TTCT - Hôm 23-3, báo chí bắt đầu chạy tít “ODA: sắp phải trả nợ nhanh gấp đôi, lãi tăng gấp ba”. Các bài báo trích lời cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) báo động “có thể Việt Nam sẽ không được vay theo điều kiện ODA và chủ yếu chuyển sang vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7-2017”.
Phát biểu trên bắt đầu bằng một giả định không thực (unreal hypothesis): “Có thể Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và chủ yếu chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7-2017”.
Nhưng việc “không còn được vay theo điều kiện ODA” không còn là “viễn cảnh” mà là “cận cảnh” và có thực, chỉ tháng 7 năm tới thôi, bởi cũng chính ông cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã giải thích rõ trong bản tin:
“Việt Nam sẽ phải thực hiện điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2-3,5%. Theo đó, ODA đã vay sẽ phải rút thời hạn trả nợ
35-40 năm còn 15-20 năm, đồng thời tăng lãi suất lên 2-3,5% thay vì trước đây là dưới 1%. Cụ thể giai đoạn trước năm 2010 thời hạn vay vốn ODA bình quân 30-40 năm, chi phí vay 0,7-0,8%/năm. Còn giai đoạn 2011-2015 thời hạn vay bình quân chỉ còn 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên”.
Những thông điệp “Hết thời “xài chùa” vốn ODA”, “Từ 2022-2025: thời điểm “oằn lưng” trả nợ của Việt Nam”, “Nợ công tăng nhanh, Việt Nam thêm lo sắp “tốt nghiệp” ODA”, “Không nên để đời cháu chắt phải trả nợ vốn vay ODA”, “Mỗi năm, phải trả nợ hơn 150.000 tỉ”... thật trái ngược với tình hình cuối năm 2009 khi những thông tin sau ngập tràn:
“Cam kết ODA cho năm 2010 đạt kỷ lục”; năm 2010 vẫn còn “Cam kết ODA cho Việt Nam gần bằng kỷ lục năm ngoái”, cả năm sau nữa vẫn hân hoan “Cam kết ODA cho Việt Nam gần bằng kỷ lục năm ngoái”.
Đáng ngạc nhiên là năm 2009 ấy cũng chính là năm Việt Nam nhận được cảnh báo sẽ không còn nhận được ODA như trước nữa do đã đạt ngưỡng nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Nền kinh tế có thu nhập trung bình
Dường như không ít người đã quên sự kiện ngày 22-12-2009: “Việt Nam được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình...” khi ông James Adams, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết:
“Việt Nam đã dịch chuyển từ vị trí “quốc gia nghèo, nợ nhiều” sang vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình trong vòng chưa đến bảy năm” (định nghĩa của WB: quốc gia có thu nhập trung bình là quốc gia có GDP/đầu người từ 760 - 9.360 USD).
Năm 2006, GDP/đầu người của Việt Nam đã là 723 USD, tức suýt soát chạm đến ngưỡng thu nhập trung bình này. Hai năm sau, GDP đầu người đã là 1.024 USD.
Tháng 12-2009, TTCT trong một phân tích đã cảnh báo về “Nợ ODA: vay và trả” trước thông tin các nhà tài trợ cam kết ODA dành cho Việt Nam với con số kỷ lục: 8 tỉ USD. Một người dân Việt Nam khi đó đã phản hồi trên weblog của đại sứ Anh tại Việt Nam như sau: “Nước Anh viện trợ. Xin chân thành cảm ơn!... Song sẽ hạnh phúc hơn khi Việt Nam có thể trả hết số nợ đã vay và không phải vay trở lại...”.
Như cảnh báo lúc đó, con số 8 tỉ USD ODA không phải là kỷ lục để tự hào. Trái lại, đó là một bài toán băn khoăn sẽ lấy gì để trả các khoản nợ bằng đồng tiền đang tiếp tục tăng giá như yen hay euro...
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến cáo khi vay nợ nước ngoài hãy cẩn thận tính toán độ chênh lệch trong giỏ ngoại tệ và tỉ giá. Đó là một trong những lý do khiến chi phí tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ khi được duyệt ban đầu là 1,1 tỉ USD nay lên đến 2,071 tỉ USD... Song trong không khí hừng hực của dòng suy nghĩ “cam kết kỷ lục 8 tỉ USD”, mọi cảnh báo đều như... trong sa mạc.
Đã vay ODA như thế nào?
Theo vị cục trưởng thì “Chúng ta đang phải xử lý hậu quả của việc huy động vốn ngắn hạn quá nhiều trong những năm 2011-2013, tương ứng với đó chúng ta phải trả nợ nhiều vào năm 2015-2016... Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các ban ngành liên quan trước hết đàm phán với WB về lộ trình hạn chế tối đa tác động của việc trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước cũng như tới chủ dự án, chủ đầu tư”.
