Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Mỗi vua Hùng trị vì 200 năm hay 20 năm?

Thanh Nguyễn

Petrotimes - Theo GS Lê Thành Khôi trong “Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thể kỷ XX” thì việc “Đại Việt sử ký toàn thư” đặt triều đại vua Hùng thứ nhất vào thời điểm 2879 trước Công nguyên không thể chấp nhận được, bởi sự kết thúc các triều đại Hùng Vương thứ mười tám được đặt vào năm 258 trước Công nguyên, điều này có nghĩa là mỗi vua Hùng phải cai trị trên một trăm năm.

Theo truyền thuyết thì triều đại đầu tiên của Việt Nam, triều Hồng Bàng, gắn liền với vị hoàng đế truyền thuyết của Trung Quốc là Thần Nông, ông tổ của nền nông nghiệp.

Lạc Long Quân, cháu năm đời của Thần Nông, lấy bà Âu Cơ. Bà Âu Cơ đẻ ra một trăm trứng nở thành một trăm người con trai. Đó là nguồn gốc của Bách Việt.

Một hôm, vua nói với hoàng hậu: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên. Thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải biệt ly”. Năm mươi con trai theo mẹ về núi, năm mươi con trai theo cha định cư ở bờ biển Đông.

Con trai cả của Âu Cơ cai trị Văn Lang với danh hiệu Hùng Vương. Kinh đô vương quốc đặt tại Mê Linh (Phong Châu dưới nhà Đường, ngày nay là Hy Cương trong tỉnh Vĩnh Phú). Vương quốc được chia làm mười lăm bộ: Văn Lang là một trong số những bộ này. Vua đặt các em làm lạc hầu và lạc tướng. Con trai của vua được gọi là quan lang, con gái được gọi là mị nương, các quan nhỏ gọi là bồ chính. Quyền bính được truyền từ cha tới con (phụ đạo). Triều đại Hùng Vương kéo dài mười tám đời vua.

Tục xăm mình xuất hiện dưới triều các vua Hùng và tồn tại tới thời vua Trần Anh Tông. Người dân làm nghề đánh cá thường bị cá sấu ăn thịt nên vua truyền cho họ phải xăm mình với hình các mãnh thú biển, vì những con vật này không tấn công các con vật cùng chủng.

GS Lê Thành Khôi phân tích việc gắn Hồng Bàng với Thần Nông chắc chắn là do các nhà viết sử muốn đặt các triều đại Việt Nam ngang hàng với các triều đại Trung Quốc.

Do đó, nhìn vào bảng niên biểu 18 vua Hùng khó có thể trị vì trong thời gian dài như thế. Ví như Hùng Chiêu Vương, từ năm 1631 đến 1432 TCN, ông trị vì những 200 năm liền, điều này khó thuyết phục.

Trong chính sử “Đại Việt sử ký” cũng viết trước thời An Dương Vương, lịch sử chỉ mang tính huyền sử. “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên xếp ở phần ngoại kỷ - tức dạng hỗn mang hoang đường.

Còn theo GS Lê Thành Khôi thì thực ra “Toàn thư”, in năm 1479, là tác phẩm đầu tiên đưa ra thời điểm 2879 trước Công nguyên. Các bộ sử ký (không còn) do Lê Văn Hưu biên soạn vào năm 1272 chỉ bắt đầu lịch sử Việt Nam từ thời Triệu Đà. Lịch sử xưa nhất chúng ta còn giữ lại được là cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc (1339) không nói đến các vua Hùng. Bộ “Việt sử lược” dành cho các vua Hùng những hàng sau:

“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút”.

GS Lê Thành Khôi cho rằng, nếu lấy đầu thế kỷ VII trước Công nguyên làm thời điểm xuất hiện của các vua Hùng thì có thể chấp nhận được, vì như thế, mỗi triều đại chỉ kéo dài 20 năm.


Như vậy, “Quốc gia” Việt Nam đầu tiên đã xuất hiện vào thời kỳ này. Đây hẳn phải là một liên minh các bộ tộc sống trên lãnh thổ nay là Bắc bộ kéo dài tới Quảng Trị, Bắc Trung Bộ.

