LĐO - Chiều cuối năm, tin dữ rồi cũng đến với người dân Đà Nẵng. Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã mãi mãi đi xa đi lúc 12.30 trưa ngày 13.2...
Cách đây hơn tháng, ông từ Mỹ về quê hương, tiếp tục điều trị căn bệnh nan y, trong thâm tâm dù biết không còn nhiều hy vọng, nhưng người dân Đà Nẵng vẫn tin vào một phép mầu, cùng ý chí mạnh mẽ, ông sẽ vượt qua bệnh tật để sớm trở lại cương vị để thực hiện những ước vọng đang dang dở. Và hàng ngàn người sẵn sàng đội mưa gió buốt rét đón ông như một sự động viên, chia sẻ, cùng ông vượt qua bệnh tật.
Hàng trăm người sẵn sàng hiến tuỷ cứu ông nếu cần. Vì vậy bản tin ông mất đăng sớm trên báo Lao Động- bàng hoàng, đó là một tâm trạng chung ! Người dân Đà Nẵng từ giới bình dân đến trí thức đau xót, vì họ yêu ông. Ông là bạn, là anh em, là người thân… của bất kỳ ai ở cái thành phố này. Nói đến tên ông, bao giờ cũng với một sự xúc động chân thành. Và sự ra đi của ông để lại một khoảng trống khó bù đắp nổi.
Bắt đầu từ một cây cầu
Tôi có “duyên” với ông từ những năm 1981, khi ông là Chủ nhiệm HTX 2 Hoà Nhơn danh nổi như cồn lúc bấy giờ. Ngày ấy tôi là bộ đội, đơn vị tôi đóng quân bên cạnh trụ sở hợp tác xã, nên chạm mặt nhau hàng ngày. Khắp một vùng phía Tây Đà Nẵng, đại đội trinh sát tôi thuộc đến từng mét vuông đất, từng ngôi nhà dân, biết đến từng hoàn cảnh...
Lúc này phong trào HTX bắt đầu làm người dân nông thôn đã mệt mỏi với phương thức góp chung, làm chung. Đến tháng “bình công, chấm điểm” chia gạo cơm, mắm muối, áo quần, nhu yếu phẩm… Các cuộc họp dân của HTX mỗi lần đều kéo dài đến 1-2 giờ sáng và trăm lần như một cứ cãi nhau như mổ bò. Hôm sau nông dân ra đồng lác đác; mổ vài ba nhát cuốc, rồi tìm bụi cây nào đó rúc đầu vô ngủ vùi.
Nhớ một năm, từ thôn Phước Thới đi đến trường, hai học sinh lội qua một con mương rộng, bị dòng nước cuốn trôi chết. Chuyện này xảy ra thường niên, dân kêu làm cầu mãi, nhưng vùng càng xa thì dân càng “ngắn cổ”, nên việc cứ trôi dài. Làm công việc chỉnh lý bản đồ quân sự nên tôi rành vùng này lắm. Chỗ nào cầu, chỗ nào đường, khu dân cư… thuộc từng toạ độ. Muốn làm cây cầu này cũng phải mất cả trăm tấn ximăng, vài nghìn ký sắt. Dân thì nghèo, lấy đâu ra…
Rồi một hôm dân trong xã thấy nhân công, sắt thép, vật liệu ầm ầm đổ tới, ông Chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh tả xung, hữu đột suốt ngày trên công trường. Hỏi ra mới hay, nghe dân “chửi” quá, ông tức khí đón xe đò, một mình đeo xà-cột (loại túi xách mà lúc bấy giờ cán bộ hay quàng ngang lưng) mang bản thiết kế tự vẽ ra thấu Hà Nội để kêu.
Nhờ những quan hệ thời đi học của ông (ông tốt nghiệp kỹ sư của Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội), cây cầu “tự xin” được duyệt một ít vật liệu, cộng thêm sự hỗ trợ của đơn vị quân đội kết nghĩa, sớm thi công sau đó.
