TTTG - Rủi ro kinh doanh là điều mà mỗi DN phải đối mặt hàng ngày, tuy nhiên, khi rủi ro không đến từ thị trường mà lại đến từ chính các cơ quan quản lý nhà nước là điều khó có thể biện minh.
Khẳng định “làm… đúng quy trình” của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đang đẩy một thương hiệu thực phẩm có tiếng như Viet foods lâm vào tình cảnh điêu đứng.
Trong khi đó, TS Lê Văn Giang– Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, hiện có 4 – 5 quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Singapore và Malaysia đều cho phép hàm lượng sodium nitrade trong sản phẩm thịt lên tới 500mg/kg, trong khi đó, hàm lượng này trong sản phẩm Viet foods thấp hơn nhiều, chỉ là 50-100mg.
Như vậy, hàm lượng chất này trong sản phẩm của Viet foods chỉ bằng từ 1/5 – 1/10 lần so với các sản phẩm của các nước.
Ông Giang khẳng định, Viet foods không sai, nhưng cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội vẫn cho rằng đã “làm đúng quy trình”, đồng thời cho biết chờ ý kiến trả lời của Bộ Y tế.
Có lẽ, thông tin “chất cấm” có trong sản phẩm của Viet foods vẫn được quốc tế sử dụng từ cuộc họp liên ngành đã khiến nhiều khách hàng “ruột” của Viet foods thở phào vì xúc xích họ ăn vẫn ở ngưỡng “an toàn cho phép”.
Phần kết của vụ việc như thế nào còn phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế nhưng một chuyên gia về thị trường phân tích, khi Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc mở cửa để các sản phẩm thịt có chứa chất Sodium Nitrate – 251 vào thị trường là lẽ dĩ nhiên.
Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, việc sản phẩm của Viet foods có sử dụng chất Sodium Nitrate – 251 trong ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của Mỹ, EU… và bị Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ, phạt sẽ được “minh oan” nhưng việc lấy lại lòng tin 100% của khách hàng với DN thì chưa thể.
Dù vô tình hay cố ý, vụ “bắt nhầm” này cũng khiến người tiêu dùng đôi chút đắn đo khi chọn mua sản phẩm của Viet foods.
Và điều này, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu mà còn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn. Thậm chí, nếu vụ việc kéo dài có thể làm DN điêu đứng.
Đồng quan điểm, LS Lê Việt Hùng – Hãng luật Minh Mẫn cũng cho rằng, khi đã có căn cứ xác định được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đối với Viet foods là trái pháp luật, Viet foods có thể chọn một trong hai hình thức bảo vệ quyền lợi.
Một là, khiếu nại Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Hai là khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, giải tỏa hàng, bồi thường thiệt hại và cải chính công khai.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng trăn trở, ngay cả khi cơ quan chức năng kết luận xúc xích của Viet foods không có chất gây ung thư, thương hiệu của DN này cũng bị tổn hại trong mắt người tiêu dùng, thiệt hại mà DN gánh chịu không thể đo đếm được bởi thông tin “xúc xích của Viet foods có chất gây ung thư” đã được lan truyền rộng rãi, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Thừa nhận rằng, rủi ro kinh doanh là điều mà mỗi DN phải đối mặt hàng ngày. Tuy nhiên, khi rủi ro không đến từ thị trường mà lại đến từ chính các cơ quan quản lý nhà nước là điều vô cùng đáng tiếc và khó có thể biện minh.
Nói như chuyên gia kinh tế – TS Lê Thẩm Dương, quy trình xử lý của cơ quan quản lý thị trường trong trường hợp này chưa kín kẽ. Quản lý thị trường đã vội vàng trong kết luận và thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng.
Theo DĐDN