Đã biết trước sẽ phải vay vốn lãi suất cao mà vẫn cứ “huy động vốn ngắn hạn quá nhiều trong những năm 2011-2013” như thế, để rồi nay phải than “trả nợ nhiều”?
Dường như những người đi vay đã quên hẳn nhắc nhở của WB lúc đó: “Vào cuối năm 2007, WB tuyên bố Việt Nam là quốc gia hợp thức cho các khoản vay theo lãi suất thương mại (IBRD). Chính phủ Việt Nam đã đề nghị có một giai đoạn chuyển đổi dần dần sang IBRD và sẽ tiếp tục được tiếp cận các khoản vay từ quỹ IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) với lãi suất ưu đãi hoặc bằng không, trong giai đoạn chuyển đổi giữa IDA/IBRD”.
Và có lẽ cũng quên hẳn việc phải xin hoãn áp dụng quy chế “thu nhập trung bình” trong các năm từ 2007-2009 để tiếp tục vay từ quỹ IDA, tức kênh cấp vốn vay ODA ưu đãi mà thời gian đáo hạn thường từ 35-40 năm, để rồi cứ đi vay ODA trong tâm thế “ODA vẫn với lãi suất ưu đãi” mà không chuẩn bị cho cả nước sẵn sàng chuyển qua tâm thế đi vay với lãi suất “thiệt”, tức tính theo lãi suất Libor (lãi suất thị trường liên ngân hàng Anh) cộng thêm biên độ dao động và phí.
Và bây giờ “phải xử lý hậu quả của việc vay vốn ngắn hạn quá nhiều trong các năm 2011-2013”!
Làm gì bây giờ?
Hiện trong gói nợ đang phải trả và trả chưa nổi vừa có những khoản ODA ngắn hạn vay quá nhiều trong các năm 2011-2015, vừa có những khoản trái phiếu quốc tế đáo hạn, thậm chí đáo hạn đã lâu như gói trái phiếu 750 triệu USD vay từ năm 2005 với lãi suất 7,5%/năm cho Vinashin...
Lùi lại năm 2005, khi phát hành xong gói trái phiếu 750 triệu USD đầu tiên trên thị trường tài chính quốc tế đó là một sự hân hoan chủ đạo. Những cảnh báo “Liệu đã kiểm toán đủ dự án xin vay đó hay chưa (báo giá như thế có chính xác hay không), liệu đã lượng giá đủ năng lực doanh nghiệp đó hay chưa, kể cả năng lực liêm chính cần kiệm?
Công việc lượng giá đó có độc lập và khách quan đủ hay không?” trên TTCT lúc đó... đã được chính sự cố Vinashin đã trả lời.
Xu thế đi vay “vô tư” và vô tội vạ như thế đã lan sâu, xem ngân sách quốc gia và địa phương như một “suối nguồn vô tận”. Nên rất cần, nếu không muốn nói đã cần từ lâu, khởi động một xu hướng mới là thật sự tằn tiện bằng cách siết chặt ngân sách chi tiêu dành cho bộ máy công quyền.
Đã đến lúc đưa ra một chỉ thị ngưng các chi tiêu thường xuyên “ngoại khổ” được cụ thể hóa bằng một danh sách “không chi” do Bộ Tài chính thừa lệnh Chính phủ lập ra, thực thi và công khai. Và người dân đang thắt lưng buộc bụng bằng mọi giải pháp sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hành tính công khai, minh bạch và tính giải trình của Nhà nước lớn nhỏ.
ODA chấm hết, cũng chẳng sao, nếu đừng xài hoang. Giáo sư Angus Deaton - người vừa đoạt giải Nobel kinh tế năm 2015 - đã viết trong cuốn sách The Great Escape: Health, Wealth, and the Origins of Inequality (tạm dịch: Đại thoái trào: Sức khỏe, sự giàu có và nguồn gốc của bất bình đẳng):
“Nếu tình trạng đói nghèo không phải đến từ việc thiếu tài nguyên hay cơ hội mà đến từ các thể chế kém, năng lực hành chính yếu và một nền chính trị đầy chia rẽ thì việc trao viện trợ cho các nước như vậy - hay nói chính xác hơn là trao viện trợ cho chính phủ của họ - sẽ có nhiều khả năng kéo dài thay vì xóa bỏ tình trạng đói nghèo...
Giờ đây, tôi tin rằng hầu hết khoản viện trợ nước ngoài có hại nhiều hơn lợi. Nếu như viện trợ làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của các nước nghèo thì không có lý gì để tiếp tục các chương trình đó, chỉ với lý do là “chúng ta nên làm gì đó để giúp họ”. Điều mà chúng ta cần làm chính là nên ngưng viện trợ”.