NLĐO - Những dạng “vòi vĩnh”, đòi “bôi trơn”, “lót tay” trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam được xếp vào “tham nhũng vặt” nên hầu như người dân chỉ than phiền chứ ít khi tố cáo
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt là PAPI) năm 2015 mới được công bố đầu tuần qua cho thấy khoảng 44% số người làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính 24% năm 2014.
Có khi còn cao hơn
Theo đại biểu Quốc hội (QH)Trần Du Lịch, kết quả khảo sát PAPI năm 2015 trên thực tế chỉ ghi nhận các ý kiến vô danh và nghiêng nhiều về cảm tính, trải nghiệm cá nhân. Kết quả khảo sát cũng không thể chỉ ra được những trường hợp cụ thể diễn ra trong thực tế. Do đó, khảo sát chỉ có ý nghĩa tham khảo để cơ quan quản lý nhà nước nghiêm túc rà soát lại quy định hiện hành để tìm ra lỗ hổng khiến bộ phận công chức, người làm dịch vụ hành chính công có thể lợi dụng vòi vĩnh; từ đó tìm biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, con số 44% ý kiến phản ánh phải đưa hối lộ nói trên là hoàn toàn có căn cứ từ thực tiễn. “Trong bối cảnh hiện nay thì ý kiến phản ánh phải “lót tay” là có thật, thậm chí còn cao hơn con số 44%. Đưa “phong bì” vốn là việc bất bình thường nhưng nó đang được xem là bình thường. Giờ làm gì cũng phải “bồi dưỡng” bằng “phong bì”. Làm sao phải trở về được quan niệm đưa “phong bì” là bất bình thường thì mới hết được chuyện này” - ông Lịch nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng nhìn nhận khi làm việc, nếu có “gì đó” thì người ta... dễ ăn dễ nói hơn. “Tôi theo dõi trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường thì thấy thông tin trên hoàn toàn có lý. Tuy không phải lúc nào người dân đi làm thủ tục liên quan đến giấy tờ đất cũng phải chịu phiền phức nhưng suy từ bản thân, gia đình, bạn bè mình ra thì thấy đúng như vậy” - ông Liêm bày tỏ.
Thậm chí, theo ông Liêm, còn có việc mượn cớ đất thuộc quy hoạch để chậm hoặc không cấp sổ đỏ cho dân. “Việc này là vô lý. Quy hoạch thường dài hạn và thay đổi liên tục, không cố định. Việc cấp sổ đỏ thì vẫn phải cấp, sau này lấy lại đất làm quy hoạch thì giải tỏa, đền bù sau. Đưa ra lý do đất trong quy hoạch có thể chỉ là cái cớ” - ông Liêm phản ánh.
Cũng theo ông Phạm Sĩ Liêm, điều đáng nói là những hành vi vòi vĩnh khi làm thủ tục chủ yếu nhỏ lẻ, được xếp vào dạng tham nhũng vặt nên hầu như người dân chỉ “than phiền” chứ ít khi tố cáo. “Không thấy vụ nào được đem ra xử lý đến nơi đến chốn cả. Chỉ toàn nói miệng với nhau và để cho việc này nghiễm nhiên tồn tại. Các kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng chỉ nêu ra chung chung là có tình trạng “bôi trơn”, hối lộ chứ cũng chưa nêu cụ thể” - ông Liêm thẳng thắn.
Khó trị dứt
Bàn về kết quả khảo sát của PAPI, đại biểu QH Nguyễn Sỹ Cương lại kể câu chuyện mà ông là người trong cuộc để nói rõ vì sao khó trị dứt nạn tham nhũng vặt, hối lộ.
Đó là vào cuối năm 2014, trên diễn đàn QH, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong việc cấp sổ đỏ tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo đó, phí “bôi trơn” sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không có biên lai và biên nhận. Quy trình làm sổ đỏ mập mờ, gia đình nào chấp nhận chi tiền “bôi trơn” thì được nhận sổ đỏ sớm, ngược lại phải... tiếp tục chờ!
Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc này là ông Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo UBND TP giao Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra. Sau 2 tháng, Thanh tra TP Hà Nội kết luận có việc “bôi trơn” sổ đỏ như phản ánh. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên ngay lập tức, kết luận thanh tra được chuyển cho cơ quan điều tra.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho hay vẫn chưa nhận được câu trả lời hay bất cứ thông báo nào. “Vụ việc chuyển đến cơ quan điều tra thì rơi vào im lặng từ đó đến nay” - ông Cương ngán ngẩm.
