Tin Đa Chiều - Bạo lực học đường ở Việt Nam ngày càng gia tăng mà không sao kiểm soát được, không chỉ xảy ra ở học sinh nam, mà ngay cả nữ sinh cũng bạo lực không kém. Số liệu gần đây nhất của Bộ Giáo dục đưa ra cho thấy cứ một năm học thì có 1.600 vụ học sinh đánh nhau, tương đương với 5 vụ đánh nhau một ngày.
Trong ngày thì cứ 5.000 học sinh thì có xảy ra một vụ đánh nhau. Cứ 11.000 học sinh thi có 1 học sinh bị đuổi học vì đánh nhau. Đây chỉ là nói đến những vụ việc nghiêm trọng bị phát hiện, còn rất nhiều các vụ đánh nhau khác nhưng chưa được thống kê.
Một thống kê khác trước đó của Bộ Giáo dục, từ năm 2010 đến tháng 8/2014 có tới 7735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau bị xử lý kỷ luật (chưa kể số chưa bị kỷ luật), và tình trạng bạo lực đang có xu hướng gia tăng.
Nguy hiểm hơn nữa là ngay cả giáo viên cũng cho rằng cần phải đánh nhau thì mới năng động.
Sự việc xảy ra vào trưa ngày 18/2 nữ sinh Nguyễn Thị T.N (học sinh lớp 10B4 trường THPT Bùi Thị Xuân, Huế), vào giờ tan học vừa ra đến cổng trường thì bị một nhóm 5 nữ sinh đến đánh ngã xuống đất. Khi giám thị của nhà trường chạy đến thì nhóm 5 nữ sinh kia chạy đi.
Nguyên nhân xảy ra cuộc ẩu đả này là do sáng hôm đó, nữ sinh N khi đang ăn sáng ngoài quán đã vô ý làm đổ thức ăn vào chân của một nữ sinh khác, dẫn đến lời qua tiếng lại.
Ngay sau đó, lãnh đạo trường THPT Bùi Thị Xuân đã có buổi làm việc với báo chí thông tin về sự việc này. Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho phóng viên báo Dân Việt biết: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được”.
Phát ngôn của bà hiệu trưởng này gây xôn xao dư luận, bởi để học sinh năng động có nhiều cách làm chứ đâu nhất thiết cứ phải đánh nhau thì mới năng động được.
Sáng ngày 19/2 bà hiệu trưởng đã đến gặp phóng viên các báo để nói rằng mình đã không đúng khi đã có câu phát biểu như trên.
Báo Dân Việt dẫn lời bà hiệu trưởng cho rằng bà nói câu đấy nhằm phân tích tâm lý học sinh để hiểu về học sinh trong dư luận xã hội bây giờ. Mục đích của sự phân tích này của bà là nhằm muốn làm nhẹ vụ việc nữ sinh Nguyễn Thị T.N- học sinh lớp 10B4 của trường bị đánh .
Dù chỉ là “câu phân tích ở bên lề”, nhưng phát ngôn của bà hiệu trưởng này lại cho thấy hậu quả của nền giáo dục mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.
Văn hóa cổ truyền dân tộc bị thay thế bằng học thuyết đấu tranh
Nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt bắt nguồn từ văn hóa cổ truyền mang tính bản thiện rất sâu sắc. các mối liên hệ các thành viên trong gia đình và xã hội đều hết sức gần gũi với cuộc sống, đó là bản chất của người Việt được truyền lại từ xa xưa đến nay.
Thế nhưng từ khi du nhập học thuyết đấu tranh từ nước ngoài vào khiến tư tưởng con người dần dần thay đổi. Một người từ nhỏ đến lớn đều sống trong học thuyết này.
Một đứa trẻ từ lúc học mẫu giáo, tấm gương được dạy là “em yêu chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành”, trong nhân cách của đứa trẻ đã hình thức quan niệm dùng đấu tranh để đạt thành công mới là đáng ngưỡng mộ.
