quả xử lý các vụ thảm họa kiểu chìm tàu, cháy xe tương tự thì sẽ thấy kiểu trả lời trên của vị giám đốc sở là “công thức chung” được nhiều quan chức vận dụng.
Nhiều người còn nhớ sự cố cháy tàu du lịch ở Quảng Ninh vào ngày 6-5 vừa qua khiến hàng chục du khách phải nhảy xuống biển thoát thân. Cuộc họp báo sau đó đã quy trách nhiệm cho người sử dụng phương tiện, còn các cơ quan chức năng đều đã làm hết sức mình, tai nạn là do chủ tàu và người nhà chủ tàu mà ra...
Tương tự, cứ mỗi khi tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra là hàng loạt các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý. Thế nhưng, ai cũng dễ dàng nhận thấy kết quả các vụ việc có chung mẫu số là do tài xế chạy ẩu hoặc do sự cố phương tiện phát sinh ngoài ý muốn. Rồi tài xế vào tù, còn các cơ quan liên quan đến việc kiểm định phương tiện, cơ quan xử lý, bảo đảm an toàn trên đường nhẹ nhõm vô can.
Hầu như ai đi xe khách đường dài đều thấy các tài xế luôn vi phạm quy định về số giờ lái xe. Điều 65, Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của tài xế không quá 10 giờ/ngày và thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. Luật rõ như vậy nhưng nhiều xe chạy đường dài chỉ có một tài xế và thường xuyên chạy suốt hơn 4 giờ liên tục song hầu như rất ít khi bị xử lý về lỗi này. Trong khi đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.
Trở lại câu chuyện chìm tàu ở Đà Nẵng, sau tai nạn lập tức phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu TP Đà Nẵng rà soát lại toàn bộ phương tiện đường thủy trên địa bàn TP. Đúng ra chuyện rà soát, kiểm tra phương tiện thủy hay bộ là chuyện phải làm và làm hằng ngày của ngành giao thông chứ không phải khi xảy ra tai nạn mới làm. Mặt khác, còn là ý thức của người dân, của du khách thiếu tự giác, không mặc áo phao khi qua sông qua biển song cơ quan có trách nhiệm không nhắc nhở hoặc du di, làm ngơ.
Công luận đang chờ đợi xử lý của Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng. Một thành phố đáng sống, một thành phố với yêu cầu về chất lượng cũng như đạo đức công vụ luôn được coi trọng chắc chắn không có chỗ cho sự nương tay hay lảng tránh trách nhiệm của cá nhân và đơn vị liên quan.