Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Bánh chưng khủng, tham khủng và trí nhớ tồi

Kỳ Duyên

VNN - Đành xin mượn ý câu thơ buồn và tự trào của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Dân 90 triệu ai người lớn/ Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con.

Thật ra thì trong nhân loại từ xưa đến nay, từ quốc gia cho đến con người, tham vọng khẳng định mình là “nhất”: Giỏi nhất, đẹp nhất, lớn nhất... là tâm lý rất đỗi thường tình. Thế nhưng, cũng không phải vô lý khi đời sống vẫn luôn có những thành ngữ, mang tính triết lý răn dạy con người tỉnh táo, sáng suốt ngay trong chính tham vọng “nhất” ấy. Đó là biết đủ là đủ; biết người biết ta…

Bởi nếu không, lời khen thì ít lời chê thì nhiều. Thậm chí trở thành chuyện cho thiên hạ đàm tiếu cũng nên.

Từ bánh chưng, bánh dày mốc, hủ tiếu thiu đến…. xôi đậu?

Đó cũng chính là câu chuyện của chiếc bánh chưng khủng 2,5 tấn do Công viên Văn hóa Đầm Sen (t/p HCM) tổ chức gói, làm lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mới đây. Chiếc bánh chưng cần tới 1,2 tấn nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt heo, 300 kg lá chuối và 50 kg lá dong, được đun nấu liền tù tì 04 ngày đêm, phải có xe cẩu di chuyển. Tính ra, chiếc bánh chưng này ngốn hết 160 triệu đồng, trong đó tốn nhất là khuôn bánh, lò (100 triệu đồng), còn lại chi phí cho bánh 60 triệu đồng.

Không biết, chiếc bánh được thắp hương dâng cúng, Vua cha thưởng thức có … khen ngon không? Chứ nếu nhìn ảnh trên các trang mạng XH, khi bánh được dỡ ra, thú thật, người viết bài và rất nhiều bạn đọc chỉ có cảm giác ghê ghê. Vì nó không phải là miếng bánh chưng, có dùng lạt cắt cũng vuông thành sắc cạnh, màu bánh xanh ngọc bích, thơm phức mùi nếp, mùi lá dong. Bánh chưng khủng sau khi dỡ ra nhão nhoẹt, màu vàng vàng của đậu, của gạo hỗn hợp, rất khó tả. Nếu có chia ra hộp xốp thì rút cục người thưởng thức cũng chỉ được món…. xôi đậu?

Xin hãy đọc một vài comment của bạn đọc đăng trên VietNamNet, ngày 20/4 để hiểu các góc nhìn khác nhau về bánh chưng khủng trị giá tới 160 triệu đồng ra sao:

-Sẽ có người ăn nguyên 01 tảng nếp, người ăn nguyên 01 tảng đậu xanh. Và biết đâu mình dò dẫm tới đó lại được cho 01 tảng mỡ! (Nguyễn Huyền)

-Úi giời cái này hôm qua VTV cũng đưa lên rồi và thấy có người bước vào bên trong xếp lót lá dưới nền nữa, chả biết chân đi bằng cái gì (Linh hồn đã mất)

- Mất vệ sinh quá, nhìn hình ảnh mà xem (Hoang Van Hung)

Dư luận XH hẳn chưa hề quên vụ việc bánh chưng, bánh dày khủng năm 2008, cũng do Công ty văn hóa Đầm Sen dâng cúng vào ngày Giỗ Tổ. Chiếc bánh chưng gần 02 tấn, chiếc bánh dầy nặng gần 01 tấn. Rút cục, bánh chưng bị vữa, lên men, bánh dầy bị mốc xanh. Đặc biệt, bánh dày thật ra chỉ có lớp bột mỏng bên ngoài, bên trong hoàn toàn bằng mút xốp.

