TTTG - Sở dĩ những từ như “sạch-xanh” ra đời chính là do mỗi ngày người ta trông thấy đất chết, sông hồ chết và giờ là biển chết.
Bạn tôi nói, anh ấy không thể hiểu chính mình, khi ngày càng nhận ra mình đang phải tự đầu độc mình đến chết vì môi trường độc hại và thức ăn bẩn, mỗi ngày.
Như vừa bỏ miếng ăn vào miệng vừa nuốt nước mắt, gạt nỗi đau. Vừa hít thở không khí ô nhiễm vừa chịu đựng sự tàn phá của nó trong sự bất lực vì chẳng thể làm gì.
“Việc đầu tiên về môi trường, tôi không muốn nhìn thấy hình ảnh xấu xí, khô cằn, ô trọc chúng bị đốt phá, những đồi núi xinh đẹp bị đào bới, cày xới. Sao nó kinh khủng, xấu xí quá vậy.
Dòng suối đẹp như vậy giờ cạn khô, rừng núi giờ bằng phẳng… tôi thấy ảnh hưởng trực tiếp trên Tây Nguyên trước mắt.
Ông bà xưa nói: nếu không biết lo xa thì nước sẽ tới gần, và nó đã tới chân. Hậu quả hôm nay, con cái mình lãnh đủ, vì vậy môi trường, khí hậu, cần sự đồng lòng của đa số nhiều tầng lớp nhân dân từ chính quyền, trí thức đến mọi giai tầng xã hội.
Nếu như chỉ một giới báo chí lên tiếng dễ rơi vào sự lạc lõng. Rất cần sự đồng lòng và hành động cụ thể”, anh Trần Minh Thuận, một công chức chia sẻ.
“Có lẽ ai cũng thấy rất rõ trước mắt là sự tàn phá của con người với môi trường, thiên nhiên là rất khủng khiếp và đau lòng. Bài viết Cù lần mơ… là những tâm sự của tôi về dòng suối, cánh rừng, con nai không còn chỗ quay về…
Người dân tộc thiểu số nói: “Hồi xưa ở đây có những cánh rừng xanh, giờ người ta đã phá hết rồi. Hồi xưa có nhiều ngọn núi thẫm, giờ người ta đã làm cho nó bằng phẳng, hồi xưa thú rừng về nhiều giờ “người ta” đã bắt hết rồi” “Người ta” là ai? – Chẳng có ai nhận cả”, Văn Tuấn Anh, ông chủ làng Cù Lần ở Suối Vàng, tâm sự.
Chủ thương hiệu càphê K’Ho cũng là người K’Ho chính hiệu sống ở Xã Lát, dưới chân núi Langbiang kể: “Chỗ làng em ở, bây giờ có công ty Liên Minh đến ủi bằng phẳng ba cái núi rồi phân lô đất bán nền, làng trở nên xấu lắm, “người lạ” vào trong làng cày xới hết trơn, người lạ mới ở đâu về làng nhiều lắm và đã bắt 15 con chó ở trong làng ăn thịt”, dân làng thì đói khổ vì không còn đất trồng, mà làng bản ngày xưa cũng không còn nữa”.
Hôm nay, tin tức về vùng biển miền Trung cá chết hàng loạt, người dân khóc than.
Người nuôi cá thì vỡ nợ, người lỡ ăn phải cá độc bắt đầu nỗi đau, bữa cơm khốn khó của người dân nghèo ngày càng cạn kiệt như đồng ruộng khô héo, sông suối khô cạn trên đất nước này.
Sẽ không ai có thể làm gì được ư?
Sẽ chẳng thể thay đổi gì được ư?
Chúng ta ngày càng tự đầu độc mình mà vẫn nhục nhã cúi đầu buông xuôi: thôi kệ, không ăn thì chết sớm, đành ăn để sống thêm chút nào hay chút ấy.
Không thể ngưng thở nên cứ ráng hít vào khói độc ô nhiễm để sống thêm được ngày nào thì ráng sống dù phải chịu đớn đau, bệnh tật.
Chúng ta hàng ngày tự đầu độc mình mà vẫn cúi đầu để bạo quyền thách thức lương tri, mặc cho ai muốn làm gì thì làm, chỉ biết thủ thân cho đến ngày mục rữa xác thân trong tủi nhục, đớn hèn.
Tôi chợt nhớ cách đây 20 năm, khi dạy kèm môn văn cho cô bé lớp 4, về phép liên tưởng, tôi hỏi em: khi nói đến màu xanh và sự sống, em sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Em nói: Trái đất, thưa cô.
Có lẽ, hôm nay, nếu có thể gặp tôi, em sẽ nói: thưa cô, hãy hỏi em về màu xám và cái chết!