Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Bệnh lãng phí lan vào ngày giỗ Tổ

Nguyệt Anh

Petrotimes - Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Công viên văn hoá Đầm Sen (TPHCM) có “sáng kiến” làm cái bánh chưng nặng 2,5 tấn để dâng lên Quốc tổ. Để làm cái bánh chưng khổng lồ này, ban tổ chức phải huy động 50 người với nhiều công đoạn chuẩn bị các loại thực phẩm, gói, nấu bánh trong 3 ngày. Hẳn họ quan niệm bánh càng to thì lòng thành càng lớn chăng và bệnh lãng phí đã lan vào ngày giỗ Tổ.

Lâu nay ở nước ta có rất nhiều kỷ lục Guiness được công nhận và trong các kỷ lục đó có nhiều thứ rất hài hước, nhất là kiểu cao nhất, to nhất, dài nhất… Rất nhiều kỷ lục làm cho có, để tranh danh hiệu cao nhất, to nhất, dài nhất nhưng sau khi hoàn thành thì vứt đi vì không thể dùng được, rất lãng phí.

Vào ngày 13/4, Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, TP HCM) gói chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn để dâng Quốc tổ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2016. Để thực hiện cái bánh khổng lồ này ban tổ chức phải chuẩn bị 1,2 tấn gạo nếp. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết, việc làm nhằm thể hiện tấm lòng của cán bộ công nhân viên công viên hướng về Quốc tổ.

Các bộ phận tham gia nhiều công đoạn khác nhau, từ chuẩn bị nguyên liệu, gói, xây lò nấu bánh... Vào các năm trước đây, đơn vị này cũng từng thực hiện làm ra những chiếc bánh chưng lớn trọng lượng từ 100 kg đến 1,5 tấn.

Để làm chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn, phải có tổng cộng 300 kg đậu xanh dùng để làm nhân. Số đậu xanh này được nấu với gạo nếp tạo thành khối nhân cùng 200 kg thịt lợn. Riêng số lá chuối để làm gói bánh nặng tới 300 kg. Do chiếc khuôn quá to nên phải có hai người phải trèo vào bên trong khuôn để xếp các lớp lá.

Công đoạn khó khăn nhất chính là thao tác làm sao nước vẫn ngấm vào đảm bảo bánh chín. Có khoảng 40 khối nhân bánh rộng 30x30 cm, cao 10 cm được rải đều tạo thành lớp nhân thứ nhất. Chiếc bánh có kích thước một chiều 2,16 m, cao 60 cm. Tổng trọng lượng gồm khuôn và bánh xấp xỉ 3 tấn. Chiếc bánh được buộc chặt bằng dây nhựa... .. và mang tới lò nấu bằng cần cẩu.

Theo ban tổ chức thì bánh sẽ được nấu trong 70 giờ. Đến 22h ngày 15/4, công nhân sẽ vớt ra để dâng cúng Quốc tổ vào 8h sáng hôm sau (10/3 âm lịch). Sau đó, đến 10h ngày 17/4, bánh sẽ được cắt ra và mời khoảng 1.000 người cùng thưởng thức.

Mấy năm trước Công viên văn hoá Đầm Sen cũng làm bánh chưng to khổng lồ để dâng lên Quốc tổ. Trước khi bánh được chưng lên Quốc tổ, có năm ban tổ chức còn cho chở bánh chưng khổng lồ chạy vòng quanh thành phố cho người dân chiêm ngưỡng, sau đó mới về Đầm Sen cúng và cắt bánh cho mọi người thưởng thức. Nhưng nhiều du khách phản ánh là bánh ăn cực kì dở, người thì chỉ lấy được phần nếp người thì lấy được phần nhân, có khi là đậu có khi là thịt. Có năm ban tổ chức để khách vừa thưởng thức vừa mang về nhưng vẫn còn dư nửa cái bánh chưng khổng lồ.

Rất nhiều người cho rằng đây là việc làm không hề có chút sáng tạo. Ý tưởng cũ kỹ. Bánh làm ra chắc chắn không thể ngon như kích thước bánh truyền thống. Chưa kể rất nhiều trường hợp bánh trưng bày xong thì bị hỏng, mốc, thiu, phải vứt bỏ, trong khi còn vô số người nghèo khổ không có ăn.

Và thay vì làm cái bánh chưng khổng lồ, với số tiền đó ban tổ chức có thể làm hàng ngàn cái bánh kích thước như bánh chưng truyền thống, cúng lễ dâng Quốc tổ mấy cặp bánh. Số bánh còn lại đem làm từ thiện, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi, người già neo đơn... thì chắc chắn sẽ ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều để làm một cái bánh khổng lồ rồi lãng phí.

Câu chuyện chạy đua lập kỷ lục cao nhất, to nhất, dài nhất ở nước ta từ lâu không còn là điều xa lạ, trường hợp chiếc bánh chưng khổng lồ 2,5 tấn nhân dịp giỗ Quốc tổ Hùng Vương không phải là trường hợp hiếm. Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp tư duy kỷ lục Guiness hiện khá phổ biến ở nước ta, đến cả tượng đài người ta cũng phải xây cái to nhất, gây nên sự lãng phí vô cùng lớn.