Sở dĩ Văn Lang có thể tập hợp được các bộ tộc này, ấy là do có một nền văn hóa lâu đời, thừa hưởng từ thời Phùng Nguyên (di chỉ này nằm cách đền chính của các vua Hùng 10km) và do phát triển một nền nông nghiệp kết hợp việc đốt cỏ làm ruộng và dẫn nước vào ruộng.

Năm 1929 trong tiểu luận Phạm Quỳnh viết rằng đất nước Văn Lang bao gồm toàn bộ vùng Phú Thọ và Việt Trì, ở đấy có thể nói mỗi làng, mỗi thôn ấp đều còn lưu giữ những ký ức về triều đại quốc gia đầu tiên và quả đúng là cái nôi đầu tiên của nước Nam. Chính tại đây 500 năm trước Công nguyên, các bộ lạc Giao Chỉ đầu tiên đến từ miền Nam Trung Hoa đã định cư, tập hợp nhau dưới quyền uy của thủ lĩnh được công nhận và tạo nên cái gọi là hạt nhân về sau sẽ trở thành tổ quốc Nam Việt.

Vì vậy người nước nam xưa biết ơn các vị tổ tiên xưa của nòi giống, qua bao nhiêu thế kỷ đã không ngừng cung kính thờ phụng. Có vô số các đền thờ, miếu thờ các vị vua Hùng, nhất là ở vùng này nơi cửa ngõ của châu thổ, nơi ghi dấu giai đoạn đầu tiên trong hành trình thắng lợi của các hậu duệ người Việt trong công cuộc chinh phục toàn Đông Dương.

Trong số đó có đền Cổ Tích nổi tiếng hơn cả. Quả nhiên ở đây việc thờ phụng không chỉ mang tính chất địa phương mà là của cả quốc gia. Từ rất xa xưa đến ngày đã định, ngày 10/3, tại đây diễn ra ngày hội lớn lôi kéo một đám đông đáng kể đến từ khắp nước. Triều đình cử một vị quan, thường là vị quan tỉnh sở tại, thay mặt nhà vua cử hành nghi lễ cúng các vị tổ tiên của giống nòi. Chính phủ Bảo hộ, luôn trọng truyền thống này, hằng năm đều có một khoản tài trợ cho viên Tuần phủ Phú Thọ để tiến hành nghi lễ chính thức.

Vậy với tư cách là một kẻ hành hương hơn là những khách du ngoạn, nếu không mê đắm, thì ít ra cũng là đầy ý thức và hăng hái, dưới một màn mưa bụi báo hiệu những trận mưa phùn sẽ đến, các bạn thuộc cả ba Kỳ chúng tôi đã trèo ba trăm bậc từ chân núi Hy Cương dẫn đến ngôi đền và mộ vua Hùng trên đỉnh. Như những đứa con đầy lòng hiếu thảo tất cả chúng tôi đã thắp những nén hương truyền thống và cúi lạy trước bàn thờ đặt những bài vị ghi rõ “Bài vị mười tám đời vua Hùng của nước Việt cổ”.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh còn nhấn mạnh: “Thật cảm động khi được thấy những con người văn hóa được đào tạo trong nền giáo dục hiện đại, vốn đã xa rời các truyền thống quá khứ, nay đang thực hiện các nghi lễ tôn kính, sùng bái truyền thống này trước một tấm bài vị bằng gỗ đối với họ trong giờ phút này là biểu trưng của linh hồn tổ quốc vĩnh hằng”.

Ngày nay, câu chuyện 18 đời vua Hùng trị vì mỗi vị gần 200 năm hay chỉ khoảng 20 năm vẫn còn đang tranh cãi trong giới sử học trong và ngoài nước.

Trong ngày giỗ Tổ năm nay, hàng trăm ngàn con dân nước Việt hướng về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) cúng bái tổ tiên. Tuy nhiên, số người về dự lễ giỗ Tổ quá đông khiến cho ban tổ chức lễ hội khá vất vả để đảm bảo trật tự của một lễ hội vốn dĩ rất tôn nghiêm, thiêng liêng đã trở nên lộn xộn. Hi vọng rằng, những năm sau, lễ giỗ Tổ sẽ nề nếp, trang nghiêm hơn.