Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Công chức nhà nước nói gì khi xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”?

NHÓM P.V

LĐO - Trong quá trình tra cứu, sàng lọc tập hồ sơ đình đám, ngoài những cái tên là doanh nhân hoặc nhà đầu tư tự do, PV Báo Lao Động cũng nhận thấy sự xuất hiện cả những cái tên được thể hiện là đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước như Trường đoàn T.Ư (nay là Học viện Thanh Thiếu niên) hay Uỷ ban Tài chính và Quản lý T.Ư (nguyên văn tiếng Anh: Central Commission for Finance and Management). Tuy nhiên, hành trình lần tìm những “cái bóng” này cũng xuất hiện không ít tình tiết bất ngờ.

Một mực phủ nhận sự liên quan

Cụ thể, cái tên Nguyen Thi Bich Thuy được “Hồ sơ Panama” thể hiện đăng ký địa chỉ tại Trường đoàn T.Ư Hà Nội và hưởng lợi tức từ Cty quốc tế OPECO International. Mặc dù lượng thông tin đề cập về OPECO International không nhiều, tuy nhiên theo tìm hiểu có thể là một Cty đình đám của Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt. Hoặc, một giả thiết khác cũng rất có cơ sở đó chính là Cty trùng tên có trụ sở chính tại 600 Jefferson, suite 700 (Mỹ), đã từng vào Việt Nam từ năm 1997 theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng đã dừng hoạt động năm 2009. Tại Việt Nam, Cty này đặt chi nhánh tại 11B Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM và cũng hoạt động trong lĩnh vực dầu lửa.

Để tìm hiểu rõ hơn về cái tên Nguyen Thi Bich Thuy, PV đã tìm gặp TS Nguyễn Hải Đăng – Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Theo lời ông Đăng, từ năm 2001, trường đã được đổi tên như hiện tại, không còn dùng tên cũ là Trường đoàn T.Ư nữa. Về cái tên được PV đề cập, vị giám đốc này cho biết, đó có thể là bà Nguyễn Thị Bích Thủy, một cán bộ quản thư mẫn cán của nhà trường, đang công tác tại thư viện nhà trường, phân viện phía nam. Ông Đăng cũng tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin cấp dưới của ông có tên trong danh sách đình đám: “Chị Thủy là một cán bộ gương mẫu. Tuy nhiên, việc có tên trong “Hồ sơ Panama” như thế nào, ra làm sao, chúng tôi cũng không biết”.

Từ số điện thoại được cung cấp, chúng tôi đã liên lạc với bà Thủy ngay sau khi kết thúc cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hải Đăng. Qua điện thoại, người phụ nữ tỏ ra khá ngạc nhiên và luôn miệng khẳng định không liên quan, không buôn bán kinh doanh gì với nước ngoài và cũng không hề có tài khoản nào ở nước ngoài. Bà cho biết, công việc chính của bà là một cán bộ công chức nhà nước thuần túy hoạt động suốt 34 năm ở Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam.

Theo lời bà Thủy, bà lớn lên trong một gia đình bố mẹ tập kết ở Phủ Lý, Hà Nam. Đến 1976 bà cùng gia đình vào TPHCM sinh sống. Tại đây bà Thủy đã lập gia đình và sống cùng chồng tại quận Tân Bình cho đến nay. “Từ khi ra trường đến nay, tôi đã hoạt động suốt 34 năm ở Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, đến tháng 10 này tôi về hưu. Tôi không làm gì đâu, chẳng làm gì liên quan đến việc này (Hồ sơ Panama - P.V) và không hiểu sao mình lại có tên trong danh sách này. Các anh cứ đi kiểm tra và điều tra thoải mái” - bà Thủy thẳng thắn.

Có một điều đáng chú ý, khi trao đổi với bà Thủy, bà tâm sự rằng mình đang bị nợ nần và thậm chí đang thế chấp nhà để làm ăn. Khi được hỏi chị đang kinh doanh gì, bà Thủy cho biết em gái bà có mở Cty kinh doanh dệt vải nên bà đã góp một chút cổ phần vào để cùng làm ăn. “Số tiền góp vào đây cũng chỉ hơn 10% thôi, không có gì lớn. Cái đó là ở nước ngoài, nhà mình không có ai ở nước ngoài cả, không biết họ lấy thông tin ở đâu” - bà Thủy cho biết thêm.

Lại hoa mắt vì một địa chỉ “ma”

Một cái tên tiếp theo trong danh sách thể hiện có sự liên đới đến các cơ quan nhà nước là Vo Thi Hong Thuy, cổ đông của Polar Views, British Virgin Islands. Bà Thuy được cho là đăng ký địa chỉ tại Uỷ ban Tài chính và Quản lý trung ương (nguyên văn tiếng Anh: Central Commission for Finance and Management), nhà 306A số 222A, Đội Cấn. Tuy nhiên, khi lần theo địa chỉ này trên đường Đội Cấn (Hà Nội), điều đáng tiếc đã xảy ra khi con đường này chỉ số nhà 222, tuy nhiên lại ghi biển hiệu là quán café, nhưng bên trong bán quần áo. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, chủ nhà khẳng định, ở đây không có tên Thủy, Thùy, Thúy hay Thụy. Còn theo người xung quanh số nhà 222 này thì cách đây khoảng chục năm có số 222A Đội Cấn, và hiện nay là đường Vạn Phúc (đoạn nối với đường Đội Cấn).

Tại đường Vạn Phúc, số 306A cũng không tồn tại. Tại đây chỉ có các tòa nhà là khu tập thể cũ của cán bộ Thanh tra Chính phủ được chia theo thứ tự A,B,C. Tuy nhiên, khi tới số nhà 306 tập thể cũ nhà A, hỏi người tên Thủy, Thùy, Thúy hoặc Thụy thì chủ nhà lắc đầu không biết và nói là nhầm nhà. Trong khi cầm hồ sơ Pamama, lần theo các địa chỉ, chúng tôi nhận thấy đã có sự thay đổi đáng kể tên đường, số nhà.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, đồng thời là thành viên trong tổ rà soát Hồ sơ Panama của Tổng cục Thuế - đặt lại vấn đề tính xác thực của hồ sơ này. Theo ông Phụng, trong Hồ sơ Panama có 189 người Việt trong đó có cả Việt kiều, có người có địa chỉ rõ ràng, có người không có địa chỉ, địa chỉ không đúng, hoặc địa chỉ ở khách sạn. “Bởi vậy, Hồ sơ Panama đến giờ xác thực bao nhiêu? Không ai trả lời được” - ông Phụng nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành thuế, với những người Việt có tên trong Hồ sơ Panama là tài liệu tham khảo. “Tất cả các trường hợp đều phải được rà soát. Cơ quan thuế sẽ tìm lại trong hồ sơ dữ liệu của ngành thuế, rồi căn cứ trên địa chỉ thực tế. Công việc nhiều, phức tạp bởi tên trong hồ sơ là tên không dấu, nên một cái tên sẽ ra hàng chục cái tên khác” - ông Phụng nói.