Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Cá, thép và hư danh tiến sĩ

LÊ THANH PHONG

LĐO - Cá chết ở một số khu vực ven biển miền Trung đang thu hút sự quan tâm của người dân. Dân quan tâm là phải, bởi vì đây là một hiện tượng bất thường, con cá người dân ăn hằng ngày, nếu bị nhiễm độc thì nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt, cho nên không thể vội vàng kết luận khi chưa có cơ sở khoa học. Trên nhiều trang mạng đưa tin các doanh nghiệp của nước ngoài ở Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả chất độc ra biển khiến cá chết, và thông tin này trở thành tin nóng sốt, khiến nhiều người bàn luận.

Và dân bất bình, khi Giám đốc đối ngoại Cty Formosa - ông Chu Xuân Phàm - trả lời VTC14: “Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển ở đây vẫn nhiều tôm cá”. Ông này đặt ra cho Nhà nước và người dân VN hai lựa chọn, cá hay là thép. Nói như vậy, ông Phàm công khai nhận do nhà máy thép mà tôm cá chết.

Nhưng ông Phàm nói là việc của ông, còn việc của các cơ quan nhà nước là phải tìm ra nguyên nhân, có căn cứ khoa học và chứng cứ vi phạm. Kết luận mới nhất của Bộ NNPTNT là cá chết do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Nghe qua thì tưởng mới nhưng không có gì mới, bởi vì không chỉ ra được gì cụ thể.

Dân mình nghe độc tố cực độc, sẽ không dám ăn hải sản, hàng vạn ngư dân lao đao, sản phẩm khai thác không bán được hoặc mất giá. Thông tin nước biển bị đầu độc còn ảnh hưởng đến du lịch, ai dám đến tắm biển Việt Nam khi chính dân bản xứ cho rằng biển của họ bị “ngộ độc”. Để người dân khỏi hoang mang, ngư dân ổn định sản xuất, thì các cơ quan quản lý phải nhanh chóng vào cuộc. Hơn hai mươi ngày từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, không cơ quan nào đưa ra được kết luận mà chỉ là những giả thiết. Dân chỉ toàn nhận những tin phỏng đoán.

Trong phiên họp ngày 24.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu rằng, nếu năng lực trong nước không đủ thì đề xuất hợp tác quốc tế để tìm ra nguyên nhân cá chết. Nghe ra thì hơi buồn lòng, nhưng đó mới là khoa học, không thể kết luận cẩu thả. Chỉ có điều, đất nước có nhiều giáo sư, tiến sĩ mà chuyện gì cũng đi thuê người nước ngoài, coi sao được. Chuyện cá chết càng cho thấy hư danh giáo sư, tiến sĩ nước Nam!

Trong khi chờ đợi kết luận về nguyên nhân cá chết, ít nhất các cơ quan quản lý cũng đưa ra được hướng dẫn cho người dân có nên ăn hải sản hay không, loại gì và có những cam kết với dân. Nếu cứ để tình hình “mông lung” như hiện nay, ngư dân quả là khốn đốn!