SOHA - Tuyệt đại đa số người làm ngành y chúng tôi, lúc mặc áo blouse lên người là như diệt dục, không còn cảm xúc giới tính gì nữa cả.
Vừa qua có vụ bệnh nhân nữ tố bác sĩ nam lợi dụng hiếp dâm trong lúc khám phụ khoa. Cho đến nay theo theo thông tin trên báo, vụ này vẫn còn là nghi án chưa được xác minh rõ ràng. Tuy nhiên, nó đã dấy lên mối lo ngại cho không ít người về nguy cơ bị sàm sỡ trong phòng khám.
Nhưng các bệnh nhân nữ xin hãy yên tâm. Có rất nhiều cách để tránh cho bản thân và bệnh nhân rơi vào tình huống khó xử, nhằm bảo vệ cả nhân viên y tế và cả bệnh nhân nếu gặp phải kẻ bại hoại khoác áo blouse.
Tôi không nhớ rõ quy định "nhân viên y tế nếu là nam khám phụ khoa thì phải có người thứ ba có mặt trong phòng khám" nằm trong văn bản cụ thể nào. Vì từ trong trường chúng tôi đã được học về điều này, khi thực hiện nghiệp vụ thì đã thành thói quen, bản năng ăn vào máu rồi.
Nếu đã là tính cách bệnh hoạn thì ngay cả trên xe bus bọn bệnh hoạn cũng lấy cớ đụng chạm chứ nói gì đến lúc có cơ hội.
Còn với tuyệt đại đa số người làm ngành y chúng tôi, lúc mặc áo blouse lên người là như diệt dục, không còn cảm xúc giới tính gì nữa cả. Kể cả hoa hậu ở trước mặt thì với bác sĩ họ đều là bệnh nhân như nhau hết.
Trong nghiệp vụ của chúng tôi, khi thăm khám cho bệnh nhân nữ phải luôn luôn có người thứ ba trong phòng khám.
Nếu là bệnh nhân nữ trẻ thì mời người nhà cùng vào phòng khám. Nếu bệnh nhân đi một mình, tôi sẽ mời hai, ba bệnh nhân tiếp theo vào ngồi chờ, hoặc gọi hai ba nhân viên y tế khác cùng có mặt.
Nhân viên y tế cũng phải giải thích quy trình và thao tác thăm khám, bệnh nhân đồng ý thì mới được thực hiện. Nếu bệnh nhân không có năng lực chịu trách nhiệm hành vi bản thân thì phải được người giám hộ đồng ý.
Khi nhân viên y tế tuân thủ đúng quy trình khám bệnh cùng với nghiệp vụ vững vàng sẽ tránh được những điều khó xử hay các động chạm vào vùng nhạy cảm của bệnh nhân.
Cụ thể khi bộc lộ vùng cần thực hiện thao tác y tế thì động tác đủ lực, dứt khoát, giữ nguyên tay không di chuyển.
Động tác nào gây kích thích cho mình thì làm ngược lại trên người bệnh.
Tôi chuyên về ung thư. Phụ nữ đến chu kỳ kinh nguyệt dưới ảnh hưởng của nội tiết tố một số tuyến sẽ cương cứng lên, sờ vào tưởng u vú. Họ sợ bị ung thư nên đến khám cho chắc.
Bác sĩ phải sờ vào các cục u đó để khám. Nhưng phải tránh không động chạm vào núm vú, vì đó là bộ phận nhạy cảm, bệnh nhân dễ có phản ứng cơ thể.
Khi thông tiểu bệnh nhân nữ, vì lỗ tiểu ngay sát chỗ nhạy cảm nên động tác phải dứt khoát, tránh mơn man làm cho bệnh nhân có cảm giác. Điều này sẽ làm hai bên xấu hổ, ảnh hưởng không tốt đến quá trình và kết quả thăm khám.
Khám sản thì bác sĩ buộc phải đụng vào núm vú, các bộ phận của cơ quan sinh dục ngoài. Lúc ấy cùng với các thao tác nghiệp vụ dứt khoát và thái độ nghiêm túc sẽ gây được niềm tin cho bệnh nhân thôi.
Trước khi làm cần giải thích quá trình thực hiện cho bệnh nhân biết để nếu có thao tác nào không đúng thì bệnh nhân có thể thắc mắc.
