TTCT - Cách đây 20 năm, John Perry Barlow, một người đấu tranh cho quyền tự do của Internet, đã công bố “Tuyên ngôn về sự độc lập của không gian mạng”, bắt đầu bằng: “Các chính phủ của thế giới công nghiệp hóa, những gã khổng lồ sắt thép đã nhàu nhĩ, ta tới từ không gian mạng, căn nhà mới của tri thức. Đại diện cho tương lai, ta yêu cầu những kẻ thuộc về quá khứ như các người để chúng ta yên. Các người không được chúng ta chào đón và không có chủ quyền ở nơi của chúng ta”.
Chỉ 20% tự do
Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ, có vẻ như tuyên ngôn đao to búa lớn đó sắp trở thành sự thật. Giải trí và thông tin, tin tức và tri thức nói chung, một thời từng rất đắt đỏ và bị khóa chặt trong những văn phòng bụi bặm của các cơ quan chính quyền, giờ có thể tiếp cận ngay lập tức ở khắp mọi nơi. Những người trẻ tuổi hăm hở tổ chức lại không gian mạng, khiến thế giới trở nên một nơi cởi mở và kết nối hơn.
Nhưng rồi sự tự do không kéo dài được lâu. Các nhà nước không để cho những vùng lãnh thổ không được cai trị tồn tại mãi. Ủy ban Cạnh tranh của châu Âu đang nhắm nhiều cáo buộc chống độc quyền vào Google.
Apple đang mắc kẹt trong một cuộc chiến với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về quyền bảo mật của họ với các điện thoại iPhone. Các chính phủ toàn trị khác trên toàn thế giới còn mạnh tay hơn trong việc trấn áp không gian mạng, nhất là sau những cuộc cách mạng trên mạng xã hội trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập đã lật đổ hàng loạt chính phủ ở Trung Đông và Bắc Phi.
Các hệ thống ngăn chặn được dựng lên khắp nơi: Facebook và Google bị cấm ở Trung Quốc, phim ảnh khiêu dâm ở Anh, bất đồng chính kiến ở Nga...
Nhiều công ty lớn đang làm giàu dựa trên việc giúp kiểm soát người dùng và củng cố quyền lực cho chỉ một số ít, không chỉ là các chính phủ mà cả các gã khổng lồ công nghệ. Năm công ty nắm giữ gần 2/3 tổng doanh thu quảng cáo trên mạng.
Trong số hàng triệu ứng dụng hiện có thể được tải về, hầu hết mọi người không sử dụng quá 30 cái mỗi tháng. Internet thật sự mở và tự do giờ chỉ còn chiếm khoảng 20% toàn bộ không gian mạng. Phần còn lại bị chặn công khai hoặc chặn ẩn, bởi cả các chính phủ và công ty.
Dữ liệu thu thập được từ các hoạt động của người dùng Internet đang tập trung trong tay một số rất ít người. BCG, một hãng tư vấn, phán đoán rằng Internet sẽ chiếm 5,3% GDP của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2016 này, tương đương 4,2 nghìn tỉ USD, khiến cho những quyền lực đó càng thêm khủng khiếp.
Hai rủi ro
Thật ra, thứ Internet hoàn toàn mở, tự do và dân chủ mà những người lạc quan như Barlow mơ về chưa bao giờ thành sự thật. Nguồn gốc của Internet khiến điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Như Scott Malcomson giải thích trong Splinternet, cuốn sách mô tả Internet của quá khứ và hiện tại, không gian mạng “được phát triển bởi quân đội Mỹ để phục vụ cho các mục đích của quân đội Mỹ”. Bởi thế, gần như mọi công nghệ ngày nay khiến điện thoại thông minh trở thành thứ không thể thiếu đã bắt đầu như một công cụ chiến tranh.
Hiệp ước hải quân Washington, được ký không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất để hạn chế kích thước của các tàu chiến, đã không nói gì về các vũ khí trang bị trên tàu, tạo ra động cơ cho việc phát triển các cỗ máy có khả năng tính toán phức tạp và chính xác hơn.
Vụ tấn công vào Trân Châu cảng dẫn tới chiếc máy tính đầu tiên có một hệ điều hành. Màn hình máy tính hiện đại xuất phát từ nhu cầu màn hình theo dõi của hệ thống rađa.
Ngày nay thì không còn thấy rõ nữa, nhưng đã một thời gian dài mọi tiến bộ trong công nghệ máy tính, mạng và thông tin liên lạc gắn liền với những tiến bộ trong công nghệ quân sự và chiến tranh. Tới những năm 1980, quân đội Mỹ bắt đầu mất dần sự hứng thú với Internet.
Các ưu tiên chuyển hướng cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc của Chiến tranh lạnh. Đó là lúc họ buông không gian mạng ra để cho những thiên tài lập dị phía dân sự nhảy vào cuộc. Những kẻ lập dị đó giờ đã xây dựng nên những tập đoàn khổng lồ. Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft cùng vài công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, thiết lập chính sách ở Mỹ, châu Âu và toàn thế giới, trong nhiều vấn đề, từ quyền riêng tư, tác quyền, tới bảo vệ trẻ em và an ninh quốc gia.
Họ càng lớn mạnh, quyền lực nhà nước càng bị hạn chế.
Cùng với sức mạnh của những siêu tập đoàn đó, hai rủi ro trở nên rõ ràng trên không gian mạng. Đầu tiên là mối đe dọa kiểm duyệt và những tác hại khôn lường với quyền tự do ngôn luận.
Những tiết lộ của Edward Snowden năm 2013 về việc thu thập dữ liệu quy mô lớn của Mỹ và các cơ quan tình báo quốc gia khác cho thấy sự hấp dẫn của việc thu thập dữ liệu quy mô lớn là khó cưỡng lại, ngay cả ở những quốc gia tự nhận là dân chủ nhất.
Với các tập đoàn, việc thu thập dữ liệu đó vì mục đích thương mại cũng tai hại không kém, khi tin nhắn rác, thư điện tử quảng cáo và đủ thứ xâm phạm đời tư ngày càng trở nên nghiêm trọng khi thế giới của chúng ta ngày càng bị số hóa. Khi mọi người biết họ đang bị theo dõi, họ sẽ thay đổi hành vi.
Rủi ro thứ hai là sự va chạm giữa những công ty khổng lồ và những nhà nước. Từ các khoản thuế không thu được của Google, Facebook, Netflix tới an ninh quốc gia, xung đột đang ngày càng gay gắt.
Một thư điện tử bị rò rỉ mới đây cho thấy một giám đốc của Google đã liên hệ với bà Hillary Clinton thời bà còn làm bộ trưởng ngoại giao về một công cụ trực tuyến sẽ “rất quan trọng trong việc khuyến khích nhiều người (Syria) rời bỏ đất nước hơn nữa và tăng sự tự tin cho phe đối lập”. Đó không gì khác là sự can thiệp trực tiếp của một doanh nghiệp vào chính sách ngoại giao của một cường quốc, thậm chí là siêu cường.
Thật ra, sự quản trị của nhà nước theo hướng ngày càng thắt chặt với Internet là điều dễ hiểu. Một Internet có luật lệ rõ ràng, được quản trị tốt là điều tốt cho tất cả, chứ không phải một Internet tự do vô độ trong lúc lượng người dùng giờ đã là 3,3 tỉ.