Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Nghèo là hợp lý

TRẦN ĐỨC CHÍNH

LĐO - Có tin Vinalines vừa phát giá bán chiếc ụ nổi “danh tiếng” 34,85 tỉ đồng. Được mua 462 tỉ đồng và từ ngày về Việt Nam chiếc ụ này chưa được sử dụng lần nào. Cầu mong có hãng đồng nát nào rước đi cho để chúng ta “hóa vàng” cho một kiểu làm ăn, “đổi mới” làm... nghèo đất nước. Quan trọng hơn là khi xác định thế mạnh kinh tế biển thì Vinashin, Vinalines - những con chim đầu đàn - lại gãy cánh.

Chuyện về biển còn xa vời mênh mông lắm. Bà con ngư dân vẫn loay hoay vay vốn đóng tàu gỗ như xưa, tuy có tăng công suất và trang bị hệ thống thông tin tốt hơn. Tàu gỗ không hợp thời nhưng mấy chiếc tàu sắt do ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam làm cho ngư dân đã bị trả lại, chưa chạy đã hỏng. Nghĩ, không cần nói thêm về chuyện này làm gì, chạm vào vết thương cũ chính ta bị đau hơn. Thôi thì cái gì đã qua cho qua, người đã trả giá, người lĩnh sổ hưu cũng coi như dĩ vãng - mà phần lớn chúng ta đều có dĩ vãng đau buồn vì chia cắt chiến tranh, nghèo đói và “ấu trĩ tả khuynh”, cả tham nhũng (là từ mới) nữa...

Có tin xuất khẩu quý I.2016 tăng. Nhưng xin bà con chớ quên, tăng chủ yếu là chủ các công ty FDI, tiền lời họ chuyển về nước họ, ta chỉ có chút tiền thuế và công thợ vào hàng thấp nhất ASEAN. Người Việt Nam đang kéo nhau sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar làm việc...

Có một ví dụ làm ăn trong nước đem lại lời lãi nhất: Đó là Cty suất ăn hàng không Nội Bài. Năm 2015 bán được 6 triệu suất, lãi sau thuế 60,7 tỉ đồng. Có lẽ, dưới mặt đất không ai bỏ ra 63.000 đồng để ăn một suất cơm như thế. Ai đi tàu bay đều rõ: Ăn ở “trên giời” nó khác. Nghe nói, công nhân thổi cơm của công ty này lương tháng trên 10 triệu đồng vì lẽ đó!

Từ 1.4.2016, quốc lộ 5 tăng phí qua trạm. Từ Hà Nội đi có trạm thu phí Bần, một phố huyện xinh xinh. Ai cần đi taxi trên phố (dài 1km) phải trả 6.500 đồng/km taxi và 10.000 đồng phí trạm. Tuần này, phí trạm tăng lên 45.000 đồng. Người già yếu, bệnh tật đi (và về) 1km mất 113.000 đồng. Cụ nào tiếc tiền đi xe ôm, nếu còn sức ôm eo anh cầm lái, nếu không thì thôi không đi thăm cháu, mua bán nhì nhằng gì ở cái phố huyện chuyên bán tương bần này nữa.

Nhưng có lẽ, kiếm tiền không ai dám bì với EVN. Quỹ bình ổn giá điện được lấy từ tiền dân qua việc tăng giá điện. Chúng ta, người tiêu thụ điện đã móc túi quần lấy “bóp-tầm-phơi” (bóp, ví) trả tiền điện, lại móc thêm túi áo ngực đồng tiền nhỏ hơn trả phần giá tăng. Nếu các ngành khác cùng chơi kiểu này thì đúng là gặt xong, hết gạo ăn.

Cụ Nguyễn Khuyến xưa có thơ: “Năm nay cày cấy vẫn hơn thua/ Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa/ Phần thuế quan thu, phần trả nợ...”. 100 năm rồi, đọc bài thơ vẫn thấy chua chát. Ông cụ làm quan to mà sao không tích được “vài chục tỉ” để đến lúc cáo quan về quê lại phải làm ruộng, câu cá kiếm ăn nhỉ? Chúng tôi hay rẽ về thăm cụ ở một làng quê huyện Bình Lục (Hà Nam). Xe đỗ đầu làng, đi bộ vào thấy “ngõ trúc lưa thưa”, thì ra ông cụ là quan văn, không có các kiểu “võ kiếm tiền”. Nghèo là hợp lý!