Vào đến cấp tiểu học, tấm gương của học sinh là “dũng sĩ diệt Mỹ”, những câu chuyện về người lính có thể bắn, có thể giết trở thành biểu tượng của học sinh, đi luôn vào thực tế giáo dục, ví như các phong trào kế hoạch nhỏ nếu ai làm giỏi làm tốt đều được tuyên dương trở thành “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”, “dũng sĩ măng non” đứng trước toàn trường được hoan nghênh nhiêt liệt, từ “dũng sĩ” đã ngấm hẳn vào trong ý thức của học sinh.
Đến cấp 2, cấp 3 các bài học lịch sử đều chỉ ra nguyên nhân thắng lợi là nhờ nỗ lực đấu tranh mà có được, còn các phong trào cách mạng thất bại thì chỉ ra nguyên nhân là do không thiết lập được chuyên chính vô sản, các bài học rút ra là cần quán triệt đập tan nhà nước cũ. Những ví dụ như thế trong sách lịch sử rất nhiều.
Khi học hết phổ thông, ra đi làm ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng nhận được các lời “tuyên truyền”, tuyên dương kiểu như “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin”, “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” v.v…
Từ nhỏ đến lớn học sinh cứ được giáo dục, được chỉ đường dẫn lối bởi học thuyết đấu tranh như thế, khiến cho khi bất cứ xảy ra xích mích hay chuyện gì thì đều dùng đấu tranh bạo lực giải quyết vấn đề, đến nỗi cũng không thể nghĩ ra được rằng còn một con được khác là dùng Thiện để giải quyết vấn đề. Đó chính là nguyên nhân gốc rễ, cội nguồn của vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.
Người Việt thuở xa xưa, khi chưa bị tiêm nhiễm bởi học thuyết đấu tranh, con người vốn thân thiện, hòa ái, đó là do được ảnh hưởng giáo dưỡng trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, khi gặp vấn đề mâu thuẫn có thể dùng Thiện niệm giải quyết vấn đề, trong đầu vẫn còn nhớ rằng “một điều nhịn chín điều lành”.
Có thể có người cho rằng đó là việc cổ xưa, bây giờ làm gì có chuyện ấy. Thế nhưng thực tế có dân tộc vẫn giữ được Thiện niệm, và tất nhiên dân tộc đó có được điều này cũng nhờ không du nhập học thuyết đấu tranh như ở Việt Nam.
1/ Cả thế giới phải ngả mũ thán phục trước kỳ tích Nhật Bản
Trong khó khăn hoạn nạn mới tỏ lòng người. Người Nhật trong giây phút gian nan nhất họ đã làm gì?
Khi Nhật Bản phải hứng chịu trận động đất gây sóng thần năm 2011, đứng trước thực trạng người thân chết hoặc mất tích không biết sống chết ra sao, nhà của bị đổ sập, lương thực không có, thế nhưng truyền thông khắp thế giới đưa tin người Nhật trong lúc gian khó nhất vẫn lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong lòng xếp thành từng hàng dài đón nhận khẩu phần lương thực cứu trợ ít ỏi, và họ sẵn lòng nhường khẩu phần cho người khó khăn hơn.
“Nhưng ở xứ sở mặt trời mọc thì lại khác. Nơi ấy, hàng vạn người đã mất hết nhà cửa, và thậm chí mất hết người thân…vậy mà họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận từng nắm cơm trắng, cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng thành hàng, thành lối trong chỗ trú nạn. Không hỗn loạn, không tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai kêu than. Có chăng chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ như lặn vào sâu thẳm” theo trang Tôn vinh Văn hóa.
Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.
Tờ Telegraph ghi nhận: Hàng hóa dù rất khan hiếm, lương thức thiếu thốn, như không hề có tình trạng đầu cơ tăng giá bán – các siêu thị giảm giá 20% và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người – tất cả cùng đoàn kết để tồn tại.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ: “Không thấy cảnh cướp bóc, chen lấn, xô đẩy nơi mua thức ăn hay trong ga điện ngầm đang tắc nghẽn. Mọi người xử sự rất bình tĩnh dù ai cũng đều căng thẳng và lo lắng. Giá cả thị trường Nhật Bản cũng không nhân dịp này mà tăng”.
