Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Chuyện “ông bán phở”

ĐÀO TUẤN

LĐO - Hôm qua, dư luận cả nước xôn xao trước vụ việc một chủ quán phở ở TPHCM bị khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép”. Lỗi của ông, chỉ là vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày. Lỗi của ông, đúng hơn là “dám” mở quán cạnh tranh với căng tin của Công an quận. Tờ SGGP, nặng nề đến mức dùng tới 3 chữ “triệt đường sống” để nói về vụ án có một không hai này.

Tháng 6.2015, 7 phút phát biểu nghị trường của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh trong phiên Quốc hội thảo luận Luật Hình sự sửa đổi đã thực sự gây chấn động dư luận. Đó là tình trạng “chỉ sơ sẩy là bị tội hình sự”. Rằng “nếu không làm rõ thì việc hình sự hóa sẽ trở thành một rào cản khó có thể khuyến khích doanh nghiệp, động viên nhân dân bỏ tiền làm ăn, đổi mới. Đó là những lo ngại trước tình trạng “không nên để tình trạng hiến pháp thì mở ra, còn các điều luật, bộ luật thì đóng lại””. Rằng “các quy định phải làm lợi cho số đông. Không thể vì một người, một hành vi nào đó mà đưa ra một tội ảnh hưởng tới số đông”. Và phút cuối trong 7 phút phát biểu nghị trường, Bộ trưởng Bộ KHĐT thẳng thắn đề nghị bỏ 2 tội danh “Kinh doanh trái phép” và “Cố ý làm trái” ra khỏi Bộ luật Hình sự.

Có thể nói, rất hiếm, quá hiếm có những ý kiến của một vị bộ trưởng đương nhiệm lại thẳng, thật đến thế. Và, phải mất một quãng thời gian, kéo dài hàng thập kỷ, Bộ luật Hình sự sửa đổi - có hiệu lực từ 1.7 tới, mới đưa ra ngoài tội “kinh doanh trái phép”, để quyền “tự do kinh doanh”, từ hiến pháp đổi mới không bị bó cứng dù “cởi mở” trong luật gốc.

Trở lại vụ việc chủ quán phở ở TPHCM bị khởi tố, một luật sư bình luận việc hình sự hóa này đang đi ngược lại tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Và ông nói “nếu cứ phát hiện người kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh là tiến hành khởi tố, thì nhà tù nào mà chứa cho nổi”. Không có dấu hiệu tội phạm vẫn bị khởi tố, bằng một tội danh bị loại ra khỏi hình luật từ 1.7 tới, trong khi vẫn “nhân danh pháp luật”.

Câu chuyện “ông bán phở”, và không chỉ ông bán phở đang cho thấy những tư tưởng đổi mới trong hiến pháp vẫn đang thiếu yếu tố cơ bản là con người thừa hành và kỷ cương để duy trì sự đổi mới ấy.