Vài tháng sau, ngày đầu năm học mới, học sinh Hoà Nhơn được thong dong đi trên cây cầu bêtông đẹp ngất ngây đến trường, mà không phải lội qua con hói đầy hiểm nguy như trước kia.
Cầu xây xong, lại xảy ra một diễn tiến mới, đó là đặt tên cho nó. Bên uỷ ban định đặt tên cầu Phước Đông (địa danh), nhưng dân không chịu, đòi gọi cầu Nguyễn Bá Thanh. Cuối cùng, cầu mang tên địa danh, nhưng dân vẫn gọi cầu Nguyễn Bá Thanh cho đến bây giờ. Và sự nghiệp của ông cũng chính thức bắt đầu từ cây cầu này.
Đào vàng nuôi công nhân
Chuyện tên cầu, sau này nghe ông Nguyễn Bá Thanh kể mới biết, đó là một trong những lý do chính điều ông về lại huyện, làm cán bộ phòng nông nghiệp. Sau đó đơn vị tôi nhận nhiệm vụ khác và cũng không còn nghe về ông cho đến năm 1985. Lúc này tôi xuất ngũ, đi học, rồi về nhận nhiệm sở tại Báo Quảng Nam Đà Nẵng (QN-ĐN). Vừa lúc này Tỉnh uỷ QN-ĐN ra Nghị quyết 25 về tăng cường đầu tư nhân tài, vật lực cho miền núi.
Cả tỉnh ước có đến hơn 300 cán bộ được điều đi miền núi công tác. Cơ quan Báo QN-ĐN thành lập phòng Miền Tây Quảng Nam. Tên thì có vẻ oai, nhưng thật ra có 4 phóng viên trẻ đứng thường trú các huyện miền núi của tỉnh bao gồm: Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang, Tây Giang), Trà My và Phước Sơn. Và tôi là một trong số đó.
Chọn trẻ và chưa có gia đình vì những năm 1980 giao thông cách trở lắm. Từ Đà Nẵng đến trung tâm huyện xa nhất như Hiên, Phước Sơn tới 150km, đi trên đường mất gần hai ngày, trầy trật bằng xe đò chạy than, trên các con đường cấp phối miền núi. Hồi đó cả huyện uỷ chỉ có mỗi cái điện thoại từ thạch, gọi đi các nơi phải quay muốn rã tay.
Đường sá xa xôi cách trở, thông tin liên lạc khó khăn nên cánh phóng viên thường trú chúng tôi cũng ngại về cơ quan. Ở dài với cơ sở hàng tháng trời, vừa đỡ tem phiếu gạo, lại khỏi phải đi lại kích rích… Thỉnh thoảng gửi vài bài viết, ảnh minh hoạ qua đường giao liên về toà soạn.
Nhờ vậy tôi có điều kiện gặp lại và sống với ông Nguyễn Bá Thanh mấy tháng ở Nông trường chè Quyết Thắng, đứng chân tại xã 3 huyện Hiên (nay là Đông Giang). Ông cũng nhận nhiệm vụ theo tinh thần NQ 25 của tỉnh và giữ chức Giám đốc nông trường. Là người quen cũ nên cũng dễ gần.
Lúc bấy giờ, trong mắt tôi, ông nổi bật trong hàng ngũ các giám đốc của tỉnh QN-ĐN, với một mình thường lái chiếc xe Jeep trắng chiến lợi phẩm, chạy suốt ngày trên các đồi chè. Có thể nói ông Thanh lúc này là giám đốc đầu tiên của địa phương biết lái xe nên cánh phóng viên phục và nể lắm. Vả lại ông cũng là Thường vụ Huyện uỷ trẻ nhất tỉnh thời điểm này.
Kỷ niệm khó quên nhất về ông là chuyện cho phép công nhân khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn nông trường. Những năm 1985-1990 là thời điểm vô cùng khó khăn của các đơn vị kinh tế tỉnh QN-ĐN, vì chuyển đổi cơ chế tự cung, tự cấp sang thị trường. Khoảng thời gian này khối Liên Xô và Đông Âu lại tan rã nên hàng hoá sản xuất ra không ai mua; các đơn vị tự bươn chải mướt mồ hôi...