Anh Hà Minh Thành một người Việt ở Nhật Bản đã gửi mail kể một câu chuyện như sau: “Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.”
Câu chuyện này được rất nhiều báo chí trong nước đăng tải, gây xúc động mạnh mẽ, xem đây là điều huyền hoặc diễn ra tại Nhật Bản.
Một câu chuyện khác đăng trên blog của cô gái lấy tên Shopia. Chuyện kể về bạn của Sophia, cùng với mẹ và đứa em trai 2 tuổi bị mắc kẹt trong cơn sóng thần và đang tìm mọi cách để trèo lên ban công tòa nhà gần nhất. “Họ không ngừng kêu cứu, và một người đàn ông đã nhìn thấy họ từ ban công căn nhà phía sau. Rồi người đàn ông đó ngay lập tức nhảy khỏi ban công xuống nước, giúp bạn tôi, mẹ cô ấy và cậu em trai trèo lên ban công vào căn nhà. Nước lúc đấy càng ngày càng mạnh, không thể đứng vững được nữa. Trong hoàn cảnh đó, người mẹ đã kiên quyết để hai đứa con mình lên trước rồi người đàn ông xa lạ đứng dưới đỡ bà lên. Khi chỉ còn người đàn ông ở bên dưới, và người mẹ đang nắm chặt tay ân nhân để kéo lên, “bất chợt một chiếc ô tô (trong hàng trăm chiếc) bị nước cuốn tràn tới đúng hướng người đàn ông đó. Mọi người ở bên trên gào thét, nhưng rồi đột nhiên, người đàn ông ấy giật khỏi tay mẹ bạn tôi, để bà ấy không bị kéo theo xuống nước. Chiếc ô tô đâm vào ông ấy và cuốn ông hất đi”.
Trước đó, họ là những con người hoàn toàn xa lạ, có gia đình riêng, có cuộc sống riêng… nhưng khi thảm họa bất ngờ ập đến, đứng trước những lựa chọn giữa sự sống và cái chết, họ có thể chấp nhận tặng cả cuộc sống cho nhau. Những câu chuyện ấy ngày nay tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng thì lại xảy ra ở Nhật Bản.
Truyền thông thế giới đều ngả mũ thán phục kỳ tích Nhật Bản
Ông Ed West viết trên tờ Telegraph: “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ”
Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi không thể tin được đã phải thốt lên: “Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?”.
Giáo sư Gregory Pflugfelder chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ nào để mô tả chính xác hành động này”
Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờ Telegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.
2/ Điều gì tạo nên kỳ tích Nhật Bản
Sau trận động đất gây sóng thần ở Nhật Bản, thế giới lao vào tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên kỳ tích ở Nhật Bản, và họ đã tìm được câu trả lời, đó là “đức tin” và giáo dục đạo đức.
Đức tin
Đa số người Nhật theo Thần Giáo, Phật Giáo. Ngoài ra Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho giáo (do Khổng Tử đề xướng). Với những ai sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần thì khi nói đến “đức tin” họ chỉ phì cười, đơn giản bởi vì họ không còn tin nữa, mà không nghĩ rằng bản thân mình đã bị học thuyết vô thần tẩy não cắt đứt mất mối liên hệ với cội nguồn văn hóa cổ truyền dân tộc, đến mức không còn hiểu tin để làm gì
Trong khi đó tại các nước khác như Nhật Bản thì “đức tin” đó là tự nhiên và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Người Nhật đã sử dụng “đức tin” của mình khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.
Một dân tộc có “đức tin” thì dân tộc đó vẫn còn có chuẩn mực đạo đức, nếu một dân tộc bị ảnh hưởng bởi học thuyết vô thần khiến không còn “đức tin” thì càng ngày càng sa đọa, đạo đức tụt trên dốc lớn.
Một dân tộc không có “đức tin”, lại còn bị ảnh hưởng của học thuyết đấu tranh thay cho văn hóa cổ truyền dân tộc, thì con người sẽ đấu tranh với nhau, người với người xem nhau như thù địch, bằng mặt không bằng lòng, không thể đoàn kết.
