Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Quên gạt chân chống phạt 3 triệu: Chỉ phạt hành vi...cố ý

Hà Đông

Đất Việt - CSGT các tỉnh khẳng định chỉ phạt những hành vi cố tình quẹt chân chống xuống lòng đường, còn lại sẽ nhắc nhở người dân.

Phạt thế...nặng quá

Không ít người điều khiển mô tô, xe máy lưu thông trên đường mà quên gạt chân chống. Sự lơ là này có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của họ và người đi đường, đồng thời với hành vi này người dân hoàn toàn có thể bị xử phạt đến 3 triệu, tước giấy phép lái xe trong vòng 2 tháng theo quy định tại Điểm a, Khoản 6 và Điểm c, Khoản 10 Điều 6 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Trao đổi với Đất Việt, nhiều người dân tỏ ra lo lắng và cho rằng hình phạt trên là quá nặng, chưa phù hợp.

Chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận nhiều lúc do lãng trí nên quên gạt chân chống, khi đi vào những đoạn đường xấu xe loạng choạng mới phát hiện ra.

“Cái này đâu phải do người dân cố tình đâu mà quy định xử phạt như thế. Nói thật giờ ai cũng nhiều việc và áp lực cả từ gia đình đến cơ quan. Đặc biệt phụ nữ bọn tôi ngoài việc nhà ra còn đưa đón con cái nữa. Nhiều lúc đầu óc lu bù nên quên thôi. Tôi nghĩ CSGT cũng phải hiểu, thông cảm, nhắc nhở thôi. Đâu phải cái gì cũng áp dụng luật mà xử phạt đâu”, chị Hà nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, anh Phùng Bá Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) khẳng định: “Quên gạt chân chống thì cũng có vài lần mình quên thật. Đưa con đi học rồi vội ghé quán nước mua bao thuốc rồi phóng đi luôn. Đến khi được người bên cạnh nhắc nhở mới phát hiện ra. Vì thế với lỗi nhỏ như thế việc phạt 3 triệu hay tước giấy phép lái xe 2 tháng là quá nặng, cần phải xem lại”.

Cũng theo ông Hưng, đây chỉ là lỗi do vô ý và nên xử lý bằng hình thức nhắc nhở, CSGT nhắc nhở người dân, và bản thân những người đi đường nhắc nhở lẫn nhau. Nếu tái phạm nhiều lần mà ghi hình được thì hẵng nên xử phạt.

“Nếu cứ chiếu luật mà phạt thì người dân cũng chẳng dám cự cãi gì đâu nhưng tôi nghĩ CSGT phải vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế. Ở mình nhiều quy định đưa ra không đúng, cuối cùng phải sửa đổi hoặc bỏ đấy thôi. Đâu cứ phải phạt mới có tính răn đe, nhắc nhở nhẹ nhàng, tình cảm hiệu quả hơn đấy chứ”, anh Hưng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân (Hoàng Ngọc Phách, Hà Nội) lại cho rằng cần phải thực hiện đúng quy định để tránh gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

“Tôi thấy nhiều trường hợp không gạt chân chống rồi cứ thế lao ầm ầm ngoài đường. Đến đoạn đường xấu thì gặp sự cố đâm lao vào những người xung quanh, gây ra những tai nạn đáng tiếc. Cái này cần phải xử nghiêm làm gương, chứ không nhiều người sẽ cứ vịn cớ quên, không cố tình để vi phạm”, ông Tuân nêu quan điểm.

Nhắc nhở là chính, chỉ phạt hành vi cố ý

Chia sẻ với Đất Việt xung quanh vấn đề này, Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng trong quy định có những lỗi vi phạm như vậy vì thế cần chiếu theo luật để xử lý.