Nông trường Quyết Thắng cũng không ngoại lệ. Mấy trăm công nhân “đói” dài. Suy nghĩ mãi, ông nghĩ ra kế, cho công nhân đi đào đãi vàng sa khoáng để tạm thời cải thiện đời sống trong lúc khó khăn. Ông bảo tôi, ngồi trên đống vàng mà bó tay chịu đói là chuyện phi lý.
Nói rồi hôm sau ông làm luôn. Huyện Hiên là một trong những địa phương giàu vàng sa khoáng nhất tỉnh, tuổi vàng lại cao nên chính quyền ra lệnh cấm triệt để việc đào đãi vàng. Thêm lúc đó, cách đó không xa, huyện Giằng vừa xảy ra vụ thảm án “ăn đầu, trả đầu” do đào vàng, làm chết 20 người, nên lệnh này càng siết chặt. Công an, quân đội quần thảo đẩy duổi người đào đãi vàng từ các nơi khác đến, chốt chặn kiểm tra khắp nơi. Thế nhưng trong phạm vi nông trường, công nhân vẫn hằng ngày âm thầm đào đãi vàng vụn. Nhờ vậy đời sống khá lên thấy rõ.
Rồi “cây kim trong bọc” cũng lòi ra - việc vỡ lở, thanh tra chà xát từng mét đất nông trường, tìm chứng cứ xác định việc đào đãi vàng của công nhân là do có chủ trương từ ban giám đốc. Ai cũng lo lắng và nghĩ, phen này ông Thanh bị kỷ luật mất chức là chắc… Hôm đoàn thanh tra triệu tập cuộc họp thông qua kết luận, bất ngờ ông tưng tửng giải trình rằng, chỉ cho phép công nhân đào giếng, lấy nước uống.
Ông nói trong cuộc họp: “Đào vàng mô mà đào vàng! Tui cho đào giếng lấy nước uống, công nhân gặp phải cục vàng chẳng lẽ mang vứt đi? Họ có lấy bán mua thêm lon gạo, cọng rau thì cũng coi như gián tiếp lo cho đời sống. Các đồng chí phát hiện ra tôi hay bất kỳ ai trong ban giám đốc tơ hào một mảy vàng, tui nhận kỷ luật liền”. Đoàn thanh tra ớ người ra trước lý lẽ “đào giếng” này, và cuối cùng cũng không chốt lại được kết luận, vì không đủ cơ sở. Tuy vậy, ít lâu sau ông cũng được điều về Sở Nông nghiệp tỉnh làm chuyên viên, sau lên phó, rồi giám đốc.
“Nông thôn hoá thành thị”
Tháng 2.1992, tôi chuyển công tác về Báo Lao Động, thường trú khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Một hôm đột ngột ông Nguyễn Bá Thanh gọi điện nhắn tôi sang chơi. Lúc này ông đã là Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN - ĐN). Thời điểm này tôi đang có loạt bài điều tra ráo riết về chuyện chia chác đất đai của các quan chức UBND TP.Đà Nẵng (lúc này chưa tách tỉnh), trong đó liên quan đến cả bí thư, chủ tịch.
Ông cẩn thận đóng cửa và thông báo “tin mật”: “Ông Lân (Mai Thúc Lân - lúc này là Bí thư Tỉnh uỷ) vừa gọi điện, nói tao suy nghĩ, về làm Chủ tịch thành phố, mi thấy răng?”. Như vậy, tôi là nhà báo đầu tiên nghe được thông tin này. Vài hôm sau, cả thành phố rộ dư luận: “Ông Lân, ông Được (ông Trương Quang Được - Chủ tịch tỉnh QN - ĐN lúc này) định nông thôn hoá thành thị đây mà!”.
