Đất Việt - Các hộ kinh doanh tại tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đều than khó kinh doanh buôn bán khi các biển hiệu đồng phục đưa vào hoạt động.
Dân than khó nhưng...
Tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội ) mới được mở rộng, trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội.
Tuy nhiên, những tấm biển hiệu quảng cáo đồng bộ được treo dọc con phố này đang khiến các hộ kinh doanh buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Chị Hà (chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm, áo mưa, đồ gia dụng) chia sẻ, cá nhân chị hoàn toàn ủng hộ chủ trương đồng bộ biển quảng cáo, chỉnh trang đô thị của thành phố khi xây dựng tuyến phố này. Vì vậy khi được khảo sát, chị cũng như nhiều hộ kinh doanh khác không có ý kiến gì nhiều. Tuy nhiên khi gắn biển thì nhiều vấn đề mới phát sinh khiến việc buôn bán trở nên ế ẩm.
“Người dân đi qua lại khu vực này thì khen đẹp nhưng chúng tôi kinh doanh khổ và bất tiện lắm. Biển thì giống nhau hàng loạt, cùng kích cỡ, màu sắc, cách trang trí, cắt chữ cũng na ná như nhau. Trước chúng tôi được thông báo hàng kinh doanh ăn uống sẽ gắn biển màu đỏ, còn các hộ khác biển màu xanh. Nhưng thực tế không phải vậy, lẫn lộn nhau hết.
Khu vực quanh cửa hàng tôi, 11 nhà cùng biển nền xanh. Tên người bán thì in to, tên mặt hàng thì nhỏ. Với những hộ kinh doanh 1 mặt hàng thì đỡ, như tôi 3-4 mặt hàng, ghi vào biển làm gì đủ chỗ”, chị Hà than thở.
Theo chị Hà, với cách trang trí biển và chọn 2 tông màu đỏ, xanh, người đi đường sẽ rất khó có thể quan sát được khi tất cả đều giống nhau.
“Từ khi lắp biển mới, tôi bị sụt giảm hẳn lượng bán đi. Vì nếu những ai không nhớ tên tôi thì sẽ khó rẽ vào để mua đồ. Tôi chỉ muốn quận và thành phố tạo điều kiện để người dân được thay thế phông chữ, tự ý thiết kế biển hiện trên cơ sở khung cứng có sẵn. Ngoài ra, với những hộ kinh doanh nhiều mặt hàng thì có thể treo thêm biển phụ ở 2 bên cửa hàng sát tường. Như vậy sẽ dễ dàng kinh doanh, buôn bán hơn”, chị Hà kiến nghị.
Ngoài những vấn đề chị Hà nêu, anh Hưng (chủ quán bún phở) còn thừa nhận, việc các biển hiệu giống nhau cùng trên một tuyến đường khiến cho những hộ kinh doanh hàng ăn gặp nhiều khó khăn khi không có những dấu hiệu nổi bật.
“Trước đây, chúng tôi có những biển lớn đặt cạnh đường rất dễ quan sát. Rồi còn có biển phụ treo ngay cạnh quán. Khi đi qua, thấy những hình ảnh nổi bật là người ta rẽ vào ngay. Giờ đây cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng giống hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng. Đến bố mẹ tôi đi không để ý còn vụt qua mất cửa hàng nói gì đến khách.
Ngoài ra, buổi tối cũng không được thắp điện nên biển rất tối, không nhìn rõ. Chỉ khoảng 6h chiều là khó có thể nhận ra đâu là hàng ăn, đâu là hàng gia dụng. Chúng tôi muốn lắp thêm bóng điện cho sáng hoặc chăng thêm đèn led để tăng thêm sự chú ý nhưng cán bộ phường cũng nói phải chờ đợi”, anh Hưng buồn bã nói.
Chính quyền hứa xem xét
Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, ông Đặng Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai, quận Thanh Xuân khẳng định, chủ trương xây dựng chỉnh trang đô thị tuyến đường Lê Trọng Tấn là của thành phố, chịu trách nhiệm chỉ đạo là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Cơ quan tham mưu là Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội.
