Dân Trí - “Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Nhận định trên được Bộ Tư pháp đưa ra trong văn bản số 101/BC-BTP Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo Bộ Tư pháp, đây là những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học-Công nghệ) và hiện đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại những điểm nóng trong dư luận xã hội.
Bắt hàng chục cán bộ tiếp tay cho buôn lậu
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ Tư pháp cho rằng công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, toàn diện, chủ động giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực với các cơ quan có thẩm quyền chung.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin, hiệp đồng đấu tranh giữa các địa phương, các lực lượng chức năng chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, chưa có tính đột phá trên diện rộng, do vậy việc triển khai các kế hoạch đấu tranh vẫn còn mang tính đơn lẻ, cục bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Trong khi hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, chồng chéo, bộc lộ nhiều bất cập.
Tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương cho thấy, tính đến ngày 15/11/2015 các bộ ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 6,5% so với cùng kỳ năm 2014), số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, truy thu thuế ước đạt trên 11.535 tỷ đồng; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng.
Điển hình, lực lượng Bộ đội biên phòng bắt giữ 160 bánh heroin tại Sơn La, bắt gần 2.900 lít tinh dầu cần sa và 3,5 tấn tiền chất ma túy tại Hà Tĩnh; bắt giữ 30kg tiền chất ma túy và 36 tấn thuốc lá tại Lào Cai; bắt giữ 30kg thuốc nổ và 100 kíp nổ tại Quảng Ninh; bắt giữ 45 khẩu súng săn tại TPHCM; bắt giữ 1.000 tấn dầu FO tại Bà Rịa Vũng Tàu...
Lực lượng cảnh sát biển bắt giữ, xử lý hành vi vận chuyển và mua bán trái phép gần 3.900 tấn than và buôn lậu 82.500 bao thuốc lá điếu tại Quảng Ninh; vận chuyển trái phép trên 703.000 lít dầu DO trên vùng biển Sóc Trăng...
Lực lượng thuế đã tổ chức, thanh tra 60.070 doanh nghiệp; tổng số thuế thu qua thanh tra, kiểm tra gần 9.200 tỷ đồng. Điển hình, Thanh tra Tổng cục Thuế đã tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH Metro & Carry Việt Nam; kết quả đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu số tiền 507 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý; tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng có lợi nhuận lớn.
Dẫn chứng cụ thể nhất là việc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lê Dũng - nguyên Giám đốc Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và đồng phạm về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Trong số 43 bị can bị đề nghị truy tố có 31 cán bộ hải quan của TPHCM và An Giang bị khởi tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm...
Ngoài ra, tháng 1/2016, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can về tội “Buôn lậu”, trong đó có Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (SN 1978, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người có nhiệm vụ kiểm hóa hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch. Trâm đã ký không trên tờ khai hải quan cho 13 kiện hàng, thực hiện trót lọt phi vụ nhập lậu 844 chiếc máy tính bảng và điện thoại di động các loại (trong đó có 714 chiếc iPhone) với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng từ Hong Kong về Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 1/2015.
Trước đó, tháng 6/2015, Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Toanh (đội trưởng), Hoàn Văn Trọng (tổ trưởng) thuộc Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng về hành vi “Nhận hối lộ”. Khoảng tháng 10/2014, hai cán bộ này đã phát hiện Công ty TNHH Quang Minh (trụ sở tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) sản xuất giày dép giả các thương hiệu lớn để bán ra thị trường. Ông Toanh và ông Trọng đã không lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà đã nhận hàng trăm triệu đồng của chủ doanh nghiệp để bỏ qua hành vi sản xuất hàng giả...
“Sự phối hợp giữa các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ Trung Quốc đến cơ sở chưa tốt, chưa gắn kết thường xuyên, kịp thời trong trao đổi, chia sẻ thông tin. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và nhân dân (đặc biệt cư dân vùng biên giới) chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”- Bộ Tư pháp khẳng định.
Louis Vuitton, Gucci, Dolce&Gabbana, Chanel bị làm giả nhiều
Bộ Tư pháp nhận định, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm có dấu hiệu ngày càng phức tạp, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở cả các cửa khẩu và nội địa; tổ chức hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trong và ngoài nước.
Ngoài các thủ đoạn thông thường như chia nhỏ, xé lẻ, lợi dụng cơ chế chính sách như chính sách mặt hàng, ưu đãi đầu tư, ưu đãi khu kinh tế cửa khẩu, dùng hóa đơn nhà nước phát hành quay vòng, hợp thức hóa việc nộp thuế để vận chuyển hàng lậu, có nơi các đối tượng buôn lậu lợi dụng thương bệnh binh để bảo vệ và vận chuyển hàng nhập lậu.
Những vụ việc bắt giữ đa số là người vận chuyển thuê, nghèo, không có tài sản nên trong xử lý không có điều kiện đảm bảo thi hành, vì vậy không có sức răn đe, phòng ngừa. Những vụ việc bắt giữ hàng hóa số lượng lớn thì đối tượng bỏ trốn, khó thu thập chứng cứ, không đảm bảo lực lượng truy xét dẫn đến hạn chế bắt xử lý những đối tượng đầu nậu.
Hoạt động gian lận thương mại, hàng giả trong thị trường rất đa dạng, mặt hàng, mẫu mã, chỉ có nhà sản xuất hoặc qua kiểm nghiệm mới phát hiện được. Trong khi đó, quy định pháp luật về công tác kiểm tra, xử lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường còn chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, thị trường hàng giả đã nội địa hóa bằng phương thức nhập linh kiện bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã xuất hiện những đối tượng đặt hàng từ Trung Quốc làm giả hàng trong nước sản xuất để kinh doanh. Ví dụ bóng đèn, phích nước sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông Việt Nam.
“Hiện nay, hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt là các loại hàng hóa nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo thời trang Louis Vuitton, Gucci, Dolce&Gabbana...; mỹ phẩm, nước hoa BVL, Chanel...” - báo cáo nêu rõ.
***
Mặc dù được xác định là lĩnh vực nóng, cần tạo sự chuyển biến trong quá trình thực hiện pháp luật nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, việc xây dựng và triển khai kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương còn chậm, cá biệt có địa phương không tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực này, gồm: Gia Lai, Hà Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình.
Quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực nêu trên tại một số địa phương bộc lộ sự lúng túng, hình thức theo dõi còn đơn điệu, chủ yếu dựa trên báo cáo của các cơ quan nhà nước.