TTO - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ tháng để trả lời nhiều vụ việc, trong đó có sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung chiều 2-6.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngay sau khi phát hiện ra cá chết bất thường ở một số tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng cũng đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các bộ ngành, địa phương.
Có hơn 30 cơ quan bộ ngành để thu thập chứng cứ để tìm ra nguyên nhân cá chết. Chúng ta cũng mời hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng tham gia để thu thập dữ liệu chứng cứ để xác minh điều tra trên nguyên tắc dựa vào khoa học, khách quan, chặt chẽ.
Trong quá trình điều tra, quan điểm Thủ tướng là nếu phát hiện tổ chức cá nhân vi phạm thì xử lý nghiêm. Không loại trừ tổ chức cá nhân nào. Hiện nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết.
Thủ tướng Chính phủ cũng cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước phản biện độc lập. Hay nói các khác, trước khi kết luận chính thức là có mời nhà khoa học trong và ngoài nước phản biện vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng. Khi công bố chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan.
Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên nhất là môi trường biển được bảo đảm an toàn lâu dài.
Trước mắt, để kịp thời hỗ trợ người dân thiệt hại, ngày 9-5, Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ gạo cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp sự cố; tổ chức thu mua hải sản; hỗ trợ tiền cho các tàu phải ngừng ra khơi; hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp làm dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua hải sản.
Thủ tướng tiếp tục giao Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế khảo sát vùng biển an toàn để đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; giao Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra tất cả các dự án liên quan đến xả thải trên cả nước để phòng ngừa, kiên quyết xử lý vi phạm nếu họ xả thải không đúng qui định.
“Đến thời điểm này, thay mặt cơ quan phát ngôn của Chính phủ xin được thông báo kết quả của các cơ quan, nhà khoa học” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn nói rõ thêm: các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân.
Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.
“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
***
Diễn biến vụ cá chết
- Ngày 6-4: hiện tượng cá chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xuất hiện tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh)
- Từ ngày 10-4 đến 4-5: hiện tượng cá chết tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau.
- Từ ngày 24 đến 26-4: cùng với hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại, trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu.
- Ngày 4-5: xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Môi trường nông nghiệp là những tổ chức khoa học - công nghệ (KHCN) đầu tiên tham gia tiếp cận thực địa hiện trường.
Sau đó, tất cả các Viện Nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN VN và các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên - môi trường, y tế… cũng tổ chức lấy và phân tích mẫu hải sản chết.
Khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các bộ ngành và yêu cầu báo cáo kịp thời.
Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ KHCN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KHCN VN và các bộ ngành, tổ chức KHCN có liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia KHCN quốc gia với 3 tổ chuyên gia tập trung vào nghiên cứu các nhóm tác nhân hóa học, sinh học và nhóm khí tượng, thủy văn và động lực học biển để phân tích đối chứng, so sánh, bổ sung căn cứ, đánh giá chéo và độc lập nhằm đi đến các kết luận đủ căn cứ khoa học.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng chuyên gia KHCN quốc gia cũng đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.
Tính đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc.