Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Khi quan chức vô cảm

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Hạn hán nghiêm trọng đã gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân, đặc biệt là ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Nói theo số liệu GDP, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quí 1 giảm 1,31%, quí 2 giảm 0,36% thì khó hình dung. Nhưng cứ nhìn số hộ thiếu đói gấp 5,2 lần, số nhân khẩu thiếu đói gấp 4,9 lần trong bảy tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái ắt nhiều người sẽ dễ thấy hơn.

Ấy vậy mà trong bối cảnh “cứu hạn như cứu lửa”, thông tin từ chính miệng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể gây sững sờ cho nhiều người: 2.000 tỉ đồng cấp cứu cho các tỉnh ĐBSCL đã không giải ngân được một đồng nào!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần: Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỉ đồng để giải quyết ngay những việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng... Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện. Vậy là 2.000 tỉ đồng cứ treo đó.

Đây là điều không thể chấp nhận được. Dân không có nước dùng, cà phê hồ tiêu lúa bị hạn chết khát đã lâu, ai mà chờ các bộ ngồi họp cho xong. Sự chậm trễ đó không thể gọi bằng một tên gọi nào khác là sự vô cảm của các quan chức bàn giấy trước nỗi khổ của đồng bào mình.

Tương tự như thế, đọc tít “Ưu tiên cho ngư dân vùng cá chết đi xuất khẩu lao động” mới thấy sự đắng cay của người dân các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường nặng nề. Đang là những ngư dân đánh cá có tay nghề cao, cuộc sống ổn định bỗng dưng nay phải tha phương cầu thực, đi làm thuê trên những tàu đánh cá gần bờ của Hàn Quốc hay Đài Loan. Thế mà vẫn có những phát biểu xem đó là một đặc quyền, ưu tiên cho dân!

Lẽ ra các quan chức trước khi suy nghĩ theo kiểu xin-cho như thế phải lắng nghe tiếng nói của ngư dân như lời của Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng rằng mọi chính sách hỗ trợ ngư dân sau sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung cần được bàn bạc, trao đổi trực tiếp với ngư dân. Ngư dân vùng biển phải sống và làm nghề biển chứ sao lại bắt họ tha phương hay chuyển đổi nghề!

Nếu không có sự tìm hiểu thấu đáo như thế, e rằng tiền bồi thường mà Formosa phải chi ra cho người dân lại bị treo đó như 2.000 tỉ đồng chống hạn mặn. Thiết nghĩ cái người dân cần còn hơn những món tiền cụ thể, là phương tiện sinh kế, là biển sạch, cá lành để họ mưu sinh lâu dài.

Trong bối cảnh đó, nhìn lại những phát biểu của một số quan chức trước đây rằng ăn cá là an toàn lúc chưa khẳng định được điều đó, là thiếu sự cẩn trọng, thiếu quan tâm đến an nguy của người dân. Có lẽ mối quan tâm của các quan chức lúc đó chỉ là tìm cách tạo tâm lý ổn định, là làm tròn trách nhiệm của nhà quản lý. Họ không hiểu sự an toàn của người dân có tầm quan trọng cao hơn nhiều lần.

Và trên tất cả, niềm tin của người dân vào các phát ngôn của quan chức chỉ được củng cố khi các phát ngôn là trung thực, xuất phát từ sự an nguy của người dân chứ không phải vì sự an toàn của chiếc ghế của mình. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” - ông bà ta nói không bao giờ sai.