(GDVN) - Có lẽ, EVN là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Tài chính ưu ái cho được tính những khoản chi phúc lợi trên vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Khi đọc Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), được Bộ Tài chính công bố, để lấy ý kiến đóng góp, dư luận té ngửa bởi các khoản chi có tính chất phúc lợi trực tiếp như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, hỗ trợ điều trị, hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập… chi phí đi lại ngày lễ, tết và những khoản chi có tính chất phúc lợi… được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Tổng chi phí không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Có lẽ, EVN là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Tài chính ưu ái cho được tính những khoản chi phúc lợi trên vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Như vậy, người dân sử dụng điện của EVN phải “cõng” thêm khoản chi phúc lợi này.
Chưa hết, theo dự thảo thì người sử dụng điện còn phải “cõng” cả những chi phí: nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ lao động, sửa chữa, tiền lương, bảo hiểm…
Tuy dự thảo nhấn mạnh rằng: Tổng chi phí không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN. Nhưng xin hỏi ngành điện có bao nhiêu cán bộ, công nhân viên, người lao động?
Rõ ràng, người lao động của EVN đi điều trị thì đã có bảo hiểm y tế lo; chi hiếu, hỷ, nghỉ mát… đã có quỹ công đoàn lo… học tập nâng cao kiến thức, đi lại lễ tết thì phải tính vào quỹ phúc lợi.
Cớ sao Bộ Tài chính lại cho EVN gom hết các khoản chi phúc lợi ấy vào chi phí sản xuất kinh doanh?
Dư luận phản đối việc người dân cả nước phải chịu tiền hiếu, hỷ… cho người lao động ngành điện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định rằng, có tính các khoản chi phúc lợi vào chi phí sản xuất kinh doanh, không làm tăng giá bán lẻ điện.
Vị thứ trưởng nhấn mạnh: Luật đã quy định các doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí để trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước cũng được hạch toán để tạo sự bình đẳng.
Thế nhưng VnExpress đã viện dẫn Dự thảo về quy chế tương tự với Tập đoàn Dầu khí mà Bộ Tài chính công bố thì lại không có những khoản chi phúc lợi giống như EVN.
Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện của EVN năm 2014, được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 2/2/2016, lãnh đạo EVN cho biết, hiện chưa tính toán tăng giá điện, bởi giá thành đầu vào đang rẻ.
Nhưng vào mùa cao điểm thì “cũng chưa thể nói trước điều gì”, lời ông Đinh Quang Tri - Phó tổng EVN. Có nghĩa là, việc EVN tăng giá điện là do nhu cầu tiêu thụ cao.
Năm 2014, EVN lãi 800 tỷ đồng. Vậy, số lãi từ đâu ra mà cứ vào mùa cao điểm là EVN nói điệp khúc tăng giá điện?
Cho đến nay, dư luận kể cả các chuyên gia đều không đồng tình với cách tính tiền điện theo kiểu bậc thang mà EVN đặt ra.
EVN ở thế độc quyền. Khi giá dầu, than, khí… tăng, EVN mượn cớ phải tăng vì tăng theo giá nhiên nhưng khi giá dầu, than… giảm thì giá điện chẳng thấy xuống theo.
Dư luận hiện vẫn đang phấp phỏng không biết khi nào EVN tuyên bố tăng giá điện.