Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Mổ đúng "quy trình" vẫn chết, tại sao?

TTO - Dư luận đang xôn xao gần đây tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân chết khi chữa trị những bệnh đơn giản như gãy chân, đau dạ dày, sốt… Tại sao?

Nữ sinh bị cưa chân vì bác sĩ bó bột tắc trách; bệnh nhân chết bất thường sau một mũi tiêm; bị hướng dẫn đi lòng vòng; BS thiếu chuyên môn cắt hơn phân nửa bàng quang cháu bé;…

Hàng loạt vụ việc BS tắc trách gây ra những hậu quả đáng tiếc đã khiến người dân phẫn nộ. Đáng chú ý là những vụ này xảy ra nhiều nhất ở những bệnh viện (BV) tỉnh. 

“Người dân cứ thích chuyển viện lên tuyến trên là có lý do. Họ không tin BV tuyến dưới. Bệnh viện tuyến trên luôn quá tải là vậy”- nhiều bạn đọc nói.

Các bạn đọc cũng cho rằng chừng nào mà chất lượng của các BV tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện thì tuyến trên có xây thêm bao nhiêu BV nữa, cũng quá tải.

Nhiều bạn đọc cho rằng cái gốc vấn đề hiện nay là khâu cử tuyển chưa đặt yêu cầu cao. Chênh lệch điểm số cử tuyển cũng là một trở ngại vì trình độ không đồng đều.

Trình độ chuyên môn chưa vững vàng?

Theo BS Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, những trường hợp tai nạn như trên là những sai lầm, những sơ suất rất “ngô nghê” do trình độ chuyên môn, tay nghề chưa vững của các bác sĩ.

“Trong y khoa luôn có những sai lầm, nhưng những sai lầm vô trách nhiệm như thế thì không thể chấp nhận được. Do vậy, người dân mới có tâm lý không muốn chữa ở các BV tỉnh, BV tuyến dưới. Nếu cứ để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như thời gian vừa qua thì làm sao mà người dân có thể tin tưởng được?” - BS Trịnh Tất Thắng nói.

Ông Trịnh Tất Thắng cho rằng để người dân thay đổi nhận thức thì ngành y tế phải có chính sách, chiến lược đầu tư cải thiện bộ máy y tế ở các vùng nông thôn.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Đặng Vạn Phước - cố vấn ban giám đốc ĐH Y dược TP.HCM, trưởng Khoa Y ĐH Quốc gia cũng cho rằng tâm lý người dân thích chạy lên các BV tuyến trên là rất bình thường, không thể trách họ khi các BV trở nên quá tải.

BS Trương Thị Xuân Liễu - Chủ tịch Hội y học TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Y tế.TP.HCM nói: “Người dân đâu có phải ai cũng muốn đi xa xôi, tốn kém thời gian và tiền bạc để mà lên các TP lớn chữa bệnh. Người dân đặt niềm tin vào BS nào, BV nào thì sẽ đến đấy chữa trị. Muốn tạo niềm tin cho người dân thì đội ngũ chữa bệnh và thái độ phục vụ của các BV phải thật tốt, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn phải được đề cao”.

BV tuyến dưới khó khăn đủ đường

Một bác sĩ cho rằng không phủ nhận là nhiều BS ở BV tuyến dưới có trình độ chuyên môn chưa tốt. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại là liệu họ có được tạo điều kiện tốt để chữa bệnh chưa, có được cấp phát đúng thuốc và đủ thuốc để điều trị chưa?

Có nhiều loại thuốc không được cấp cho các BV tuyến dưới và các phòng khám đa khoa tư nhân mà chỉ có các BV tuyến trên mới có. Nhiều BV tuyến xã không được cấp thuốc đặc trị thì buộc lòng phải chuyển bệnh nhân lên các BV tuyến trên.

“Đây cũng là bức xúc của nhiều BS của các BV tuyến dưới. Không phải họ không đủ chuyên môn, mà là họ không được tạo điều kiện để chữa trị” - BS này cho biết.

Ở một chiều hướng khác, BS Trương Thị Xuân Liễu cho rằng có nhiều BV tuyến tỉnh không phải là thiếu trang thiết bị, mà là thiếu người để sử dụng những trang thiết bị đó.

Còn theo GS.TS Đặng Vạn Phước, nhiều trạm y tế phường xã được trang bị quá nghèo nàn và đặc biệt là yếu tố quyết định là con người thì lại không phải lúc nào cũng đủ trình độ hoặc được đào tạo bài bản.

“Nói thẳng ra là không BS nào chịu về tuyến dưới cả. Phương tiện quá thiếu, điều kiện phát triển tay nghề lại không có, người ta về cũng chẳng làm được gì cả” - GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Làm sao để các BS về nông thôn?

“Bạn bè mình học y xong, chẳng thấy ai chịu về huyện làm. Một là về tuyến tỉnh, thành phố, hai là bám trụ làm tư nhân tại các thành phố lớn. Còn cán bộ tuyến huyện chủ yếu là được cử đi học rồi lên dần” - bạn đọc Nhat Hoang nêu.

GS.TS Đặng Vạn Phước cũng nói: “Có bác sĩ nào chịu trụ lại phường xã đâu? Vì họ lên trên huyện, tỉnh thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn, họ có thể mở phòng mạch, và chưa kể đến những điều kiện khác chứ không chỉ là vấn đề vật chất.

Lên tỉnh họ có điều kiện học hành trau dồi kỹ năng. Và từ tỉnh thì họ lại muốn lên các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Ở đó có các hội nghị, hội thảo, họ được có cơ hội tiếp xúc với các đoàn nước ngoài, có điều kiện để họ phát triển tay nghề, con cái họ cũng có tương lai tốt hơn”.

Theo BS Trương Thị Xuân Liễu, những cán bộ công tác ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ngoài việc phải được tạo điều kiện về lương bổng thì còn phải được tạo điều kiện để họ được học tập tiếp.

“Bởi vì yêu cầu của ngành y là các bác sĩ lúc nào cũng phải học tập nâng cao trình độ, nâng cao hiểu biết về các kỹ thuật tân tiến. Nhiều người ở xa không có điều kiện học tập cũng là một bất lợi” - BS Xuân Liễu nếu ý kiến.

Ông Trịnh Tất Thắng cho rằng tất cả nằm ở vấn đề chính sách.

“Phải làm sao để BS nhận thấy rằng khi họ về vùng sâu vùng xa thì sẽ được đãi ngộ, chứ cứ bắt người ta chết gí ở một chỗ thì người ta không muốn về cũng là chuyện bình thường” - ông Tất Thắng nói.

Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, các nước giải quyết vấn đề này bằng những nghĩa vụ cho sinh viên y khoa.

Sau khi ra trường, các sinh viên phải phục vụ ở các BV tuyến dưới, BV tỉnh trong thời gian ít nhất là 2 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ rồi thì mới được học tiếp.