Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hệ quả chính sách đa mục tiêu

Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

(ĐTTCO) - Các DNNN được thành lập để thực hiện vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xã hội cho người dân và nền kinh tế, mà mục tiêu cuối cùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự tiếp cận rộng rãi của người dân đối với những cơ hội, nguồn lực và cả kết quả của tăng trưởng kinh tế.

Khó cân đo giữa tiện ích công và lợi nhuận

Các lý thuyết kinh tế cho rằng, hàng hóa công và độc quyền tự nhiên là những thất bại của thị trường và đó chính là cơ sở để Nhà nước can thiệp. Đối với hàng hóa công, do đặc tính không tranh giành và không loại trừ nên khu vực tư nhân sẽ không có động cơ sản xuất và cung cấp, trong khi độc quyền tự nhiên diễn ra sẽ làm cho giá cả bị méo mó và nguồn lực không được phân bổ tối ưu.

Dựa trên triết lý đó, Nhà nước trực tiếp hoặc thông qua việc thành lập các DNNN để cung cấp các tiện ích công cộng cho người dân. Với vai trò trực tiếp cung cấp các tiện ích công cộng, Nhà nước kỳ vọng sẽ giúp người dân kết nối hay tiếp cận được với các tiện ích công một cách dễ dàng với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, do một số tiện ích công cộng có bản chất là hàng hóa công, nên việc nảy sinh tình trạng người ăn theo là khó tránh khỏi. Nếu Nhà nước chấp nhận thực trạng này để theo đuổi mục tiêu mở rộng đối tượng được cung cấp tiện ích công cộng thì vấn đề hiệu quả chi phí phải được đặt ra.

 Tương tự như vậy, đối với một số lĩnh vực có tính chất độc quyền tự nhiên như phân phối điện, Nhà nước cần phải can thiệp để đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả và kiểm soát giá dịch vụ ở mức hợp lý sao cho người dân có thể chi trả và tiếp cận được dịch vụ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này bài toán về hiệu quả chi phí và mục tiêu mở rộng quyền tiếp cận tiện ích công cộng của người dân cũng nảy sinh. Các DNNN được thành lập nhằm cung cấp tiện ích công cộng nhưng cũng được giao trách nhiệm hạch toán kinh doanh và xây dựng lợi nhuận định mức (đơn giản là yêu cầu bảo toàn vốn), nên sẽ rơi vào tình thế khó khăn trong việc lựa chọn mục tiêu hoạt động. Thậm chí nhiều DNNN còn được giao thêm nhiệm vụ bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội và kể cả đóng góp cho ngân sách và góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế. Một chiến lược phát triển đa mục tiêu, chưa kể các mục tiêu nhiều khi mâu thuẫn nhau, sẽ rất khó để có thể đạt được nếu như không muốn nói là không khả thi.

Vào thế phải đầu tư ngoài ngành

Như vậy, từ cơ sở ban đầu khi được thành lập là cung cấp các tiện ích công cộng, Nhà nước dần biến DNNN trở thành một định chế đa mục tiêu và kỳ vọng sẽ là “chiếc đũa vạn năng” để cùng lúc đạt được nhiều thứ. Hệ quả của chính sách đa mục tiêu rất khó để đánh giá được hiệu quả hoạt động của DN đó như thế nào, khả năng cung cấp tiện ích công cộng ra sao... Như kinh nghiệm cho thấy, một chiến lược đa mục tiêu cuối cùng cũng sẽ quy về một mục tiêu duy nhất, mục tiêu đó thường không phải là mục tiêu cốt lõi ban đầu khi DN được thành lập, mà là mục tiêu của chính cơ quan đại diện sở hữu nhà nước. Mục tiêu này thường đóng góp cho ngân sách để cơ quan chủ quản có thêm nguồn lực để chi tiêu. Hệ quả tiếp theo là các DNNN công ích này buộc phải tìm cách đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh nòng cốt của mình, chẳng hạn như đầu tư vào bất động sản, tài chính ngân hàng hoặc chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận và nộp thuế. Việc dàn trải nguồn lực sang các lĩnh vực khác sẽ làm giảm năng lực cung cấp tiện ích công cộng vốn là nhiệm vụ chính của các DNNN này.

Việc cung cấp các tiện ích công cộng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội là do các yếu kém mang tính nội tại của bản thân DNNN, thế nhưng nó lại là cơ sở để Nhà nước bơm thêm nguồn lực, trợ cấp và bảo hộ mới. Các phương thức trợ cấp và bảo hộ một khi được hợp lý hóa, đi kèm với các sức ép cạnh tranh thực sự sẽ giúp DN biến các khoản trợ cấp để nâng cấp bản thân (innovation) và gia tăng năng lực đáp ứng yêu cầu sống còn của cạnh tranh. Tình huống cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam chứng minh cho điều này. Ngược lại, trợ cấp và bảo hộ nếu như không được cấp phát một cách phù hợp, đi kèm với các cơ chế khuyến khích không đúng sẽ biến thành món lợi để các ông chủ DNNN tìm kiếm đặc quyền-đặc lợi cho bản thân. Kết quả là trong khi Nhà nước ngày càng tiêu tốn nhiều nguồn lực nhưng nhiệm vụ cung cấp tiện ích công cộng của các DNNN ngày càng xa rời với mục tiêu mà Chính phủ mong muốn.