LĐO - Cuối cùng thì “quả bom Panama” cũng nổ sau nhiều ngày cả thế giới hồi hộp chờ đợi. Nhưng ở Việt Nam thì tính “sát thương” đang bằng không! Vài đại gia có tên như Tổng GĐ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo hay Nguyên Tổng GĐ ANZ Việt Nam Đàm Bích Thủy xem như bình thường, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng còn cảm ơn vì được quảng bá tên tuổi! Trong khi đó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói cần phải được xác thực và có nguồn cung cấp chính xác mới vào cuộc xác minh điều tra.
Danh sách 189 cái tên có nguồn gốc hay dính dáng tới Việt Nam trong hồ sơ Panama không gây ngạc nhiên lắm. Dư luận chỉ tò mò xem VIP nào góp mặt trong đó vì lâu nay nhiều vị có tên trong hồ sơ này được “đóng đinh” như danh sách đen.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng bản chất của việc các đại gia có tên trong hồ sơ Panama là bình thường nếu như họ tuân thủ các qui định của pháp luật. Nếu người đó có đăng ký mã số thuế ở Việt Nam, cơ quan thuế phải tính được chính xác mức thu nhập chịu thuế của người đó. Nếu có bằng chứng nào cho thấy, thu nhập chịu thuế của người đó cao hơn gấp nhiều lần con số gửi trong tài khoản ở Panama thì mới có căn cứ để điều tra dấu hiệu sai phạm. Nếu đã xác định được mức thu nhập chịu thuế của họ là chính xác, người ta có quyền chọn nơi nào đóng thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thích xài tiền mặt như Việt Nam và dòng tiền di chuyển không chỉ một con đường, chìm nổi khác thường thì lần theo chúng chẳng khác nào vào mê cung. Ông Nguyễn Hữu Ánh - Vụ trưởng vụ Thanh tra (Tổng cục thuế - Bộ Tài chính) - cho biết, hồ sơ Panama là thông tin về quốc tế nên cần phải có thời gian để xem xét, rà soát. Chiều 10.5, Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Bùi Văn Nam đã giao cho cấp dưới thành lập tiểu ban kiểm tra về vụ việc trên. Xem ra tiếng nổ của “bom Panama” ở Việt Nam nghe cho vui tai là chính bởi nước ta có quá nhiều “đặc thù” riêng mà ít nước nào có.
Trò chuyện với một đại gia, chúng tôi được ông cho hay doanh nhân nào chẳng muốn nộp thuế ít để lợi nhuận cao. Ngay cả ông chủ Facebook cũng muốn sang Singapore để bớt cả đống tiền thuế sung vào công quỹ Mỹ. Ở Việt Nam, dư luận mong ngóng và sôi sục có lẽ do tâm lí đây là danh sách của rửa tiền, trốn thuế và cất giấu tài sản tham nhũng. Nghĩ vậy nhưng chưa hẳn vậy nên “bom” tịt ngòi chẳng có gì lạ.
Thật ra thì ngay tại Việt Nam, người ta vẫn làm được điều đó khi kê khai tài sản rồi cất ngăn kéo. Ai đó có hàng chục căn nhà cả trong lẫn ngoài nước, tài khoản hay cổ phần, cổ phiếu khắp nơi, siêu xe này của quý nọ... cũng chẳng cơ quan thuế nào để ý hay lực lượng nào điều tra nếu chưa ồn ào dư luận. Và chẳng cần Panama vẫn còn nhiều "thiên đường" tránh thuế , rửa tiền và cất giấu tài sản bất chính lí tưởng hơn như Bermuda, quần đảo Cayman British Virgin Islands...Với thực trạng này thì hồ sơ Panama mang ý nghĩa giải cơn khát tức thời cho công chúng Việt hơn là căn cứ để lôi quan tham ra ánh sáng như ở nhiều nước vừa qua. Nếu một thời gian nữa, hồ sơ này dần vào quên lãng như nhiều vụ việc khác ở Việt Nam thì cũng đừng nên quá thất vọng hay ngạc nhiên.
***
"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ngày 3.4.2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu, các chính trị gia và người nổi tiếng cùng người thân trên thế giới né thuế và trong một số trường hợp để rửa tiền.
Còn "Offshore Leaks" là tên gọi của một vụ phát giác trong tháng 4.2013 về việc trốn thuế và những thiên đường thuế cũng do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Mỹ công bố công khai. Cơ sở dữ liệu "Hồ sơ Panama" đã chính thức được công bố vào 2h sáng 10.5. Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama". ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks”.