Năng lượng mới - Anh bạn Tổng giám đốc gặp tôi vui mừng ra mặt: “Xong rồi. Xong rồi!”. Xong! Cái gì xong? À thì vẫn câu chuyện xin đầu tư dự án.
Công ty trình hồ sơ xây dựng công trình lên sở, rồi lên thành phố đã quá nửa năm, công văn sửa tái sửa hồi, trình lên trình xuống mà vẫn dài cổ chờ. Có người bảo, ông “bôi trơn” chưa đủ. Người khác bảo ông chạy không đúng cửa. Mặc, không thể “đẽo cày giữa đường” như thế. Mình đầu tư xây dựng mang lại lợi ích cho thành phố, cho tập thể, sao lại phải xin, phải chạy đủ cửa như thế?
Nghĩ vậy và anh bạn đánh liều gọi điện thẳng cho Chủ tịch thành phố. Ông Chủ tịch mới nhậm chức chưa lâu, sau một hồi thế à, thế à, vâng vâng, rồi rồi… nói chắc như đinh đóng cột: “Hẹn ông hai ngày nữa lấy quyết định”. Nghe nói sau đó, ông đã gọi Giám đốc Sở Xây dựng, Chánh Văn phòng UBND lên, gay gắt: “Tôi và các anh đã đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng, tôi ký quyết định này không lấy một đồng của doanh nghiệp. Vậy, từ hôm nay không ai được phép gây khó dễ. Các anh làm ngay đi. Ngày mai phải xong”.
Thế là câu chuyện anh trưởng phòng A, anh chuyên viên B bẻ hành bẻ tỏi, đến cô văn thư đóng dấu cũng gợi ý một triệu đồng, coi như từ nay không còn tồn tại. Được như thế thì đúng là trải thảm đỏ rồi và dưới thảm đỏ không còn đinh nữa. Nhưng phải chờ xem. Anh bạn Tổng giám đốc bảo: “Lâu nay ai cũng nói trách nhiệm, nói rất to tát, hùng hồn, nhưng cứ như trách nhiệm của ai vậy mà không thấy quả bóng trách nhiệm ngay dưới chân mình”.
Ấy là chuyện đầu tư, kinh doanh, làm các thủ tục hành chính, chỉ nghe việc phải đến cửa quan đã đủ rùng mình. Một cửa nhưng còn nhiều khóa, ra vào đâu có dễ. Nhìn rộng ra là chuyện trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm công vụ của anh công chức Nhà nước. Tôi có gặp một Bí thư Thành ủy, sau Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa rồi. Hỏi về những yêu cầu trong thời kỳ mới đối với cán bộ chủ chốt, anh suy nghĩ giây lát rồi quả quyết: “Nếu nói gọn thì chỉ trong hai từ “Trách nhiệm”. Trách nhiệm, trách nhiệm và trách nhiệm. Cụ thể hơn một chút là, đã nói phải làm, làm đến nơi đến chốn, chưa hết việc chưa nghỉ, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm”. Mấy ngày sau khi nhậm chức bí thư, anh kiếm bộ quần áo cũ, đầu đội mũ lưỡi trai che kín vầng trán rộng, hói, sục xuống khu vực “một cửa”. Ở đó anh đã chứng kiến cung cách, thái độ làm việc, tiếp xúc với dân của cấp dưới.
Bí thư hỏi một cán bộ, công việc đòi hỏi ở “quan chức” này phẩm chất gì? Trong khi anh cán bộ vừa nạt dân xong còn đang ngắc ngứ, thì bí thư nói ngay, rằng muốn làm quan tốt thì phải hiểu nỗi khổ của người làm dân. Sau bữa đó bí thư đề nghị phải giảm bớt, thay thế ngay mấy anh sách nhiễu dân, cải tiến ngay quy trình làm việc, lập đường dây nóng để dân liên hệ, góp ý.
Bây giờ ở nhiều nơi khi nói tới những tồn tại, khuyết điểm thường có tình trạng ai cũng phán, phán như rồng leo. Từ chuyện vĩ mô cho tới vi mô. Rằng sao để nợ công, nợ xấu cao ngất ngưởng? Sao để giặc nội xâm tham nhũng càng chống lại càng tăng? Lãng phí còn thiệt hại nặng hơn cả tham nhũng, trách nhiệm thuộc về ai? Rằng nạn chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển, chạy tội… thành căn bệnh trầm kha rồi. Người ta còn dẫn ra vanh vách những con số, chẳng hạn: cả nước có 63 tỉnh, thành phố, nếu thực hiện đúng quy định thì mỗi tỉnh chỉ có ba đến bốn vị trí được dùng xe công thường xuyên. Vậy tại sao lại có đến 40 nghìn xe công? Kèm theo cái xe biển xanh là bao thứ tốn kém, nào là người lái, nào là xăng dầu. Mà cái xe đâu chỉ chở sếp, nó nai lưng phục vụ cho cả gia đình, thậm chí họ hàng nhà sếp. Người phát hiện ra thứ lãng phí này chính là một cán bộ cũng đang ngự xe công hằng ngày không đúng tiêu chuẩn, anh ta là giám đốc sở.