Giáo dục lấy đạo đức là cốt lõi
Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người = đạo đức”, đề cao tính tự lập và tinh thần kỷ luật.
Tư tưởng của người Nhật vẫn còn mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa cổ truyền là một trong những mục tiêu chủ yếu nhất trong giáo dục, đạo đức là cốt lõi là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên.
Giáo dục Nhật Bản vận hành theo nguyên lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.
3/ Ở Việt Nam thì thế nào
Ở trên là trường hợp của Nhật Bản, một đất nước với đức tin và giáo dục đạo đức theo văn hóa cổ truyền dân tộc đã làm cảm thán cả thế giới. Còn ở Việt Nam thì sao?
Ở Việt Nam không có thảm họa động đất hay sóng thần như ở Nhật Bản, nhưng ngay trong cảnh không có thiên tai hay thảm họa thì con người đối với nhau vẫn quen với thói dành giật do cả đời bị tiêm nhiễm bởi học thuyết đấu tranh.
Các cửa hàng mỗi khi tổ chức phát thức ăn miễn phí là rất nhiều người xúm lại chen lấn để có được khẩu phần ăn. Ví như ngày 23/3/2015 tại một cửa hàng thức ăn nhanh đường Điện Biên Phủ ở Sài Gòn, tháng 10/2013 tại cửa hàng buffet Nhật ở phố Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tháng giêng hàng năm là dịp lễ hội ở miền bắc Việt Nam, trước đây những mỗi lần tổ chức lễ hội là mỗi lần con cháu tưởng nhớ lại lời dạy từ tổ tiên để ăn ở có Đức hơn. Thế nhưng ngày nay với ảnh hưởng của học thuyết đấu tranh, vô thần luận, mỗi kỳ lễ hội hầu như không còn mang ý nghĩa giáo dục nữa, ai cũng tham gia mới mục đích dành được phần về mình.
Lễ hội Gióng người ta dùng gậy đánh nhau để giành giật lộc hoa tre; lễ hội Phết thì người ta xông vào đánh nhau để cướp cho kỳ được quả cầu phết bất kể đổ máu; Khai Ấn Đền Trần thì nhiều người bất chấp nguy hưởng lao vào cố sức để giành cho đước ẤN về phần mình.
12/9/2013 tại UBND Quận Ba Đình đã tổ chức chương trình “đừng để ướt mưa”, phát miễn phí 3.000 áo mưa cho người qua đường. Đây là hoạt động nằm trong sự kiện chương trình kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Thế nhưng chương trình này đã bị phá hỏng bởi các đợt sóng người hò hét cướp giật để có được áo mưa về phần mình, người Việt leo lên cả sân khấu để giật áo mưa từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.
Việc so sánh hai hình ảnh đối lập giữa Nhật Bản và Việt Nam ở trên có thể nói là rất không công bằng cho người Nhật, bởi người Nhật là đang trong cơn đại thảm họa, họ mất đi người thân, bản thân gặp nguy hiểm đến sinh mạng hay phải đối mặt với đói rét; còn hình ảnh ở Việt Nam lại đang ở trong hoàn cảnh no đủ mà vẫn tranh giành nhau.
Thế nhưng văn hóa truyền thống của người Việt không phải như vậy, truyền thống lá lành đùm lá rách được truyền từ ngàn xưa đến nay. Chỉ là ngày nay với việc du nhập học thuyết đấu tranh cùng vô thần luận mới khiến cho người Việt trở nên như vậy.
Khi gặp vấn đề là họ giải quyết bằng bạo lực đấu tranh, chứ không còn biết nhường nhịn hay dùng Thiện để giải quyết vấn đề.
Đã đến lúc chúng ta cần loại bỏ học thuyết đấu tranh trong giáo dục, cần giáo dục cho học sinh cách nhường nhịn và dùng Thiện để giải quyết vấn đề, để cho Việt Nam tương lai có được thế hệ có nhân cách sống cao thượng, có như vậy mới giúp nâng cao đạo đức học đường, giải quyết được nạn bạo lực trong trường học hiện nay./.