Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

‘Em không biết học để làm cái gì!’

Ngân Hà/Thế Giới Tiếp Thị

“Tị nạn giáo dục” đang là dòng chảy khiến cho tất cả những ai còn băn khoăn về giáo dục Việt Nam hiện nay đều đau lòng.

Trọng tâm của giáo dục tuần qua chính là những phát biểu của tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, có nhiều điều ông nói khiến người ta nghĩ rằng ông đang nắm lại tình hình.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến hai vấn đề khiến chúng ta cần nhìn nhận thấu suốt hơn.

Niềm tin vào giáo dục và “tị nạn giáo dục”

Có rất nhiều niềm tin vào giáo dục đã bị mất, vì thế bộ trưởng mới nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của tôi là tạo được niềm tin trong nhân dân, trong xã hội. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”.

Tuần trước, giám đốc trường mầm non Tomato, Nguyễn Thuý Uyên Phương đã cảm thán khi xem hình biếm hoạ đăng trên số báo tháng 4 về chủ đề giáo dục của tạp chí‪#iAMHCMC: “Một người đàn ông ngoại quốc mang đến cho đứa trẻ Việt lời hứa hẹn về chìa khoá đi đến một xứ sở của tiền bạc, phồn hoa và tự do; mặc dù thứ ông ta có trong tay chỉ là một bịch tiếng Anh.

Đằng sau đứa trẻ, là đống học phí có từ tiền bán vàng, bán bò, bán gạo, bán sữa… (tất cả những gì có thể bán) của cha mẹ nó.
Bao nhiêu đồng tiền mồ hôi nước mắt của người Việt đã chảy ra nước ngoài để đổi lấy cho con em mình một cơ hội “tị nạn giáo dục” (mà lắm khi cũng rất hão huyền, mong manh) như thế?

Mà đây không phải là báo hay tranh của một người Việt bức xúc nào đó. ‪#iAMHCMC là báo của người nước ngoài sống ở Việt Nam chia sẻ những góc nhìn của họ về xứ sở chúng ta. Xót xa không?

Vậy nên, mọi ý tưởng khởi nghiệp tử tế trong lĩnh vực giáo dục là rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Người Việt làm giáo dục cho người Việt, tại sao không? Còn ai có thể giải quyết vấn đề của chúng ta tốt hơn chính chúng ta”.

“Tị nạn giáo dục” đang là dòng chảy khiến cho tất cả những ai còn băn khoăn về giáo dục Việt Nam hiện nay đều đau lòng.

Nó gây ra hiện tượng chảy máu chất xám và cả kinh tế khiến cho đất nước lụn bại đi vì suy yếu. Người tài đi hết, tiền đổ ra ngoài. Và điều đau lòng là chỉ có người già ở lại đang hụt hơi vì kiếm tiền cho con đi học nước ngoài để mong “đổi đời” trên xứ người.

Trong một buổi trò chuyện với một nữ doanh nhân đã có hai con học đại học, chị kể, khi con trai thứ hai học lớp 1 (lúc đó gia đình chị còn ở Hà Nội), đến ngày thứ ba, cậu về mặt mày buồn so, xin mẹ cho nghỉ học. “Sao vậy con?” – “Đi học chán lắm, con chẳng nhìn thấy gì cả, chẳng hiểu gì hết, bị cô mắng”.

Sau đó chị phát hiện con trai bị cận. Chị đưa con lên lớp xin cô giáo cho cậu ngồi trên, nhưng cô giáo nhìn chị vào nói: “Hàng ghế đầu của con cái những quan chức gởi gắm rồi, con chị là ai mà xin ngồi đấy!”

Chị bàng hoàng, rồi sau đó về xin chuyển trường cho con. Cậu con trai sau này học trường quốc tế, mặt mày rạng rỡ, hiện đã là sinh viên một trường ở Mỹ, có học bổng đàng hoàng.

Tại sao thủ khoa không xin được việc làm?

Mới đây, trước khi đến đại học Hoa Sen (ĐHHS) tham dự lễ kỷ niệm 25 ngày thành lập trường, tôi nhận một lá thư gửi đến, đọc mà buồn bã, không kém gì cảm giác xót xa khi nhìn hình biếm hoạ: “Nhận được tin không có vui.

Đó là không có bài dự thi nào từ sinh viên đại học Hoa Sen cho cuộc thi Xã hội và tôi, do trung tâm Service-Learning của ĐHHS phối hợp với các đối tác.

Mặc dù có rất nhiều bài chất lượng đã gửi về. Sinh viên ĐHHS đang thờ ơ với các vấn đề xã hội chăng? Hay do truyền thông chưa đưa được đến mọi người?…”

Và cũng hôm đó, tại đại học Hoa Sen tôi đã được nghe lời chia sẻ rất chân tình của giáo sư Phan Văn Trường, ông nói: “Tôi thấy rõ, sinh viên Việt Nam nói chung, nhất là các em mới, hầu hết đều có chung một câu hỏi rất đơn giản: “Em không biết em học để làm cái gì?”
***

“Tôi xin chia sẻ thêm, cái quan trọng nhất, khi được làm sinh viên đó là khi các bạn được hướng dẫn, sử dụng động viên, tận dụng óc sáng tạo. Hiện thời, tôi ngạc nhiên khi trong nước không ai hiểu óc sáng tạo quan trọng như thế nào. Chẳng hạn như một sản phẩm có công dụng gì đó, sinh viên chỉ chế ra công dụng thêm cho sản phẩm này đã là sự đóng góp kinh khủng. Cũng như vậy, Apple hay Microsoft đi từ con số 0 từ năm 1975, nhưng giờ này đã bá chủ thế giới và nếu họ không tiếp tục óc sáng tạo thì chỉ chừng năm năm nữa sẽ bị những công ty mà ngày hôm nay chưa sanh ra, sẽ chiếm đoạt.

Nói thế để thấy, cứ mỗi phút của cuộc đời, óc sáng tạo nó thay đổi cuộc sống như thế nào.

Thật sự ra, óc sáng tạo rất cụ thể, nó chỉ là một chuỗi nằm các thanh ngang quen mắt nhưng bỗng các em muốn sắp xếp nó khác đi, đó là các em đã khởi động óc sáng tạo rồi” – Giáo sư Phan Văn Trường