Chuyện thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe, tính mạng con người đang nóng lên từng ngày. Ai chăn nuôi, trồng trọt không đúng quy định? Người nông dân. Nhưng nông dân sao có thể đưa thực phẩm bẩn lên “tầm cấp quốc gia” như thế . Ở hội nghị này, hội thảo kia còn có ý kiến người có trách nhiệm cho rằng, sự phối hợp của các ngành hữu quan rất tốt. Tốt mà tại sao thực phẩm bẩn cứ tràn vào mâm cơm mỗi nhà? Mua gì cũng khiếp. Ăn gì cũng sợ. Chúng ta kiên quyết điều tra, xử lý người chăn nuôi sử dụng chất cấm, nhưng không nên dồn hết mọi tội cho họ. Cơ quan nào đã cho nhập hàng tấn salbutamol. Cơ quan nào chịu trách nhiệm hướng dẫn người chăn nuôi biết sử dụng đúng cách để chăn nuôi phát triển mà không gây hại cho người tiêu dùng?
Ngạc nhiên chưa, câu hỏi này được ngay những cán bộ có trách nhiệm tham mưu, những người “đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương” trả lời như một sự vô can. Lẽ ra phải vào cuộc tìm ra những mâu thuẫn, những nghịch lý để tham mưu, tìm cách khắc phục, giải quyết. Nhưng chính họ lại đá “quả bóng” trách nhiệm bay vào không trung. Họ than rằng, cái này là việc của cấp trên, ở ta giờ đang thiếu minh chủ các ông ạ. Có đề xuất lên cũng chả ai quyết, đành “bó tay chấm com”. Đến lượt cấp trên thì do lu bù công to việc lớn, hoặc do không nắm chắc tình hình cho nên nghe qua loa, chỉ đạo ào ào, thậm chí cũng cho rằng, việc ấy là của cơ quan khác, của đồng chí phụ trách khác. Thật là tít mù nó chạy vòng quanh.
Thế mới biết phán thì dễ, chê thì thuận miệng, nhưng làm mới là cần. Chợt nhớ lời cụ Chu Văn An (1292-1370) - Tu nghiệp Quốc Tử Giám (như chức Hiệu trưởng ngày nay) dặn trò: “Học mới chỉ là mắt, hành mới có chân, mới tiến được. Có biết mới làm được. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thiết thực, cái biết sâu sắc nhất”.
Căn bệnh tranh công đổ lỗi, rũ bỏ trách nhiệm có gốc gác từ tư tưởng phong kiến phương Đông, làm láo báo cáo hay, trọng danh hơn thực. Việc khê việc đọng bao năm rồi dại gì “húc” vào bức tường đá, ôm rơm rặm bụng. Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, khiến cho không ít cán bộ lo tìm người chống lưng, tìm chỗ trú thân an toàn. Cầm cờ mà không dám phất, chờ đại hội xong, bầu bán yên vị hẵng hay. Đại hội xong rồi thì còn nghe ngóng, còn chờ ổn định tình hình, nhất là tổ chức cán bộ không dám động tới, vì “người tiền nhiệm đã đổ bê-tông cả rồi, khổ lắm, khó lắm”. Nhiều nơi, cả năm trời chỉ thấy bàn chuyện soạn thảo quy chế. Quy chế phối hợp ngoài cơ quan, trong cơ quan. Ngay trong cơ quan cũng bao nhiêu thứ quy chế: Phối hợp cấp ủy - chính quyền; phối hợp cấp ủy - các đoàn thể; phối hợp thanh tra - kiểm tra; phối hợp cơ quan bộ với các cơ quan đại diện ở các địa phương… Đương nhiên quy chế là rất cần, là cái khung pháp lý để thực hiện, tránh tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, hoặc ngược lại là chồng chéo, lấn sân. Nhưng có quá nhiều quy chế mênh mông, không có ràng buộc cụ thể. Quá nhiều cơ chế bàn tới bàn lui, tốn không biết bao nhiêu giấy mực, chữa tỉ mỉ đến từng dấu phẩy, xong thì cất vào tủ, chờ tới nhiệm kỳ sau mới lôi ra… ngắm. Đó là loại quy chế chết, như dòng sông chết vậy. Nó xa lạ với cuộc sống, không có tác dụng cải tạo, thúc đẩy sự vật phát triển.
Nói về tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, sinh thời Bác Hồ từng dạy rằng: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Tuy nhiên, nhiều việc đang dừng ở chủ trương, chưa làm tốt việc tổ chức, tức là đưa ra những biện pháp cụ thể. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Việc nhận khuyết điểm, nhận lỗi trước dân là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là làm ngay những điều đã nói. “Quả bóng” trách nhiệm ngay ở dưới chân. Hãy sút trúng mục tiêu nhắm tới, đừng rê dắt vô lối, chớ đẩy vào lưới nhà, chớ đá vào… lưng người khác.