“UBND quận phối hợp cùng Sở quy hoạch kiến trúc để thực hiện chỉ đạo của thành phố. Quận chỉ đạo UBND phường cùng vào cuộc. Trách nhiệm của UBND phường là đi vận động, tuyên truyền người dân tháo dỡ biển quảng cáo cũ ra, sau đó sẽ xây dựng mô hình quảng cáo mới trên cơ sở mô hình được duyệt.
Phường thăm dò ý kiến người dân, UBND phường tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp phát các tờ xin ý kiến đánh giá và xem xét nội dung biển quảng cáo.
151 hộ đó đều cơ bản đồng thuận. Kinh phí tháo gỡ và lắp đặt biển mới do UBND quận Thanh Xuân chi trả”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, tất cả những cửa hàng kinh doanh có logo thương hiệu riêng như ngân hàng, siêu thị, UBND phường trong quá trình làm đã tuyên truyền, đề nghị các cơ sở kinh doanh nộp những quyết định công nhận thương hiệu lên để UBND quận có căn cứ báo cáo thành phố, từ đó có những biển hiệu đúng quy định.
Sau nhiều lần làm việc cùng với các hộ kinh doanh, phương án cuối cùng được lựa chọn là biển hiệu sẽ gồm 2 màu chính là đỏ và xanh, kích cỡ giống hệt nhau. Chiều cao trung bình của các loại biển bảng quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m – 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m.
“Sau khi thống nhất ý kiến các hộ dân rồi, UBND quận đã treo 1 số biển cố định trong một thời gian dài để người dân cùng chiêm ngưỡng và có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên đến thời điểm đó thì không có ý kiến gì cả.
Tuy nhiên sau khi lắp đồng bộ cả tuyến lên thì 1 số hộ dân kinh doanh vì lý do này lý do kia đã phản ứng. Tôi biết điều đó và những nội dung này UBND phường cũng đã kịp thời báo cáo lên UBND quận Thanh Xuân. Chủ trương sắp tới thì quận sẽ báo cáo thành phố và xử lý như thế nào thì cần phải chờ chỉ đạo”, ông Tuấn khẳng định.
Cùng ngày, thông tin thêm với Đất Việt, ông Thiều Nhật Tình – Tổ trưởng tổ dân phố số 17, phường Khương Mai cũng xác nhận có nhận được ý kiến của người dân về việc bất tiện trong kinh doanh sau khi lắp biển đồng bộ.
“Cá nhân tôi thấy con đường rất đẹp, gọn gàng, thông thoáng. Đây là chủ trương đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên cũng có những hộ dân phàn nàn về sự bất tiện. Dự án mới xây dựng nên cũng không thể yêu cầu hoàn thiện ngay được, cũng phải có chuyện nọ chuyện kia. Tôi nghĩ những vấn đề người dân phản ánh sẽ được thành phố xem xét nghiêm túc”, ông Tình nhấn mạnh.
***
UBND quận xin ý kiến thành phố, điều chỉnh phù hợp
Chia sẻ với báo chí lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, việc triển khai công tác chỉnh trang cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn đã được quận phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình theo đúng chỉ đạo của thành phố.
“Quận và các phường sở tại phối hợp với các sở ngành đã tổ chức phát phiếu thăm dò, hỏi ý kiến người dân về phương thức và cách làm. Về màu sơn quận cũng thống nhất với cơ quan chuyên môn về gam màu cơ bản, còn các biển hiệu hai bên đường, các biển hiệu cửa hàng cũng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa với việc doanh nghiệp đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng để làm 157 biển hiệu”, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết.
Trước những ý kiến của dư luận về màu sắc quy định chưa phù hợp với một số thương hiệu lớn, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết sẽ xin ý kiến thành phố để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận và thành phố sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của người dân và dư luận để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến đường khác.