Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Cần mạnh tay với hành vi hủy hoại môi trường

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Câu hỏi về chuyện ô nhiễm sông Bưởi làm cá chết hàng loạt gần đây một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về sự trong lành của các con sông, suối, biển nhiều nơi trên cả nước đang bị “khuấy đục” đến mức báo động.

Trước đó vào tháng 1-2016, hàng trăm tấn cá nuôi của người dân trên sông Cái, một nhánh sông Đồng Nai ở Biên Hòa, đã chết trắng, gây hoang mang lo lắng cho người nuôi, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Đến tháng 2 năm nay cũng đã có gần 1.000 tấn cá bè nuôi trên sông Cái Vừng đoạn qua tỉnh An Giang và Đồng Tháp bị chết khiến nhiều hộ dân lao đao bởi bao tiền của dốc vào các lồng, bè trên sông.

Cơ quan chức năng các địa phương nói trên đã vào cuộc điều tra và bước đầu kết luận: cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu ô xy nghiêm trọng, còn tại sao nồng độ ô xy hòa tan trong nước bị giảm thì đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, và chắc chắn nhiều hộ dân nuôi cá chưa thể thỏa mãn với “nguyên nhân” được công bố chung chung như trên được!

Nghiêm trọng nhất là thảm họa cá chết hàng loạt xảy ra từ đầu tháng 4-2016 đến nay ở các tỉnh miền Trung khi thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đã có gần 100 tấn cá chết ven biển các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mà nguyên nhân hơn một tháng qua vẫn chưa xác định được dù các bộ ngành, các nhà khoa học cho biết đang ráo riết, khẩn trương truy tìm thủ phạm.

Thực trạng cá chết do nguồn nước sông, biển bị đầu độc có lẽ chưa bao giờ nguy cấp hơn. Chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển, ven sông rà soát, lập danh sách các cơ sở có nguồn thải lớn, kiểm tra và báo cáo bộ quản lý về môi trường.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay (9-5) liên quan đến tình trạng ô nhiễm trên sông Bưởi, ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận: “Mọi hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Bưởi hiện nay đều bị ngưng trệ. Nhà máy nước Thạch Thành trước đây lấy nước sông Bưởi thì nay đang phải sử dụng nước dự trữ chứ không dám lấy nước sông; còn nước tưới tiêu cây trồng, nước cho trâu bò, gia súc cũng không dám lấy từ sông”.

Ông Lưu Trọng Quang cho biết UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình vào cuộc điều tra, xác định vi phạm mức độ nào sẽ xử lý đến đó trên tinh thần không khoan nhượng bởi đây là hành vi gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân ở hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc và nhiều khu vực khác vùng hạ lưu sông Bưởi.

Liệu có giải pháp nào cứng rắn hơn để sông Bưởi, sông Cái, sông Cái Vừng, sông Ba, những con sông, con suối khác nữa và cả vùng biển xanh ngắt miền Trung không còn bị khuấy đục, bị “đầu độc”, trả lại sinh kế cho người dân?

Trả lời câu hỏi trên, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), chia sẻ rằng ông rất buồn trước thực trạng nguồn nước nhiều nơi bị xâm hại nghiêm trọng thời gian gần đây!

“Càng ngày càng thấy câu chuyện quản lý nguồn nước ở ta đang có vấn đề rất lớn ở những điểm sau: luật pháp, quy định bảo vệ môi trường có nhiều, nhưng tại sao không xử lý triệt để được, và đây là câu hỏi rất lớn xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế với việc thực thi pháp luật còn bất cập”, ông Tứ bình luận qua trao đổi với TBKTSG Online hôm nay.

Ông Tứ nhắc lại chuyện Vedan nhiều năm trước rồi đến mới nhất là sông Bưởi để thấy lực lượng thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn mỏng manh và rất yếu!

Trong tất cả dự án sản xuất công nghiệp đều có phần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được các bộ, ngành, cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo cách mọi chất thải đều phải sạch, đủ tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Nhưng thực tế, thời gian qua hệ thống giám sát, đánh giá các ĐTM dự án công nghiệp còn quá yếu và đây là hệ lụy của những vụ việc gây ô nhiễm mà chúng ta nhìn thấy được. Khái quát rộng hơn, nhiều con sông (sông Nhuệ, sông Đáy ...) đã chết cho thấy một bức tranh rất bức xúc về ô nhiễm môi trường nguồn nước.

Ông Đào Trọng Tứ cho rằng một khi hệ thống hành pháp thực thi các quy định bảo vệ môi trường rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh thì chẳng thể có chuyện doanh nghiệp coi thường sinh mệnh con người, tàn phá môi trường, hủy hoại sinh kế người dân như gần đây!