Đất Việt - Dù Việt Nam tích cực trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia nhưng giá trị của thương hiệu này liên tục giảm, thua kém nhiều so với Lào.
Ngày 11/3, tại “Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Cơ hội cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Sammir Dixit - Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance cho biết, thương hiệu quốc gia Việt Nam đang bị giảm sút.
Theo đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) năm 2015 được Brand Finance định giá là 140 tỷ USD, trong khi con số năm 2014 được định giá là 172 tỷ USD.
Như vậy trong vòng 2 năm, giá trị thương hiệu quốc gia đã giảm 19%, tăng từ vị trí thứ 43 lên 49 trong bảng giá trị các quốc gia xếp hạng .
Nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong ASEAN, thì vị trí thương hiệu Việt Nam đang thua nhiều nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, thậm chí kém cả Lào.
“Đây là bằng chứng cho thấy sức mạnh thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao. Các yếu tố còn yếu là: chất lượng sản phẩm, xuất nhập khẩu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… chưa cao. Việt Nam đã cố gắng đạt được một số thành tựu so với các nước ASEAN, nhưng vẫn cần phát triển nhanh hơn nữa so với các nước trong khu vực”- ông Sammir Dixit nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lại Tiến Mạnh - đại diện Công Ty Brand Finance tại Việt Nam, cho rằng do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên chưa có nhận thức về xây dựng thương hiệu chung để xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng chưa trợ giúp lẫn nhau trong xây dựng thương hiệu.
Kinh tế Việt Nam không sáng tạo bằng Lào
Trước đó, vào tháng 9/2014, nhiều người cũng bất ngờ trước việc kinh tế Việt Nam thua kém Lào về chỉ số năng suất sáng tạo.
Theo đó, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) đã tiến hành công bố báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 22 nền kinh tế châu Á, Mỹ và Phần Lan.
Chỉ số CPI được tính dựa trên 36 chỉ số “đầu vào” như nền kinh tế đó có bao nhiêu trường đại học được xếp trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới, tỷ lệ đô thị hóa, chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng, quan liêu… 8 chỉ số “đầu ra” gồm số bằng sáng chế được phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…
Theo nghiên cứu của EIU, Việt Nam đạt mức trung bình về “đầu vào” nói chung nhưng yếu về “đầu ra", đặc biệt tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Phân tích về vấn đề này, Ths Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng trong các chỉ số “đầu vào”, bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được đánh giá ở mức thấp do nạn ăn cắp quá nhiều. Khi so sánh với Lào, ở Lào không có tình trạng này trong khi Việt Nam sử dụng nhiều hàng nhái, túi xách, quần áo… trong khi hàng tại Lào chủ yếu là tự cung tự cấp, tự may để sử dụng.
Còn về những chỉ số “đầu ra” trong đó có giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, là nước xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng nhưng sự thay đổi chưa nhiều nhưng Lào chỉ có một vài công ty vào đầu tư, mở rộng sản xuất, nông nghiệp bé nhưng chế biến được rất nhiều. Như vậy tỷ lệ nông nghiệp chế biến trên tổng nông nghiệp lớn hơn so với Việt Nam.