(Dân trí) - “Lời ong, tiếng ve” là thành ngữ chỉ những lời châm chọc chỉ trích của người đời đối với ai đó hay sự việc nào đó. Ong và ve là hai loại côn trùng cùng chung một đặc điểm là có vòi nhọn để (và thường hay) châm chích, khi bay chúng phát ra những tiếng kêu không lớn nhưng dai dẳng gây khó chịu đối với xung quanh.
Thường trước một sự việc, con người ta có nhu cầu thể hiện quan điểm, thái độ và điều đó luôn được cộng đồng tôn trọng, thậm chí đòi hỏi. Tuy nhiên, nếu thái độ chỉ đơn thuần là sự chê bai, dè bỉu, châm chọc, săm soi… bộc lộ cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí kiểu “Cú khó, Vọ mừng”, “Cao chê thấp, ngỏng chê lùn” hay đơn giản chỉ là nhu cầu bộc lộ cái Tôi cá nhân “hơn người”: “cái gì cũng biết”… thì xưa các cụ của ta gọi là “Miệng lưỡi thế gian”, còn nay, con em của ta gọi là “GATO” (ghen ăn tức ở).
Các kiểu “Bà Tưng”, “Lệ Rơi”, cô hoa hậu có tư thế xấu, anh ca sĩ có cử chỉ không văn minh hay ông quan chức phát ngôn hớ hênh, không thoát ý… đã đành. Đến việc ông lãnh đạo này nói Tiếng Anh hay vị lãnh đạo kia thực địa bằng xe máy, đi vớt bèo cùng thanh niên v.v. cũng bị đem ra bàn luận, diễu cợt, kẻ khen người chê, thậm chí quy chụp động cơ rầm trời.
Trong cuộc sống, không ai hoàn hảo cả, dư luận, ý kiến đa chiều là điều bình thường, đôi khi thái độ trào lộng, hài hước để sửa mình, để nhắc người, giúp con người có cái nhìn lạc quan cũng là cần thiết. Nhưng cái kiểu “lời ong, tiếng ve”, cách “bới bèo ra bọ”, “dậu đổ bìm leo”, lấy khuyết điểm của người khác ra làm trò cười hay thái độ phê phán cực đoan nghiệt ngã, quy chụp, ác ý kiểu “ném đã giấu tay” là những thái độ sống tiêu cực, bộc lộ tính xấu của con người mà hậu quả đôi khi thật khó lường.
Dư luận đám đông, những lời ong tiếng ve gây ra không khí tiêu cực, làm cho việc nhận thức sự việc, con người mà nó nhắm tới trở nên phức tạp, thiếu chính xác, thậm chí sai lệch. Nhẹ, nó gây ra sự khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi. Nặng, nó gây ra sự oan ức, tổn thương. Nó có thể làm cho một gia đình đang hạnh phúc bị tan vỡ, một con người tử tế rơi vào tuyệt vọng, bế tắc. Thật khổ sở cho ai đó nếu chẳng may bị dư luận, những “lời ong, tiếng ve” bủa vây.
Xưa “lời ong, tiếng ve” cũng chỉ ồn ào nơi đầu thôn cuối xóm, nay nó được mạng xã hội, được các “anh hùng bàn phím” giúp sức trở nên râm ran tràn ngập khắp nơi, với tốc độ chóng mặt mỗi khi có dịp. Thậm chí mới đây thôi, người ta còn xây dựng hẳn một chương trình truyền hình có tên “Những kẻ lắm lời” do một MC nổi tiếng dẫn, chỉ chuyên để bình phẩm người khác trên Youtube. Có thể nói, tâm lý đám đông và hiệu ứng công nghệ giờ đây dường như đã biến những điều khó chịu trở thành thảm họa.
Sự thiếu thiện chí, tính cá nhân, đố kỵ và thái độ khinh khi, thích chê bai giễu cợt, đồn đoán quy chụp ác ý trong dư luận xã hội thục sự là một thứ độc tố đầu độc đời sống tinh thần của con người, làm “ô nhiễm” môi trường xã hội.
Một môi trường vật chất ô nhiễm sẽ gây bệnh cho sức khỏe, cho thể xác, còn một môi trường tinh thần ô nhiễm sẽ gây bệnh lên tâm hồn, lên thái độ sống của con người. Mà chúng ta đều biết, điều gì sẽ xảy ra khi tâm hồn con người ta bị nhiễm bệnh.
Bạn sẽ làm gì khi mình trở thành đối tượng của “lời ong tiếng ve”?