Ông lại rủ tôi lên nhà ăn cơm chiều. Nhà ông lúc này còn cấp 4, gác xép khang trang, vườn cây cảnh, dáng tỉa tót đẹp. Trong bữa cơm ông hỏi: “Nếu về thành phố, việc đầu tiên làm gì?”. Tôi nói: “Xin quyền sử dụng quỹ đất thành phố đồng thời chuyển công tác hết số cán bộ thoái hoá của Văn phòng Uỷ ban đi”.
Lý do tôi nói như vậy, vì ngân sách hàng năm của TP. Đà Nẵng lúc này chỉ bằng nguồn vốn hoạt động của Cty Vệ sinh TP.Hải Phòng (anh Nguyễn Trung Dân và Vĩnh Quyền đã có dịp phản ảnh trong phóng sự "Bức xúc Đà Nẵng" đăng trên báo Lao Động); và nảy sinh tiêu cực trầm trọng về đất đai ở Đà Nẵng là do đội ngũ này tham mưu.
Không nói gì, nhưng sau đó hàng loạt cán bộ UBND Đà Nẵng được chuyển đi làm việc khác thay vào đó một số cán bộ khác về “gác cổng”. Mặc khác, tỉnh đồng ý để Đà Nẵng sử dụng quỹ đất khai thác vệt 25 mét ven đường Bắc – Nam (nay là đường Hàm Nghi), hoàn tất hạ tầng cho đường Nguyễn Văn Linh (đường Đông – Tây cũ), tái định cư cho dân sống ven trục lộ, cùng số nhà chồ trên bàu Vĩnh Trung. Nhờ vậy Đà Nẵng có hai con đường khang trang, mở ra những khu đô thị mới về hướng Tây thành phố; hơn hết hàng trăm hộ dân tại đây hưởng lợi; một đêm trở thành triệu phú. Sau đó tiếp tục nhiều con đường khác như Đống Đa, Nguyễn Tất Thành… cũng thành công tương tự và hàng vạn hộ dân được hưởng lợi lớn từ sự mở rộng của thành phố về phía Tây, Nam… Đà Nẵng hầu như xoá sạch ổ chuột, tiến đến hoàn thành tiêu chí đầu tiên của chương trình “ba có” - có nhà ở.
Nhưng con đường này, sau cũng là “cái hoạ” của ông Nguyễn Bá Thanh. Ngày khánh thành cây cầu Sông Hàn, Giám đốc (GĐ) Cty xây lắp P.M.T bị bắt ngay sau khi vừa nhận tấm bằng khen xây cầu Sông Hàn; GĐ, PGĐ Cty Xây dựng nhà Đà Nẵng cũng bị bắt sau đó. Trong quá trình đi cung, ông T đã khai “chung” cho ông Bá Thanh 4 tỉ đồng để giành quyền thi công đường Bắc - Nam. Đây là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Ông bị kiểm điểm, tường trình lên, xuống trần ai mấy tháng trời.
Tôi nhớ cái tết năm đó lên thăm, nhà ông vắng lặng, buồn như “chấu cắn”. Ông đang ngồi viết bản tường trình (lần thứ mấy không nhớ). May sau việc này được làm rõ ràng. Ông vào Thành uỷ với số phiếu cao nhất trong kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố năm đó.
Con gái quận 3 và bà già quận 1
Trước năm 2000, đời sống kinh tế - xã hội hai bờ Đông - Tây sông Hàn chêch lệch đến mức, từ lâu trong dân gian có câu: “Con gái quận 3, không bằng bà già quận 1”. Đặc biệt là khu nhà “chồ”, nơi sống của hàng nghìn người dân “tha phương cầu thực” vốn là một tồn tại nhức nhối hàng trăm năm trên bờ sông Hàn.
