(PL)- Nguyên tắc này đã được hiến định và trở thành biểu tượng của một nhà nước pháp quyền, một thể chế lấy việc tôn trọng quyền con người làm nền tảng và lý do tồn tại.
Còn nhớ, ngày 2-7-2011, thiếu nữ Phạm Thị Mỹ Linh lúc đó 18 tuổi, được mẹ chở đi học thêm. Mẹ Linh đã đi ngược chiều trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM và bị CSGT thổi phạt. Không đủ giấy tờ mang theo, mẹ Linh bị CSGT lập biên bản. Bà đã xé giấy tờ của CSGT. Linh cũng xông vào tát CSGT đang làm nhiệm vụ. Cáo trạng sau này cho hay Linh đã tát CSGT bốn cái. Rất nhanh sau đó, ngày 19-7-2011, cơ quan điều tra đã hoàn tất cáo trạng tội chống người thi hành công vụ đối với Linh. Cũng rất nhanh sau đó, ngày 23-8-2011, Linh bị đem ra xét xử lưu động về tội chống người thi hành công vụ như đã nói trên.
Tại phiên tòa đó, VKSND quận 12 đã đề nghị tuyên phạt Linh 6-9 tháng tù. Hai mẹ con Linh đã nhận ra sai sót và mong tòa rộng lượng xử nhẹ để Linh có thể tiếp tục đi học, rèn luyện trở thành người tốt. Nhưng pháp luật nghiêm minh, tòa đã tuyên phạt Linh mức án cao nhất mà VKSND quận 12 đề nghị: Chín tháng tù. Linh và mẹ đã rất bình tĩnh lúc tuyên án. Nhưng khi biết Linh sẽ bị giam thì cả hai mẹ con Linh mới bàng hoàng, ngất xỉu.
Mấy ngày vừa qua, dư luận cũng nảy sinh ý kiến nhiều chiều về vụ việc anh cảnh sát khu vực phường 4, quận 6 tung đòn quật ngã thanh niên bán hàng rong. Thanh niên bán hàng rong phải nhập viện vì bị xuất huyết não. Nhiều ý kiến nhận định việc anh công an, khi đã tung đòn hạ gục anh bán hàng rong thì cũng là lúc anh vượt qua giới hạn của nhân viên công vụ. Cũng đã có ý kiến cho rằng chỉ khi nào thương tích của anh bán hàng rong đạt từ 11% trở lên thì lúc đó mới... “có chuyện” với anh công an.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì chúng ta cũng phải tin rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và sự bình đẳng đó phải được tuân thủ.