Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng... vào tháng 7

Hoài Thu (Thực hiện)

Giao Thông - Những người vừa được bầu giữ các vị trí chủ chốt, nếu không trúng cử ĐBQH khóa XIV thì nghiễm nhiên sẽ thôi giữ chức vụ đó.

Tuần qua, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII đã tiến hành miễn nhiệm và bầu người thay thế giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Tất cả những người vừa được giao đảm nhận trọng trách đều là ĐBQH khóa XIII. Ngày 22/5 tới đây, cử tri mới đi bỏ phiếu bầu ra 500 ĐBQH khóa XIV. Điều đó đồng nghĩa với việc 3 tháng nữa, Quốc hội khóa mới sẽ phải tiến hành bầu các chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ nhất dự kiến diễn ra vào tháng 7.

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, việc miễn nhiệm lần này không phải do các chức danh chủ chốt xin từ nhiệm sớm. Vậy vì sao lại phải kiện toàn nhân sự ngay trong kỳ họp này, chứ không đợi đến tháng 7 khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII kết thúc và Quốc hội khóa mới ra mắt?

Yếu tố tự nguyện xin nghỉ chỉ là một nội dung, mà chủ yếu do nhu cầu công việc, do sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Hơn nữa, Quốc hội có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức những người do mình bầu.

Trong thực tiễn chúng ta thực hiện điều đó nhiều lần rồi. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhu cầu phân công, sắp xếp, bố trí, kiện toàn lại bộ máy Nhà nước để bảo đảm sự lãnh đạo, bảo đảm sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước là hết sức cần thiết. Cho nên phải tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại nhân sự ngay trong kỳ họp này cho phù hợp.

Các chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII là của nhiệm kỳ 2011-2016. Vậy, Quốc hội khóa XIV sẽ phải tiếp tục bầu và phê chuẩn các chức danh này tại kỳ họp vào tháng 7 sắp tới, thưa ông?

Đúng vậy. Thực hiện chủ trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng thì chúng ta phải kiện toàn lại bộ máy Nhà nước để đảm bảo đồng bộ giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn lần này là của Khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khóa XIV, chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan Nhà nước.

Theo luật định, nhiều vị trí yêu cầu người được bầu giữ chức vụ phải là ĐBQH. Với nhiều người vừa được bầu, nếu trong đợt bầu cử Quốc hội XIV sắp tới mà không trúng cử ĐBQH thì nghiễm nhiên họ không tiếp tục đảm nhiệm vị trí?

Điều này tùy thuộc từng vị trí. Với chức vụ yêu cầu phải là ĐBQH thì mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn giữ chức vụ đó. Nếu ai đó trúng cử tại kỳ bầu cử sắp tới thì tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ. Người nào không trúng cử thì sẽ được bố trí công việc khác. Vì luật quy định người giữ vị trí đó đương nhiên phải là ĐBQH. 

Điều đó có nghĩa là những người vừa được bầu giữ các vị trí chủ chốt, nếu không trúng cử ĐBQH khóa XIV thì nghiễm nhiên thôi giữ chức vụ, thưa ông?

Luật yêu cầu vị trí đó phải là ĐBQH thì ai không phải là ĐBQH khóa XIV thì không giữ vị trí nữa. Đến tháng 7/2016, Quốc hội khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên thì người đó đương nhiên hết nhiệm kỳ. Trong trường hợp đó, Đảng, Nhà nước sẽ bố trí người đó vào vị trí khác không yêu cầu phải là ĐBQH. 

Tại kỳ họp vào tháng 7 tới đây, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ tiếp tục thực hiện tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu?

Đương nhiên, vì các chức danh này sau khi được bầu tại Kỳ họp thứ nhất diễn ra vào tháng 7 là của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2020. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao nếu vào đầu khóa được bầu thì tiếp tục tuyên thệ.

Cảm ơn ông!