Ví dụ tôi khám và sinh thiết tuyến giáp cho bệnh nhân, tôi sẽ hỏi: "Bác đã đi khám ở đâu chưa? Bác đã làm xét nghiệm này bao giờ chưa? Bây giờ tôi sẽ chọc kim vào đây lấy một chút tế bào ra làm xét nghiệm. Trong khi tôi làm thì bác không được nuốt, không được nói".
Tôi chưa gặp trường hợp bệnh nhân phản ứng hay quy kết bác sĩ sàm sỡ, nhưng thực tế muôn màu muôn vẻ, quy định của ngành cũng không thể liệt kê hết được hoặc nhiều khi có quy định vẫn không áp dụng được.
Lúc ấy, chính thái độ của nhân viên y tế sẽ quyết định hành động đó là sàm sỡ hay khám bệnh. Vì quy định là quy định chết, còn nhân viên y tế là quy định sống.
Ví dụ bệnh nhân trẻ chưa từng có quan hệ tình dục thì làm thế nào để không tổn hại đời con gái. Vậy thì nhân viên y tế phải có thủ thuật.
Lúc đó, ngoài việc có người thứ 3 trong phòng khám thì thái độ thực hiện của nhân viên y tế mới đỡ bị hiểu lầm là sàm sỡ. May là chuyện oái oăm đó không nhiều nhưng không phải không có.
Trường hợp khác thường gặp hơn là sản phụ vào sinh con. Có những trường hợp do khó chuyển dạ, nhân viên y tế phải kích thích để sản phụ có cảm giác chuyển dạ.
Siêu âm đầu dò cho sản phụ (trong các trường hợp mang thai giai đoạn sớm, nghi mang thai ngoài tử cung, nghi có khối u ở tử cung, buồng trứng, kiểm tra tim thai ở tuần thai 6-8 tuần...) cũng là một dạng nhạy cảm vì nhân viên y tế phải đưa đầu dò vào quan sát các cơ quan sinh dục trong.
Cũng phải nói thêm, có những trường hợp vì thiếu hiểu biết, chưa kịp xác minh thì đồng bào mạng đã đồng thanh hét toáng lên rồi.
Một bác sĩ đồng nghiệp của tôi, mẫn cán năng nổ, chuyên môn tốt. Hôm ấy, anh khám cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Một trong những thao tác đánh giá ý thức của bệnh nhân là kích thích đau để đánh giá đáp ứng. Vị trí kích thích là ngực, các đầu chi, nơi tập trung thần kinh cảm giác.
Thế nhưng, vừa di tay lên ngực bệnh nhân thì cô bệnh nhân trẻ măng gào lên "á thằng khốn nạn, mẹ ơi... thằng khốn nạn này sờ ngực con".
Và khi câu chuyện được người nhà bệnh nhân tung lên mạng xã hội thì đây là phản ứng của những người không hề biết anh là ai, thế mới tài.
Họ gõ nhanh như điện: "Gửi qua email cho báo mạng đi bạn, cho mấy anh áo trắng được về hưu sớm"; "Lương y như từ mẫu bây giờ là như thế đấy"; "Cái loại này phải cho về vườn thôi các bạn ạ".
Theo quy trình nói trên, lẽ ra bác sĩ phải thông báo trước cho bệnh nhân. Như thế thì không phải gặp phản ứng đáng tiếc như trên.
Vâng, quy định là bác sĩ phải gọi hỏi nhưng thực tế anh ấy đã gọi hỏi mãi nhưng cô ấy không thưa nên mới theo quy trình khám như trên. Lúc ấy ai ngờ cô ấy lại tỉnh lại và phản ứng dữ dội đến vậy.
Bệnh nhân nữ trẻ thường ngại ngùng ở các phòng khám X quang hay siêu âm, vì họ phải cởi cả áo trong (chúng thường hay có móc, khung bằng kim loại, sẽ cản quang khi lên phim nên có thể che lấp tổn thương).
Nhưng hiện giờ phòng khám đều có các áo rộng để bệnh nhân khoác vào che cơ thể, chỉ áp ngực vào chụp X quang nên việc sàm sỡ tôi nghĩ cũng chẳng thể nào xảy ra được.