Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Philippines lập tiểu ban đặc biệt, Indonesia cự tuyệt Trung Quốc

Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt - Trong khi Philippines thành lập Tiểu ban công tác đặc biệt về Biển Đông thì Indonesia đã từ chối yêu cầu đòi phóng thích thuyền viên Trung Quốc.

Indonesia từ chối thả thuyền viên Trung Quốc

Truyền thông Anh ngày 23/3 dẫn lời Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan cho hay, nước này đã từ chối những yêu cầu của Trung Quốc đòi phóng thích 8 thuyền viên bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép và cáo buộc Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng một cách nhanh chóng trong khu vực bằng việc giải cứu tàu cá bị bắt của họ.

Theo ông Luhut Pandjaitan,  8 thuyền viên người Trung Quốc sẽ bị truy tố theo luật pháp của Indonesia.

Ngoài ra, Bộ trưởng An ninh Indonesia còn khẳng định Jakarta sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại Natuna – khu vực tàu Trung Quốc xâm phạm bằng cách triển khai thêm quân và trang bị thêm tàu tuần tra tốt hơn và sẽ xây thêm nhiều căn cứ hải quân trong quần đảo với hệ thống phòng thủ mạnh.

Trong khi đó, ông Arif Havas Oegroseno, một quan chức chính phủ Indonesia phụ trách về an ninh hàng hải nói rằng hành động của Bắc Kinh đã tạo ra "một trận đấu bóng mới" mà các nước Đông Nam Á cần phải theo sát.

Ông đáp trả mạnh mẽ lại luận điệu bịa đặt mà Trung Quốc đưa ra sau khi vụ đụng độ xảy ra là tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt cá trên "ngư trường truyền thống".

"Tuyên bố rất trừu tượng và và mập mờ bởi từ khi nào, từ năm nào nó trở thành lịch sử và truyền thống. Và họ cũng mơ hồ, mập mờ về diện tích khu vực", ông Oegroseno nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 19/3, Jakarta đã  bắt giữ 8 thuyền viên trên một tàu cá của Trung Quốc do xâm phạm lãnh hải gần quần đảo Natuna của nước này.

Trong lúc tàu tuần tra Indonesia tìm cách lai dắt tàu Kway Fey về Indonesia để xử lý, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp để cho tàu cá chạy thoát.

Philippines lập Tiểu ban đặc biệt về Biển Đông

Trong một động thái có liên quan, Thời báo Tự do Đài Loan ngày 24/3 dẫn lời Phủ Tổng thống Philippines cho biết, tối ngày 23/3 Tổng thống nước này Benigno Aquino đã thành lập “Tiểu ban công tác đặc biệt toàn quốc biển Tây Philippines” (Philippines gọi Biển Đông là biển Tây Philippines), thống nhất quản lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

“Tổng thống sẽ thông qua Cơ quan an ninh nội các để chỉ đạo Tiểu ban công tác đặc biệt toàn quốc biển Tây Philippines, hoạch định và phối hợp các mục tiêu khác nhau của các đơn vị đối với biển Tây Philippines, cung cấp báo cáo và kiến nghị về các vấn đề biển Tây Philippines”, Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố.

Tiểu ban công tác này do Cố vấn an ninh quốc gia Philippines làm Chủ tịch, các thành viên bao gồm quan chức cấp Thứ trưởng của gần 20 cơ quan Chính phủ Philippines như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Bảo vệ môi trường, Bộ Nội vụ và quân đội-cảnh sát.

Quyết định của chính phủ Philipines được đưa ra ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đài Loan mời các phương tiện truyền thông quốc tế đến thăm Ba Bình, một thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hôm 23/2 để “chứng minh tính chất "đảo / island" của Ba Bình, bác bỏ quan điểm coi đây là "đảo đá / rock” như vụ kiện của Philippines.

Liên quan đến vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Rose đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu các bên phải bình tĩnh, tránh làm leo thang căng thẳng mới.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tránh áp dụng các hành vi tiếp tục làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông”, ông Charles Rose tuyên bố.

Thời gian gần đây, trước những gây hấn trên biển Đông của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Benigno Aquino đã có những phản ứng gay gắt và không hề nhân nhượng trước Bắc Kinh.

Còn nhớ năm 2013, Philippines đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc dù nước này tuyên bố không chấp nhận, không tham gia vụ kiện này.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, bà Abigail Valte, Phó Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines nhận định” chúng tôi đã có điều kiện trình bày tất cả các luận cứ của mình để chứng minh ý tưởng chính trong đơn kiện là đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.

Ngoài ra, Philippines cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với Mỹ cũng như kêu gọi Washington tham gia tuần tra, gìn giữ an ninh trên khu vực biển Đông.