Đáng nói hơn, sau khi lên tiếng về vụ việc, ông Nguyễn Sỹ Cương đã bị chủ đầu tư dự án “tố cáo” lên QH, cho rằng ông “phát biểu một chiều, có dấu hiệu ẩn ý không tốt”. “Tôi được Chủ tịch QH gọi lên để trao đổi và tôi cũng đã báo cáo rõ, chứng minh bản chất của vấn đề bằng việc đưa ra các chứng cứ. Chủ tịch QH cũng đã yêu cầu tôi hợp tác với Hà Nội để làm rõ vụ việc. Khi đó, tôi đã gửi văn bản đến Bí thư Thành ủy Hà Nội, bày tỏ ý kiến về việc chủ đầu tư phát ngôn không đúng mức nhằm hạ thấp uy tín của tôi. Tôi đề nghị Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư, công khai xin lỗi tôi trước công luận nhưng chỉ nhận được văn bản của Văn phòng Thành ủy, nội dung cho biết Công an TP đang điều tra, khi có kết luận sẽ xử lý nghiêm minh. Đến 1 năm rưỡi nay, tôi vẫn chưa thấy có ý kiến gì cả” - ông Cương bức xúc.
Ông Cương cho rằng chính sự thiếu kiên quyết của cơ quan thẩm quyền, chính quyền địa phương mà tình trạng tham nhũng vặt, “bôi trơn” vẫn cứ diễn ra dưới mọi hình thức.
Theo một cán bộ ngành tài nguyên - môi trường tại Hà Nội, mọi kết quả khảo sát dù phiến diện đến đâu cũng phải xem là cơ sở tham chiếu để có biện pháp quan trọng, nhất là nạn vòi vĩnh trong lĩnh vực đất đai. Ý thức được vấn đề này, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ.
***
Chờ hơn 100 ngày mới nhận kết quả
Trong 4 dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.
Khảo sát PAPI năm 2015 đã thu thập ý kiến của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho đa dạng đặc điểm nhân khẩu của toàn bộ 63 tỉnh/TP trên toàn quốc thông qua phỏng vấn trực tiếp về trải nghiệm và cảm nhận của họ đối với hiệu quả quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công. PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy công quyền các cấp.
D.Ngọc
***
PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng:
Không có nhiều cải thiện
Những vấn đề mà PAPI 2015 đưa ra cho thấy tình trạng tham nhũng vặt vẫn loanh quanh như các năm trước, không có nhiều cải thiện. Những con số đưa ra tại PAPI 2015 như 32% số người được hỏi khẳng định phải “chi bồi dưỡng” ngoài quy định cho thầy, cô giáo để con em mình được quan tâm hơn; 44% số người làm thủ tục nhà đất phải đưa hối lộ… là sát với thực tế bởi việc điều tra được tiến hành với các đối tượng ngẫu nhiên và mang tính khoa học.
Ông LÊ NHƯ TIẾN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Thách thức lớn của Chính phủ
Số liệu PAPI đưa ra hoàn toàn trùng khớp với những cảnh báo mà tôi đã nêu tại diễn đàn QH. Tôi đã nói có những cán bộ, công chức vòi vĩnh, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn làm nhà đầu tư bức xúc, doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Đây chính là thách thức lớn của Chính phủ trong thời gian tới. Tôi rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ vừa được QH bầu và các thành viên Chính phủ vừa được phê chuẩn sẽ khắc phục được những tình trạng trên.
Chuyên gia kinh tế - TS NGUYỄN MINH PHONG:
Phản ánh đúng khó khăn của người dân
Thực trạng được nêu ra trong khảo sát phản ánh đúng những khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận đất đai. Người dân tiếp cận đất đai theo quy định là 30 ngày mà vẫn còn bị chậm trễ. Vậy thì với doanh nghiệp, khi không có quy định cụ thể nào cả, họ lấy đâu ra cơ sở để “kêu”, để khiếu kiện. Do đó, cần bổ sung một số quy định về tiếp cận đất của doanh nghiệp như: quy trình tối thiểu, thời hạn tối đa…
P.Nhung ghi