“Việc phạt người điều khiển xe máy, xe mô tô quên gạt chân chống, quẹt xuống đường đã có quy định trước rồi. Nếu anh chạy xe mà gài chân chống nẹt bô, lạng lách, đánh võng thì phát hiện được xử theo đúng luật thôi. Để như vậy sẽ rất nguy hiểm và mất an toàn giao thông”, Đại tá Bảo khẳng định.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Quang Thuận, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát, CSGT Công an tỉnh Hà Giang cho rằng đây không phải là một lỗi phổ biến và cũng ít xảy ra.

Tuy nhiên theo thiếu tá Thuận nếu phát hiện vi phạm thì hoàn toàn có thể xử lý theo quy định của phát luật.

“Mình phải có hình ảnh, chứng cứ chứng minh để đối tượng vi phạm tâm phục, khẩu phục. Xử lý rất dễ thôi nếu ghi được hình ảnh. Nếu mà về tận nhà, cơ quan thì mình yêu cầu lên đơn vị xử lý ngay. Những người đưa lên trụ sở đều chấp hành thế.

Việc để chân chống quẹt xuống đường rất nguy hiểm vì nó gây ra những tiếng động khiến người tham gia giao thông cùng chiều hoặc ngược chiều bị giật mình. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, chấn thương trên đường”, Thiếu tá Thuận nêu quan điểm.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phân biệt rõ hành vi cố tình vi phạm và những hành vi vô tình quên gạt chân chống để xử lý cho hợp tình, hợp lý.

“Hành vi cố tình dùng chân chống đó quẹt xuống đất, cà xuống đường thì rất nguy hiểm cho xã hội, mất an toàn giao thông, trật tự công cộng. Lỗi này phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn trong quá trình điều khiển vì lý do gì đó mà người ta quên không gạt chân chống thì nhắc nhở là chính.

Lực lượng CSGT trên đường nếu mà phát hiện những trường hợp như vậy thì nhắc nhở là việc nên làm chứ CSGT không ai máy móc mà phạt cả. Chỉ phạt nghiêm với những người cố tình sử dụng chân chống để cà, quẹt xuống đất tạo ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây nguy hiểm cho những người lưu thông xung quanh thôi”, thượng tá Hồng nêu quan điểm.

Theo Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam với các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ thì rất dễ để phát hiện hành vi nào cố ý và hành vi nào vô tình vi phạm.

“Tôi thấy việc này ít xảy ra nhưng CSGT luôn chú trọng việc nhắc nhở người dân, gọi dừng xe rồi nhắc nhở. Ngay cả trường hợp quên bật đèn ban đêm, quên tắt đèn ban ngày thì anh em CSGT chúng tôi đều nhắc nhở thường xuyên.

Tình cảm của người dân với CSGT chỉ đơn giản qua việc nhắc nhở đó thôi.Thường thì đối tượng cố tình gạt chân chống rơi vào độ tuổi thanh niên hay càn quấy rồi tạo ra hiệu ứng trên đường chứ người dân bình thường chẳng ai làm cái này”, Thượng tá Hồng nói.

Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, một cán bộ chiến sĩ CSGT Hà Nội cho biết, những lỗi vi phạm này CSGT chỉ nhắc nhở là chính, không xử phạt theo quy định cả.

“Chúng tôi không phạt những lỗi này. Cái này là lỗi nhỏ, chủ yếu nhắc nhở để người dân hiểu rồi lần sau cẩn thận hơn thôi. Chỉ với những hành vi lạng lách, đánh võng, quẹt chân chống, nẹt bô thì mới xử lý nghiêm thôi”, vị cán bộ nói.
***

Quên gạt chân chống có thể bị phạt tới 3 triệu đồng, tước GPLX trong 2 tháng

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 6 và Điểm c, Khoản 10 Điều 6 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP với hành vi vi phạm giao thông đường bộ khi các phương tiện xe máy, xe mô tô, xe tương tự xe máy khi tham gia giao thông sử dụng chân chống xe máy, các vật khác quẹt xuống lòng đường khi phương tiện đang di chuyển, người điều khiển xe bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX trong 2 tháng.