Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Khi nam thanh nữ tú sắm vai… giang hồ!

TRƯƠNG KHẮC TRÀ

(GDVN) - Từ gia đình cho đến nhà trường chắc chắn không dạy các em phải thể hiện mình bằng bạo lực, nhưng tại sao bạo lực học đường ngày càng nhiều và trẻ hóa độ tuổi?

Nền tảng đạo đức xã hội đang suy đồi nghiêm trọng, nơi được coi là văn minh nhất là nhà trường giờ đây cũng mang đến nhiều nỗi lo âu cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội bởi vấn nạn bạo lực học đường.

Từ gia đình cho đến nhà trường chắc chắn không dạy các em phải thể hiện mình bằng bạo lực, nhưng tại sao bạo lực học đường ngày càng nhiều và trẻ hóa độ tuổi?

Những con số, vụ việc đáng báo động!

Những ngày vừa qua, liên tiếp những vụ việc đau lòng xảy ra: một nam sinh lớp 8 tại Yên Bái đã tìm đến cái chết đầy đau đớn sau khi bị nhóm bạn đánh và bắt quỳ gối; chưa hết, dư luận lại nhận thêm cú sốc từ hành động châm lửa… đốt trường của một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa chỉ vì đã đủ “like” ủng hộ trên facebook!

Ở Bắc Giang, một nhóm nữ sinh Trung học Phổ thông lao vào đánh đấm nhau túi bụi, lột hết áo quần trong tiếng hò reo của đám đông vây quanh… xem những hình ảnh ấy không ít người phải giật mình vì độ máu lạnh của những nam thanh, nữ tú còn hơn cả giang hồ thứ thiệt.

Và còn nhiều vụ việc mà người viết không thể liệt kể ra hết nên đành phải nêu ra đây con số được thống kê từ công cụ tìm kiếm Google khi truy nhập cụm từ “học sinh đánh nhau” cho ra hơn 2 triệu kết quả chỉ chưa đầy 1 giây!

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ ngày).

Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. [1]

Chương trình học từ mẫu giáo lên đến Đại học chủ yếu là truyền thụ những kiến thức mang tính hàn lâm mà chưa quan tâm đúng mực đến thời lượng cho việc truyền đạt những giá trị nhân văn, chúng ta đã và đang tạo ra một thế hệ học trò giỏi về thi cử nhưng khiếm khuyết tâm hồn.

Hiện nay việc giáo dục những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc chủ yếu được giao phó cho môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Đạo đức và Văn học, nhưng trong số những môn này, chỉ có Văn học “may mắn” trở thành môn chính đúng nghĩa, còn lại đều bị coi là môn phụ.

Học sinh chán học đã đành, giáo viên dạy những môn này cũng bị chạnh lòng.

Tuy nhiên, môn Văn ngày càng phai nhạt dần trong thời buổi kinh tế thị trường khi các ngành kinh tế, kỹ thuật lên ngôi khiến cho môn học này rơi dần vào lãng quên vì học Văn không thể kiếm ra tiền, khó có thể sống được bằng nghề văn.

Xưa nay việc học văn nói riêng và ban C nói chung chỉ giành cho một số nhỏ không thể học được ban A, B!

Với một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, những giá trị nhân văn truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng, tiếc thay chúng ta chưa thể phát huy được những giá trị đó để hun đúc và hình thành nên những cá nhân con người hoàn hảo nhất.

Hậu quả của một thời gian dài chưa quan tâm đúng và đủ đến việc giáo dục những giá trị nhân văn truyền thống khiến chúng ta phải trả giá đắt, những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua là dấu hiệu của một xã hội đang xuống cấp trầm trọng về đạo đức văn hóa, nhất là giới trẻ.

Nền văn hoá Việt Nam thấm đẫm tinh thần nhân văn trước hết vì nó luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá.

Rất nhiều câu tục ngữ của ông cha ta đã thể hiện tư tưởng này, như “người ta là hoa của đất”, “người sống đống vàng”, “một mặt người bằng mười mặt của”…

Ấy vậy mà trên khắp đất nước này người ta sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, thậm chí đoạt mạng nhau vì một vài mâu thuẫn nhỏ, mạng người bỗng trở nên rẻ rúng trước những đòi hỏi quá đáng của sự ích kỷ, thiếu lòng vị tha bao dung.

Con đường mà loài người đã đang và sẽ đi chính là hành trình hướng tới các giá trị nhân văn và hiện thực hoá nó trong thực tiễn. Do vậy, giá trị nhân văn luôn có ý nghĩa vĩnh cửu và phổ quát đối với mọi nền văn hoá.  

Và những hậu quả để lại

Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp…

Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.

Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì bạn bè khác sẽ xa lánh do không muốn “cùng nhóm với kẻ đáng ghét” hoặc “cùng nhóm với kẻ yếu thế” để bản thân cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc.

Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.

Nhiều người ngạc nhiên vì sao chỉ bị đánh ngoài đường nhưng nam sinh ở Yên Bái lại phẫn uất đến nỗi tự kết liễu mình.

Khi chưa trưởng thành về tâm lý thì những chấn thương kiểu bị chà đạp và quê mặt trước bè bạn là một điều khủng khiếp, nếu nam sinh này xử lý khủng hoảng bằng cách vác dao trả thù thì hậu quả chắc chắn nghiêm trọng hơn.

Có thể thấy rằng hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang ngày càng hiển hiện trong đời sống tâm lý của học sinh, của gia đình, của nhà trường và xã hội, nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai của đất nước, sẽ còn tốn nhiều thời gian, công sức, của cải để chúng ta giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.

Nhìn nhận dưới góc độ xã hội học, bạo lực học đường gây mất niềm tin của của xã hội vào nền giáo dục, góp phần gia tăng tệ nạn xã hội, làm phai nhạt những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, sâu xa hơn có thể phá vỡ tính cố kết cộng đồng với tư cách là yếu tố làm nên sức mạnh của văn hóa Đông Phương.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tienphong.vn/phap-luat/moi-nam-co-gan-1600-vu-hoc-sinh-danh-nhau-875591.tpo