Có lẽ vì ấn tượng… khó quên đó, mà năm nay, tỉnh Phú Thọ, trước  ngày Giỗ Tổ, trong cuộc họp báo, ông Hà Kế San (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2016) đã phải “loa…loa…loa…chiềng làng, chiềng nước”, lễ hội thuộc hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mĩ tục của người Việt, chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa, không có chuyện bánh chưng bánh dày khủng tồn tại trong Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương năm 2016 (Dân Việt, ngày 30/3)

Và có lẽ vì thế, mà người dân ở t/p HCM năm nay mới có cơ hội thưởng thức… xôi đậu?

Dư luận XH hẳn cũng chưa hề quên, chỉ vì tham vọng “lớn nhất, to nhất” mà trước đó, tháng 02/2015, tô hủ tiếu “kỷ lục lớn nhất” VN được xác lập tại Hội Hoa xuân t/p Sa Đéc (Đồng Tháp), có đường kính 1,5 m, sâu 0,7 m, được nấu bằng 100kg hủ tiếu gạo, 100kg tôm, thịt, 60 lít nước súp và các loại rau, gia vị khác, sau đó đã phải… đổ đi vì thiu không ăn được?

Kỷ lục còn có ý nghĩa gì nếu cái to nhất, lớn nhất đó bị chính cộng đồng phản ứng, đàm tiếu? Chả lẽ chỉ những người lập kỷ lục đó tự sướng với nhau?

Vậy nhưng trước phản ứng của XH, nhà báo Hoàng Linh trên FB của mình cho biết, ông Nguyễn Hữu Trung, PGĐ Đầm Sen quyết định Giỗ Tổ năm sau sẽ làm cái bánh chưng… to hơn, rồi làm bánh trung thu khổng lồ vào dịp Tết Trung thu.

Đành xin mượn ý câu thơ buồn và tự trào của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Dân 90 triệu ai người lớn/ Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con.

Nếu không lễ hội, cạp đất mà ăn à?

Người viết xin không bàn về hàng loạt bài viết trên các báo, nhân dịp này bàn về gốc gác tổ tiên của Vua Hùng, kiểu “Ông Nội” Vua Hùng là ai? "Có 18 đời vua Hùng, vậy mùng 10 tháng 3 là giỗ vị vua nào"? Rồi thậm chí, GS Lê Văn Lan: '10/3 không phải ngày gốc Giỗ Tổ Hùng Vương'.

Cho dù, có vẻ như các nhà sử học VN hiện có phần lảng tránh lý giải những câu hỏi hóc búa, cũng bởi chuyện sử đâu phải chính sử, mà nhiều khi chỉ là huyền sử. Tỷ như theo PGS.TS. Phạm Văn Khoái (Đại học KHXH&NV), tất cả nhân vật như Vua Hùng, Kinh Dương Vương đều là những nhân vật huyền thoại. Khi đã là huyền thoại thì không thể giải thích bằng logic ý chí.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan điểm của ông chỉ dừng lại thời Vua Hùng, không nên tìm hiểu sâu về chuyện “ông nội” của Vua Hùng, vì không cần thiết. Nếu lần ngược lên không biết đi đến đâu cả (Báo Giao thông, ngày 15/4).

Người viết cũng không bàn cả chuyện người xe như nước áo quần như nêm, giống sự hành xác hơn trong ngày Giỗ Tổ? Mà GS Lê Văn Lan đã phải kêu lên khủng khiếp quá, may mà không chết ngạt.

Nhưng ngoại trừ Giỗ Tổ Hùng Vương- lễ hội quốc gia, đã được nhà nước chính thức công nhận, quy định nghỉ lễ, chỉ xin bàn tới hiện tượng “phong trào lễ hội” ở nước Việt đã và đang trở thành đề tài dư luận XH bàn luận ồn ào, mỗi năm sau Tết âm lịch, kéo dài hết quý I, và cứ đến hẹn lại lên.

Và cũng xin mượn “ranh ngôn” của cô người mẫu chân dài Ngọc Trinh không có tiền, cạp đất mà ăn à, để lý giải câu hỏi thắc mắc, tâm tư của GS Võ Tòng Xuân, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, và ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban CH Hiệp Hội Lữ hành VN trước hiện tượng lễ hội ngày càng nhiều. Khi ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng: Quá nhiều lễ hội, ngườiViệt mắc 'hội chứng bầy đàn'. Còn GS Võ Tòng Xuân, nhận định: Quá nhiều lễ hội,VN đang cổ súy cho sự lười biếng. Thực ra, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài và là hệ lụy của “phong trào lễ hội” mà thôi. Thực chất hiện tượng “phong trào lễ hội” nằm ở đâu?

Người ta đã thống kê, năm 2009, Việt Nam có 7.966 lễ hội, thế nhưng, chỉ qua 07 năm, số lượng lễ hội đã vượt quá con số 8.000, nhiều nhất là lễ hội dân gian, kế đến là tôn giáo, lịch sử (Đất Việt, ngày 20/4). Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc của người Việt đổ vào những lễ hội của tháng ăn chơi. Giờ nên đổi thành Quý I là quý ăn chơi. Báo chí viết mỏi tay, nói mỏi miệng. Nhưng mặc, người cứ nói, lễ hội cứ… tiến.

Lễ hội với bất cứ quốc gia nào cũng phản chiếu đời sống văn hóa và tâm linh quốc gia đó, nhất là ở phương Đông, nơi những quốc gia đang phát triển, như nước Việt mà hành trình lịch sử trải qua quá nhiều dâu bể. Con người đối mặt với quá nhiều thử thách khắc nghiệt, không chỉ trông vào sức mạnh chính mình, mà còn trông vào cả sức mạnh tâm linh. Chả thế, ngay trong ca dao, người Việt cũng phải Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

Nhất là khi con người mất niềm tin bởi những bất an trong đời sống, niềm tin ở tâm linh, trông vào thánh thần càng trở nên mạnh mẽ.

Nhưng cũng rất nhanh chóng, thời kim tiền này, lễ hội cũng là một cơ hội mà chính quyền cơ sở của không ít địa phương tìm ra “lợi ích” của chính mình. Một khi lễ hội đã “sinh lợi”, thì sẽ rất nhanh, không chỉ nhà nhà lễ hội, mà làng làng lễ hội. Tính “bầy đàn” Gs Võ Tòng Xuân nhận xét phải chăng là ở ý nghĩa này?

Người viết chú ý đến những nhận xét của Ts Ngô Đức Thịnh, nguyên GĐ Trung tâm nghiên cứu, văn hóa tín ngưỡng VN trả lời báo Tiền Phong 04 năm trước đây (ngày 06/2/2012), vẫn nguyên tính thời sự của nó.

Đó là, lễ hội hiện nay đang đứng trước thực trạng đơn điệu hóa, làng này giống với làng kia, tỉnh này giống tỉnh nọ. Bị trần tục và thương mại hóa trắng trợn. Nhưng nhất là bị “nhà nước hóa” quá đậm. Người ta đến lễ hội với tất cả sự thực dụng, chỉ cầu xin tài lộc, chức quyền. Còn nơi tổ chức lễ hội cũng rất thực dụng, chỉ nhằm kiếm chác, tìm cách chặt chém, làm sao được lợi nhất!

Niềm tin tâm linh, vô tình đặt gọn trong tay những động cơ kiếm tiền.

Thế nhưng làm sao “hóa giải” được những lợi ích nhóm lớn, nhóm nhỏ này? Không có lễ hội, cạp đất mà ăn à?

Lễ hội, hội hè, ăn chơi nhiều, thì lao động sẽ giảm sút. Đó là logic của vấn đề. Và liệu điều đó có liên quan gì tới thông tin mới đây không? Đó là tăng trưởng (GDP) của quý I/2016, chỉ đạt 5,46%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra (Dân trí, ngày 21/4).

Trí nhớ tồi…

Giữa dư âm ồn ào về lễ hội, có hai ý kiến rất đáng chú ý liên quan đến tiết kiệm. Ý kiến thứ nhất của ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) đề xuất nên "Lập hòm nợ công" để nhắc nhở mỗi người dân VN đang cõng 29 triệu nợ công, ý thức tiết kiệm.

Còn Phó Gs. TS Nguyễn Văn Nam lại cho rằng hòm nợ công đó nên đặt ngay trên bàn lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành từ TW tới địa phương, nhắc nhở các vị khi đặt bút ký đầu tư một dự án hay đưa ra một quyết định nào, cũng phải nhìn vào bối cảnh nguy khó của ngân sách quốc gia mà quyết định. Theo ông Nam, nếu tính toán đầy đủ, con số nợ công này phải gấp đôi, tức là 58 triệu/mỗi người (Đất Việt, ngày 20/4).

Còn trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu tổ chức Đảng đã yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, mà dư luận xã hội quan tâm. Nhất là những vụ án như vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam; vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương; vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm…

Đó mới chỉ là những vụ án phản ánh phần nào nạn giặc “nội xâm” tàn phá XH này. Cũng là nỗi đau nhức nhối nhất của người dân Việt lương thiện, mong muốn XH phát triển lành mạnh, thanh danh quốc gia được bảo toàn giữa thế giới hội nhập đa chiều.

Nhức nhối không kém, theo khảo sát PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN) do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại VN và một số tổ chức trong nước công bố mới đây cho thấy những kết quả đáng lo ngại, sau khi thu thập ý kiến đánh giá của gần 14.000 người dân cả nước trong năm 2015.

Theo đó, so sánh qua các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở VN năm 2015 có xu hướng suy giảm đáng kể.

Đặc biệt, điểm chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” và “Kiểm soát tham nhũng” giảm mạnh- hơn 7% so với năm trước. Kết quả khảo sát PAPI năm 2015 cũng cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở VN. Đáng chú ý, động lực và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong giới chức và người dân có xu hướng… giảm dần. Tham nhũng là một trong ba nhóm vấn đề người dân quan ngại nhất (Tuần Việt Nam, ngày 17/4).

Chả lẽ chống tham nhũng ở XH này lại theo kiểu một bước tiến ba bước lùi?

Hiện tượng này chả có gì lạ. Nếu biết rằng, theo GDVN, ngày 17/4, bên lề cuộc họp của Thanh tra CP, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, việc kê khai tài sản hiện tại còn mang nặng tính hình thức. Chủ yếu dựa vào tính tự nguyện, tự giác của cán bộ. Trong khi đó, lại chưa có chế tài xử lý mạnh người kê khai tài sản thiếu trung thực, hoặc không kê khai. Mức xử phạt chỉ dừng lại ở việc xử hành chính, cao nhất là cách chức. Đã thế, việc kê khai tài sản lại không có sự giám sát của các tổ chức đoàn thể- đây là biện pháp cần thiết- dẫn tới việc kê khai chỉ để cho có.

Có lẽ vì thế, mà cha ông ta từ ngàn xưa đã cảnh báo cái sự … trung thực của kẻ tham nhũng hôm nay bằng câu lưỡi không xương lắm đường lắt léo.

Tham nhũng, cùng với lợi ích nhóm, là một trong những loại giặc thật lì lợm.

Bởi vậy người viết cho rằng, ý kiến “Lập hòm nợ công” để nhắc nhở sự nguy khó của đất nước, xem ra rất khó có hiệu quả. Bởi trí nhớ người Việt "hơi bị tồi".

Trí nhớ tồi nên lợi ích nhóm mới thi nhau tồn tại, quên rằng lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia mới là cao nhất.

Quên rằng, địa phương lẫn đời sống dân còn rất nghèo nhưng nhiều vị vẫn thản nhiên ký cọt các dự án ngàn tỷ.

Quên rằng nước Việt đang có nguy cơ sa bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu, năng suất lao động của người Việt thua cả các nước diện tích nhỏ, dân số ít.

Thế cho nên, mọi thứ to nhất, lớn nhất, khủng nhất, như bánh chưng, bánh dày, tô hủ tiếu khủng…, cũng chỉ là sự vô nghĩa và bé mọn.