Ông quyết tâm xây dựng cầu Sông Hàn vừa để giải quyết cải thiện đời sống hàng trăm hộ dân nhà “chồ”, nhưng hơn hết để phát triển phía Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngang bằng với các quận trung tâm bên này sông, đồng thời khai thác cả một vùng bờ biển đầy tiềm năng du lịch vẫn ngủ yên. Thiếu vốn, ông chủ trương kêu gọi nhân dân đóng góp tuỳ lòng hảo tâm, kẻ 500.000 đồng, người 1 triệu đồng, để xây cầu. Riêng gia đình ông góp 30 triệu đồng.
Số tiền đóng góp đó bị không ít người dèm pha. Trong cuộc họp giữa ông với Câu lạc bộ hưu trí Thái Phiên, có người đứng lên hỏi: “Ông Thanh lương tháng bao nhiêu, mà tiền đâu ra nhiều vậy?”. Đây là câu hỏi khó. Ông trả lời: “Tiền từ bán quà người ta biếu tui!”. Cả khán phòng lặng như tờ. Ông tiếp tục: “Khách đến thăm, biếu chai rượu, gói trà, chẳng lẽ trả lại. Như hôm qua, mấy anh Hải Phòng ghé thăm tặng hai chai rượu ngoại. Tôi cũng nhận và giao hết cho nhà khách Uỷ ban giữ, bán thu tiền lập quỹ. Ai cơ nhỡ, gặp khó, cứ lấy đó mà giúp, sau đó báo lại cho tôi. Hôm nay thành phố cần, tôi mang góp chứ có chi không hợp lý đâu?”. Hội trường vỗ tay nhiệt liệt! Không biết vì tấm lòng, hay tài ứng phó thông minh của ông.
Đà Nẵng trực thuộc trung ương năm 1997, ông Nguyễn Bá Thanh được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của thành phố. Ông quy định mỗi tháng họp với báo chí một lần; 3 tháng họp với Câu lạc bộ hưu trí trung - cao cấp Thái Phiên. Có lần trong cuộc họp, không khí căng thẳng vì báo chí phản ảnh về những bê bối trong trật tự đô thị, ông đột nhiên hỏi: “Tui hỏi có ông báo TN mô họp ở đây không?”.
Phía dưới: “Có đây anh!”. Ông nói luôn: “Ông viết Đà Nẵng là địa phương nhậu nhất nước, chớ thi hồi mô mà biết nhất, với nhì?”. Và tiếng cười rộ lên trước cách hỏi ngược ngộ nghĩnh như vậy; không khí đang nghiêm túc mềm hẳn ra và trở nên cởi mở hơn nhiều. Hơn 70 cơ quan thông tấn báo chí địa phương, trung ương trên địa bàn Đà Nẵng đều mong cuộc họp mỗi tháng này.
Với ông Thanh, đây là nguồn thông tin quan trọng để góp phần điều chỉnh các chính sách, chủ trương sát hợp, đồng thời tạo ra sự thông hiểu giữa giới báo chí và công việc của chính quyền địa phương... Với báo chí thì đây là cách giải quyết các vấn đề vướng mắc nhanh nhất, vì sau các ban ngành cùng dự họp sẽ triển khai kiểm tra, khắc phục hay trả lời tại chỗ để giải đáp, đi đến thống nhất quan điểm xử sự…
Và cây cầu cuối cùng
Ngày Đà Nẵng thông qua quy hoạch 9 chiếc cầu sẽ bắc qua sông Hàn trong khu vực nội thị, dư luận Đà Nẵng hết sức xôn xao. Phần nhiều cho rằng vậy là quá nhiều và sẽ làm mất đi vẻ đẹp của dòng sông chảy ngang qua thành phố. Ông giải thích: “Đây không phải đơn giản là những công trình giao thông, mà sẽ là những kiến trúc mỹ thuật". Rồi ông dẫn chứng bằng hình ảnh những cây cầu qua sông Thames, thủ đô London (Anh quốc)…
Và những cây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước với dáng vẻ khác lạ đã lần lượt ra đời trong ý tưởng này. Cầu Rồng hiện là công trình giao thông có một không hai ở Việt Nam hiện nay. Khách du lịch mong tới Đà Nẵng để một lần chiêm ngắm cầu Rồng, tận mắt chứng kiến nó phun lửa, phun nước thế nào?
