Dân Trí - Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay (28/5), các nhà lãnh đạo hai bên đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua bán cổ phần giữa Vietnam Airlines và "ông lớn" hàng không ANA Holdings của Nhật Bản. Với việc hoàn tất thương vụ, ANA Holdings chính thức sở hữu 8,77% cổ phần Vietnam Airlines.
Đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 28/5/2016, ngay sau lễ đón tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tại buổi hội đàm, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA...
Đáng chú ý là Thủ tướng Abe đã khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và trong triển khai sáng kiến kết nối Mekong-Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có nguồn vốn IDA ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) sau năm 2017.
Trước đó, theo thông tin từ nhiều bên, do Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình nên theo lộ trình, Việt Nam sẽ kết thúc kỳ IDA vào năm 2017, có nghĩa là World Bank sẽ chấm dứt các nguồn ODA ưu đãi đối với Việt Nam. Nếu vậy, nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
Hiện tại, Việt Nam đang có kế hoạch vận động cho kỳ IDA 18, mục tiêu là nhằm có được giai đoạn chuyển tiếp phù hợp trong trường hợp Việt Nam tốt nghiệp IDA năm 2017, bảo đảm khả năng trả nợ bền vững của ngân sách nhà nước trong thời gian tới, không tạo ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác.
Ngoài ra, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhất trí phối hợp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua việc triển khai Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt-Nhật trong năm 2016. Khẳng định hợp tác chặt chẽ triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2...
Qua buổi hội đàm này, hai bên cũng đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của hai nước vào thị trường của nhau như thanh long ruột đỏ của Việt Nam và lê của Nhật Bản.
Liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Abe đã tuyên bố cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại khẩn cấp 300 triệu Yên (tương đương 2,5 triệu USD) để hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp trung và dài hạn và sẵn sàng xem xét cung cấp vốn vay ODA để xây dựng các đập, hồ chứa nước và hỗ trợ trên cơ sở đề nghị cụ thể của Việt Nam trước mắt sẽ sớm cử đoàn khảo sát của JICA đối với Dự án quản lý nước ở tỉnh Bến Tre.
Hàng loạt thỏa thuận kinh tế được ký kết sau hội đàm
Một thông tin đáng chú ý là sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD) gồm:
Công hàm trao đổi Dự án Tuyến đường sắt đô thị số I Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; 3 Hiệp định vay cho 3 dự án: Xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải trị giá khoảng 500 triệu USD; dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (khoản vay lần 3) trị giá khoảng 191 triệu USD; dự án Tuyến đường sắt đô thị số I Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (khoản vay lần 3) trị giá khoảng 820 triệu USD.
Ngoài ra còn một thương vụ quan trọng khác là hợp đồng mua bán cổ phần giữa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Hàng không All Nippon Airways (ANA) Holdings Inc.
ANA Holdings là tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ giữa ANA Holdings và Vietnam Airlines là việc chuyển nhượng 107,7 triệu cổ phần của Vietnam Airlines cho ANA được cho là có trị giá tới 13 tỷ Yen, tương đương 108 triệu USD. Với việc hoàn tất thương vụ, ANA Holdings chính thức sở hữu 8,77% cổ phần Vietnam Airlines.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, việc ANA Holdings trở thành công cổ đông chiến lược sẽ tạo tiền đề cho tổng công ty này tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nguồn lực tài chính, chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ mới.
Sau khi hoàn tất giao dịch với ANA Holdings, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phần để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ.