VNExp - Đằng sau lời xin lỗi của Formosa là một sự thật ít người muốn nhắc tới.
Nhiều năm trước, một đồng nghiệp trẻ dẫn tôi về thăm làng Đường Lâm quê anh. Đó là một ngôi làng nổi tiếng bởi những nếp nhà xưa. Ngôi nhà của cha con người bạn tôi cũng là một ngôi nhà cổ rất đẹp.
Anh con trai, khi đó là một nhà báo trẻ và nổi tiếng muốn cha giữ lại ngôi nhà của tổ tiên để tiếp tục tự hào. Người cha muốn phá đi xây một ngôi nhà mới, để có thể lắp điều hòa chống cái nóng Sơn Tây, và người cha thì cũng muốn tự hào vì có ngôi nhà mới. Họ, chẳng có sự lựa chọn thuận hòa nào khi niềm tự hào đã khác nhau. Họ cãi nhau, và tôi nhận thấy sự viển vông trong niềm tự hào ích kỷ của người con trai, bởi anh ta không sống cùng với nó.
Tôi nhớ câu chuyện cha con dưới bóng ngôi nhà xưa mỗi khi nghe những bản báo cáo thành tích công nghiệp hóa của một địa phương. Tôi nhớ câu chuyện cha con dưới bóng ngôi nhà xưa khi nhìn hình ảnh dàn lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi với sự “lỡ mồm” của người giám đốc đối ngoại, ngày hôm kia. “Nhiều khi được cái nọ thì mất cái kia. Đấy là anh nói thật lòng!”- khi Chu Xuân Phàm, người đại diện của Formosa “lỡ miệng” mà “thật lòng” ông ta không thể ngờ nó sẽ gây ra nhiều cảm xúc tiêu cực đến thế với người dân Việt Nam. Nhưng tôi nhìn thấy ở đó một sự thật khác. Một sự thật đã bị bỏ qua suốt hơn một phần tư thế kỷ bởi hào quang lấp lánh của những chỉ số tăng trưởng.
Sự thật thì Formosa cũng giống như gần hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam trong gần 30 năm qua. Trong sự thật đó thì có một nửa là số tiền hơn 200 tỷ USD thu hút được từ FDI gần 30 năm qua luôn được coi là thành tích trong các bản báo cáo. Một nửa còn lại của sự thật, là những điều buộc phải đánh đổi để có được thành tích thu hút đầu tư ấy. Các bản báo cáo thành tích không như phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, các bản báo cáo thành tích ít khi đề cập sự lựa chọn.
Không thể phủ nhận những đóng góp từ nguồn vốn FDI vào thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng nguồn vốn FDI không phải đến từ những quỹ từ thiện, nó không tự nhiên chảy vào Việt Nam. Nó đến từ cuộc đua “trải thảm đỏ” vô tiền khoáng hậu giữa các địa phương. Đầu tiên là những khu công nghiệp được xây dựng trên những khu đất thuận lợi nhất về giao thương ở Hà Nội và TP HCM, rồi các tỉnh thành lân cận. Ở TP HCM là Đồng Nai, Bình Dương; ở Hà Nội là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đều là bờ xôi ruộng mật bám mặt tiền những con đường quốc lộ.
Cuộc đua “trải thảm đỏ” không chỉ dừng lại ở mặt bằng đất đai mà còn được cạnh tranh một cách sôi động bằng các ưu đãi thuế, và sự thoáng đãng trong các quy định cũng như cơ chế giám sát đối với nhà đầu tư. Thoáng đến mức mà ở Đồng Nai, Vedan có thể xả thải ra sông Thị Vải trong nhiều năm và chỉ bị phát hiện khi đẩy hàng nghìn người dân rơi vào cảnh mất nghiệp, thoáng đến mức mà ở Khánh Hòa chính quyền địa phương thậm chí còn cãi nhau với Bộ TNMT để ủng hộ Huyndai nhập xỉ đồng, một loại tạp chất đầu độc đất đai. Thoáng đến mức mà ít người để ý, 75% trong số 5.000 cuộc đình công của công nhân là đến từ khu vực FDI từ năm 1995 đến nay.
Cuộc đua thu hút FDI đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương, đã tạo nên những bản báo cáo thành tích đẹp, đã giúp nhiều lãnh đạo địa phương trở thành ngôi sao. Nhưng cái giá phải trả cho điều đó cũng không hề nhỏ. Theo báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tính đến năm 2013 thì FDI đã tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp, khoảng từ 3 đến 4 triệu lao động gián tiếp. Một con số thoạt nhìn thì ấn tượng nhưng chỉ chiếm 3,4% lao động có việc làm. Trong khi đó, không có một con số thông kê nào chỉ ra có bao nhiêu triệu lao động khác đã phải ly hương vì mất nghiệp, bao nhiêu nghìn làng quê trở nên quạnh vắng gây ra hàng loạt hệ lụy về xã hội.
Cơn sốt “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư FDI đúng là đã biến Việt Nam trở thành một lực hút đầu tư nhiều năm qua. Nhưng bên cạnh đó, cơn sốt này cũng tạo ra những hệ lụy, trước mắt là đời sống của hàng triệu con người, sau là những hoài nghi bất tận về môi trường sau đại án Vedan. Nhưng đó không phải lỗi của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, cũng như vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đều vì lợi ích. Họ vào Việt Nam, bởi họ đạt được lợi ích của mình, hay nói cách khác, Việt Nam sẵn sàng trả giá cao hơn để thu hút đầu tư. Và để có thể tự hào về thành tích thu hút đầu tư, người ta buộc phải bỏ qua, lờ đi, hoặc quên những cái giá phải trả.
Đó là một sự đánh đổi âm thầm mà ông Chu Xuân Phàm đã “lỡ mồm” nhắc đến. “Nhiều khi được cái nọ thì mất cái kia”. Câu nói “lỡ mồm” của ông Chu Xuân Phàm không chỉ là chuyện riêng của Formosa ở Vũng Áng, đó là một lời nhắc nhở mà lẽ ra phải xuất hiện bên cạnh những bản báo cáo về thành tích thu hút đầu tư nước ngoài. Đấy là ông Phàm “nói thật lòng”.
Formosa đã xin lỗi. Nhưng ngoài lời xin lỗi của Formosa, người dân Việt Nam có thể nhận thêm cả lời nhắc nhở ấy. Lời nhắc về việc điều chỉnh chính sách đầu tư, để không đánh đổi những chỉ số phát triển với những mất mát đang hiện hữu từng ngày.