Cây cầu Rồng có số phận khá kỳ lạ. Khi bắt đầu trình bày dự án xây dựng cây cầu gần Bảo tàng Chăm, trước trụ sở Đài Truyền hình, dư luận ồn ào lên tiếng. Báo chí phản bác kịch liệt vì cho rằng, Di tích lịch sử Bảo tàng Chăm sẽ nằm dưới gầm cầu. Ông không giải thích, mà vẫn khởi công cây cầu ngay tại vị trí bị công luận phản đối. Ngày khởi công, nhìn mô hình được trưng bày công khai, mọi người mới té ngửa, vì chính quyền thành phố đã thuê một công ty tư vấn của Mỹ, tìm giải pháp xây dựng cây cầu bảo đảm mỹ thuật, phù hợp với phối cảnh không gian di tích lịch sử bảo tàng. Các nhà tư vấn đã hạ cốt cầu xuống zero (không), ngang với mặt đường Bạch Đằng, nhờ đó Bảo tàng Chăm trở nên nổi bật trong phối cảnh chung. Ngày cây cầu hoàn thành là lúc ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.
Hai nhiệm kỳ chủ tịch, hai nhiệm kỳ bí thư, với hơn 15 năm chỉnh trang thành phố, hơn một nửa trong số 80 vạn dân Đà Nẵng phải thay đổi, chuyển đến nơi ở mới, nhưng chỉ có mươi trường hợp khiếu kiện kéo dài, đã là một thành công khó nơi nào bì được. Ông Nguyễn Bá Thanh còn là tác giả của hàng trăm chủ trương, chính sách “không giống ai”, nhưng sau này lại là hình mẫu để các thành phố khác học tập như xây dựng trung tâm bảo trợ để nuôi người ăn xin, lang thang, cơ nhỡ nhằm làm thành phố vắng bóng ăn xin; hạn chế người không việc làm, không có nhà ở từ các địa phương khác nhập cư vào khu vực trung tâm; hay chính sách dưỡng liêm cho cán bộ các cơ quan pháp luật, tịch thu xe máy, sung quỹ các phương tiện đua xe trái phép… Hơn hết ông còn gieo vào người dân Đà Nẵng lòng tự hào quê hương, để từ đó từ người trẻ đến các bậc lão niên biết điều chỉnh hành vi xứng với mỹ danh “Thành phố đáng sống”.
Ông Thanh là vậy đó! Không phô trương, không hào nhoáng, nhưng luôn nổi bật với những quyết sách, chủ trương thường "cầm đèn chạy trước ôtô" nhưng lại hợp với mong đợi của người dân. Đã không ít ý kiến cho rằng ông “chuyên quyền, độc đoán”. Có lần tôi hỏi ông có nghe gì về chuyện dư luận bảo ông “ độc tài” không? Nhưng hai năm vắng ông, công việc điều hành quản lý đô thị Đà Nẵng có vẻ ì ạch hơn. Vắng ông dân nhớ. Họ nhớ cái giọng tưng tửng trên diễn đàn mỗi kỳ hội nghị HĐND; nhớ những câu chuyện đầy tính nhân văn và rất thông tuệ, hàm súc trong đó.
12.30 phút ngày 13.2, ông đã vĩnh viễn ra đi để trở về với đất mẹ. vắng ông, nhưng với người dân Đà Nẵng, tin rằng hình bóng ông không bao giờ phai nhoà trên từng góc phố, từng con đường. Với họ, ông không phải là hình tượng để vinh danh, mà đó là hình ảnh thân thuộc, gần gũi như bạn bè, anh em, cha chú. Và hơn hết, họ yên tâm khi có ông bên cạnh, cùng chia sẻ ngọt bùi trong công cuộc xây dựng mảnh đất quê hương giàu đẹp hơn; ấm áp tình người hơn.