Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Vụ giám đốc Sở mất trộm chim: Xử lý hình sự là phá lệ?

Anh Thế (thực hiện)

Dân Trí - “Các đối tượng đột nhập biệt thự của ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam để trộm chim đang phải đối mặt với mức án từ 2 - 7 năm. Nhưng trong việc này lại cũng có sự bất cập, khi so sánh giữa xử lý các đối tượng trộm chim với các đối tượng trộm chó. Các vụ trộm chó thường không đủ căn cứ để có thể xử lý được hình sự. Vì thế, nếu xử lý hình sự đối với các đối tượng trộm chim thì rõ ràng là một bước mang tính chất… “phá lệ””, luật sư Trương Anh Tú nhận định.

TAND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đang thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét xử vụ án Bùi Quang Minh Tấn, Nguyễn Văn Tùng (cùng 23 tuổi), trú tại xã Tam Đàn, Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam về hành vi đột nhập biệt thự của gia đình ông Lê Phước Hoài Bảo, trộm chim cảnh bán lấy tiền.

Theo cáo trạng, chiều 14/7/2015, Bùi Quang Minh Tấn rủ Nguyễn Văn Tùng vào thành phố Tam Kỳ ăn trộm. Biết ông Lê Phước Hoài Bảo nuôi nhiều chim quý, khi phát hiện sơ hở của chủ nhà hai bị can quyết định thực hiện hành vi trộm cắp chim.

Quá trình thực hiện, Tùng đứng ngoài giữ xe làm nhiệm vụ cảnh giới, còn Tấn leo qua tường rào vào sân vườn nhà ông Bảo lấy trộm hai lồng chim chào mào. Hai con chim này, các đối tượng mang bán được 2 triệu đồng.

Ba ngày sau khi thực hiện “phi vụ” trên, Tùng và Tấn quay lại, và thừa cơ lẻn vào lấy trộm một lồng chim chào mào khác, đang trên đường đi tiêu thụ thì bị công an phát hiện. Sau khi định giá, cơ quan điều tra xác định trị giá của ba con chim chào mào khoảng 9 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định, hành vi của Tấn và Tùng đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Tấn và Tùng có thể phải đối mặt mức án từ 2 đến 7 năm tù do có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và, tái phạm….

Nhận định về nội dung vụ án, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Có thể nhận thấy hiện tại cơ quan chức năng đang bế tắc lúng túng trong việc xử lý hành vi trộm cắp các vật nuôi, vật cảnh trong nhà. Cụ thể, vướng trong việc xác định giá trị vật chất của vật nuôi, thú cảnh. Ở góc độ quản lý, thì bản thân Nhà nước hiện không định giá vật nuôi, thú nuôi; Bộ Tài chính, Cục quản lý giá cũng chưa có hướng dẫn hay cơ chế về vấn đề định giá áp dụng đối với các trường hợp này.

Chính vì vậy, khi giải quyết những sự việc liên quan đến hành vi trộm cắp các vật nuôi, thú nuôi trong nhà đều không tránh khỏi những “băn khoăn”. Để xác định mức độ hành vi của đối tượng thuộc trách nhiệm hình sự hay hành chính, thì chúng ta áp dụng theo giá nào? Giá thị trường hay giá… “áp đặt?”.


Theo luật sư Tú, những vụ trộm cắp chó, một loại vật nuôi rất thân thiết với con người, có những người mua con chó cảnh đến cả trăm triệu đồng, nhưng khi bị kẻ trộm bắt mất, phát hiện ra kẻ trộm thì cách xử lý thông thường là: Cân con chó (tang vật) lên, trọng lượng nặng 10kg chẳng hạn, và thời giá ở địa phương tính khoảng 70 hoặc 80 nghìn/kg thịt. Thì xác định ra giá trị tang vật trộm cắp chưa đến 1 triệu đồng. Trong khi quy định tại bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu trở lên mới bị khởi tố, mới thỏa mãn dấu hiệu tội phạm. Và hầu hết các vụ trộm chó đều không xử lý hình sự, trừ trường hợp trộm cắp số lượng lớn, hoặc đã bị xử lý hành chính (bị phạt tiền) mà vẫn tái phạm. Còn nếu trộm chó lần đầu rất khó xử lý hình sự.

“Quay trở lại sự việc ông Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam mất chim, mặc dù trong vụ đó cơ quan chức năng đã nhanh chóng phát hiện, bắt giữ được hai đối tượng trộm cắp. Và phát hiện có hai vụ trộm, thứ nhất các đối tượng lấy lần đầu được 2 con chim, và thứ hai, ba ngày sau các đối tượng này quay lại lấy thêm 1 con chim nữa. Nhìn hình thức có thể thấy các đối tượng gây ra hai vụ trộm trở lên là… số nhiều, nên cần thiết bị xử lý hình sự. Nhưng xét về bản chất, việc xử lý hình sự đối với các đối tượng này có thỏa đáng hay không cần phải xem xét thấu đáo. Bởi lẽ, các đối tượng trộm cắp này bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 1 lần, thì việc xét xử cũng chỉ 1 lần duy nhất chứ không thể tách rời vụ việc. Nếu như, vụ trộm đầu tiên đã bắt được các đối tượng, đã xử lý hành chính, nhưng mấy hôm sau lại bắt được các đối tượng này tái phạm hành vi trộm cắp chim, thì xử lý hình sự mới là thỏa đáng.” - Luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Thực tế, cơ quan chức năng cũng xác định giá trị của 3 con chim mà các đối tượng trộm cắp là 9 triệu đồng. Nhưng trong việc này lại cũng có sự bất cập, khi so sánh giữa xử lý các đối tượng trộm chim với các đối tượng trộm chó.

“Mặc dù chim và chó là hai loài khác nhau, nhưng bản chất đều là vật nuôi trong nhà, xét về mặt tình cảm thì chó thường được đánh giá là gần gũi với chủ nhà hơn so với chim. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các vụ trộm chó thường không đủ căn cứ để có thể xử lý được hình sự. Vì thế, nếu xử lý hình sự đối với các đối tượng trộm chim của ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam, thì rõ ràng là một bước mang tính chất… “phá lệ”. Vì thế, dư luận băn khoăn rằng, sự “phá lệ” này có hợp lý hay không, là điều dễ hiểu.” - Luật sư Trương Anh Tú lập luận.