Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Ăn xong rồi chết dần dần, gọi là “chết đúng qui trình”

Khánh Hồng

Dân Trí - "Thành phố có hàng trăm héc-ta rau sạch, rau sạch này bán ở đâu, địa chỉ nào, chỉ cho dân đến mua. Không biết rau sạch hay là dơ thì cứ ăn, ăn xong rồi chết dần dần, gọi là "chết đúng qui trình"", Bí thư Quận ủy Thanh Khê, Đà Nẵng nói.

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 4 ngày 13/4, ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê cho hay, hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề xã hội đang lo ngại. Trong công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng kêu gọi người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái”, tuy nhiên chỉ xác định thịt bò thật hay giả cũng không phải dễ.

“Mới đây, trên địa bàn thành phố đã phát hiện chất vàng ô có trong măng và dưa cải, ai cũng giật mình. Bây giờ cứ kiểm tra rồi, bắt được vụ này vụ khác nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Thành phố có hàng trăm héc-ta rau sạch, rau sạch này bán ở đâu, địa chỉ nào, chỉ cho dân đến mua. Không biết rau sạch hay là dơ thì cứ ăn, ăn xong rồi chết dần dần, gọi là “chết đúng qui trình””, ông Trung nói.

Ông Trung đề nghị thành phố cần công bố những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch và công khai danh tính, địa chỉ chủ cơ sở kinh doanh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi người dân được biết.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố quy hoạch 5 vùng chuyên trồng rau nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố. Mỗi năm, thành phố có nhu cầu tiêu thụ lượng thực phẩm rất lớn, trong khi đó lượng thực phẩm tự sản xuất được rất ít, hầu hết phải nhập về từ nơi khác, trong đó một lượng lớn được nhập từ Trung Quốc.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Xuân Anh, năm 2015, Đà Nẵng phát hiện 92 cơ sở kinh doanh rau củ quả vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Xuân Anh yêu cầu Sở Công thương, nếu phát hiện tiểu thương, hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm bẩn thì kiên quyết xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, thành phố sẽ lập lại Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành viên Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm lần này phải là cấp trưởng ở các sở ngành, quận huyện chứ không phải cấp phó. Thành viên là giám đốc các Sở Y tế, Công thương, Công an…và chủ tịch các quận, huyện.

Lần này, một Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ làm trưởng ban, có cơ chế báo cáo trực tiếp với Thường trực Thành ủy và đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.