Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

"Việt Nam là xứ sở bị bỏ quên trong văn học nghệ thuật"

CÁT KHUÊ thực hiện

TTO - Đạo diễn Phan Đăng Di trò chuyện với PV Tuổi Trẻ nhân dịp phim Cha và con và... (tên tiếng Pháp: Mekong stories) của anh được phát hành thương mại tại 14 thành phố của Pháp.

Lần đầu tiên một phim Việt được phát hành thương mại tại 14 thành phố của nước Pháp bởi Memento - một hãng phát hành phim nghệ thuật lớn ở châu Âu, gây sự chú ý đáng kể với truyền thông và khán giả Pháp.

Tên ban đầu của phim khi là đại diện đầu tiên của VN lọt vào vòng dự thi chính thức của Liên hoan phim Berlin là Big father, small father and other stories (Cha và con và...). Nhưng khi phát hành ở Pháp, phim đã được đổi tên thành Mekong stories (tạm dịch: Những câu chuyện Mekong).

Đang ở Pháp tham dự hoạt động ra mắt phim, đạo diễn Phan Đăng Di trò chuyện với PV Tuổi Trẻ về sự kiện này:

* Giới chuyên môn đánh giá dù trước đây Bi, đừng sợ! của anh cũng như một số phim VN khác đã được phát hành tại Pháp nhưng sự kiện Mekong stories (tên cũ là Cha và con và...) phát hành lần này vẫn là một sự kiện đặc biệt. Tại sao vậy thưa anh?

- Nếu xét về mặt phát hành thì việc một phim được phát hành ra sao, ở quy mô nào luôn tùy thuộc vào nhà phát hành nào đứng ra làm.

Đây không phải lần đầu một phim VN được phát hành thương mại ở Pháp, nhưng trước đó chỉ là trong các hệ thống rạp độc lập, nhỏ thôi và với các nhà phát hành cũng nhỏ, như trường hợp Bi, đừng sợ! thì nhà sản xuất phía Pháp tự phát hành luôn vì không có nhà phát hành chuyên nghiệp nào mua nó cả.

Trong một thị trường như ở Pháp, mỗi thứ tư hằng tuần, và suốt 52 tuần trong năm sẽ có khoảng 7 - 10 phim mới ra rạp thì việc không có một nhà phát hành mạnh đồng nghĩa với việc phim có thể bị chìm đi hoặc chỉ chiếu được trong một phạm vi rất hẹp.

Với Mekong stories lần này, Memento là một hãng phát hành phim nghệ thuật tiếng tăm nên họ có thể đẩy phim vào các hệ thống rạp lớn. Panô quảng cáo của phim được bày ở những rạp trung tâm Paris. Truyền thông về phim cũng được chú trọng...

Tóm lại là một sự xuất hiện khá trang trọng cho một phim nghệ thuật nước ngoài, điều mà nhiều phim châu Á từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran đã có được nhưng thật tiếc lại là lần đầu cho một phim 
từ VN.

* Cơ hội nào cho các nhà làm phim trẻ ở VN sau Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp...? Cơ hội là rộng rãi hơn khi các anh chị đã làm được việc xác lập tên điện ảnh Việt trên thế giới hay cơ hội là hẹp khi sau Di - Điệp, VN ít nhiều không còn xa lạ để gây bất ngờ với khán giả, với điện ảnh thế giới nữa?

- Như tôi đã nhiều lần nói, VN là một xứ sở đã bị bỏ quên từ lâu trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chúng ta đến bây giờ vẫn gần như vô danh và chẳng có tiếng nói nào quan trọng với thế giới cả đâu.

Đó là một hiện thực đáng buồn nhưng cần được nhìn thẳng vào để nếu còn phẫn chí, chúng ta nên phẫn chí ngay để thay đổi.

Tiếng nói của một vài cá nhân đã và đang vang lên trong điện ảnh, trong văn chương và hội họa, nhưng vẫn là nhỏ bé và chẳng thấm vào đâu so với dàn hợp ca các tiếng nói rất dõng dạc của các dân tộc khác.

Nói đâu xa, chỉ so với các nước láng giềng Đông Nam Á thôi chúng ta đã tụt lại rồi. Vậy với một thực trạng như thế, tôi thật không biết nên xem nó là cơ hội hay thách thức hay là cả hai cho các bạn trẻ đang háo hức với ước mơ chinh phục thế giới bằng điện ảnh đây?
***

Báo chí Pháp nói gì về Mekong stories sau hai ngày công chiếu?

Phim Mekong stories của đạo diễn Phan Đăng Di ra mắt khán giả Pháp ngày 20-4-2016.

Theo Allocine - trang web Pháp về cơ sở dữ liệu điện ảnh tương đương với Internet Movie Database của Amazon (Mỹ), Mekong stories được chiếu trong 257 suất tại 14 thành phố Pháp, trong đó có Paris, Marseille và Lyon.

Tính đến tối 21-4-2016 (giờ địa phương), bộ phim đón nhận 15 đánh giá của báo chí và 16 đánh giá của khán giả với điểm số lần lượt là 3,4 và 3,1 trên thang điểm 5.

Điểm cao nhất (4/5) dành cho Mekong stories thuộc về bảy tờ báo, trong đó bốn tờ chuyên về điện ảnh, văn hóa (Studio Ciné Live, Cahiers du Cinéma, Positif, Télérama). Cahiers du Cinéma nhận xét: “Với những cảnh quay bất ngờ, Mekong stories trở thành một bộ phim có cái nhìn thơ mộng”.

Điểm thấp nhất (2/5) dành cho Mekong stories thuộc về nhật báo L'Humanité của Đảng Cộng sản Pháp kèm theo nhận xét: “Phim được quay một cách lý tưởng nhưng chúng ta không nắm được đầu đuôi câu chuyện”.

Về phía khán giả, 50% đánh giá Mekong stories đạt 4/5 điểm. Số còn lại cho 3 điểm hoặc 1 điểm.

Trong số khán giả đánh giá cao, Laurent C. nhận xét: “Mekong stories là một bộ phim phải thưởng thức theo nhịp chảy của dòng nước mà không nên tìm cách tái tạo phần đầu hay phần cuối, đồng thời phải hài lòng với việc nắm bắt từng khoảnh khắc.

Vì thế, Mekong stories là một phim hoàn toàn châu Á. Không cao siêu, không bạo lực và theo cách mà dòng sông đang ngập tràn câu chuyện, bộ phim kể về sự khốn quẫn của một số người trẻ, lang thang, mơ mộng, hi vọng giàu có nhưng vẫn không từ bỏ tình yêu”.

CÔNG KHANH tổng hợp